"Người ta mới đặt vấn đề về tính cách thị dân Hà Nội mà chưa bao giờ để ý đến tính cách những người sống trong làng giữa Hà Nội. Họ không hẳn là nông dân theo đúng nghĩa nông dân đồng bằng Bắc bộ, cũng không hẳn là thị dân...".
1. Nếu lấy đường Tràng Thi nối dài với đường Điện Biên Phủ làm trục phân cách Hà Nội cổ ta sẽ thấy rõ hai phân khu Bắc - Nam. Phía Tây Bắc chính là thành cổ Hà Nội, sau này Pháp xây thêm phủ Toàn quyền vào đó và vài ngôi nhà hành chính. Phía Đông Bắc chính là khu phố cổ Hà Nội, với các phố phường lâu đời. Từ đường Tràng Thi trở xuống phía Đông Nam là khu nhượng địa với nhiều villa cổ, phía Tây Nam cổ xưa thì có Văn Miếu, Giảng Võ còn lại toàn làng mạc đầm lầy, kết thúc ở đường Láng.
Xung quanh khu phố cổ, trừ góc Bắc và Đông Bắc tiếp giáp với sông Hồng, còn lại toàn làng mạc và đầm hồ, lớn nhất là hồ Thủy Quân (Hồ Gươm).
Không ảnh Hà Nội, trục đường Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương ngày nay chạy qua khu Cột Cờ và Thành cổ. Bưu ảnh đầu thế kỷ 20. Nguồn: NXB Thế giới
Người ta mới đặt vấn đề về tính cách thị dân Hà Nội mà chưa bao giờ để ý đến tính cách những người sống trong làng giữa Hà Nội. Họ cũng không hẳn là nông dân theo đúng nghĩa nông dân đồng bằng Bắc bộ, cũng không hẳn là thị dân, cũng không hẳn là tiểu thương. Chính lớp người này vẫn còn nhiều và đặc trưng cho một tính cách Hà Nội truyền thống.
Ví dụ người dân các làng Ngọc Hà, Báo Thiên, Khánh Thụy, Chân Cầm, Tam Khương (Khương Thượng, Khương Trung, Khương Hạ), Hoàng Mai, Hồng Mai, Bạch Mai, Tương Mai, Quỳnh Mai, Bát Giáp (từ Giáp Nhất đến Giáp Bát)... Người làng gần nội thành cũng có nét khác với người làng gần ngoại thành, ví dụ dân các làng Cầu Giấy, Nhân Chính, Yên Hòa, Yên Phụ, Nghi Tàm. Dân cư các khu vực bãi Phúc Xá, Phúc Tân mới hình thành sau những năm 1970.
Những người dân ở làng mạc trong Hà Nội thường không kinh doanh trong các khu phố cổ, hoặc là sau này, họ có nghề thủ công riêng, phần khác làm nông nghiệp hoa màu, chứ không phải trồng lúa, cung cấp cho dân thành thị. Kinh tế tự cung tự cấp và đời sống ít khắt khe như các làng xã đồng bằng khiến đời sống của dân làng nội đô tương đối thoải mái. Trong khi dân phố sống khá chật chội và mất vệ sinh, thì dân làng nội đô sống với diện tích khá lớn, có sân, vườn, ao, nhà xây gạch - một thứ điền viên ngay trong lòng đô thị quả là cảnh thần tiên.
Tính cách của người làng nội đô tương đối thuần khiết, ít cạnh tranh, lo gia đình, yên vui với cảnh nghèo mà nhàn nhã, không quá khách sáo như người phố cổ, cũng không quá quê mùa như người thuần nông, đồng thời họ cũng được hưởng những hoạt động văn hóa thành phố, mà những làng mạc địa phương không có được.
Một phố ngoại ô Hà Nội. Bưu ảnh đầu thế kỷ 20. Nguồn: NXB Thế giới
2. Tuy nhiên những cái làng này luôn có xu hướng phố hóa. Và dần dà trong suốt thế kỷ 20, nó bị phố hóa hoàn toàn.
Sự phố hóa các làng nội đô có nhiều lý do: hoặc do yêu cầu quy hoạch và xây mới của thành phố, hoặc do chế độ gia đình truyền thống bị phá vỡ, con cái được chia đất đai muốn xây nhà kiểu hiện đại, hoặc do bán từng phần và những người mới đến xây lại.
Có những làng biến đổi dần và xen kẽ kiến trúc đầu thế kỷ 20 với kiến trúc cao tầng từ những năm 1990, có làng bị xóa xổ gần như hoàn toàn và được xây lại thành một phân khu đô thị mới. Những làng biến đổi dần rất nan giải về đường giao thông hiện đại và giải tỏa đất đai do cũ mới ở thế cài răng lược, chưa kể đất đình đền chùa và mồ mả, không dễ xê dịch.
Ở nhiều làng nội đô, dù đã bị đô thị hóa hoàn toàn, nhưng nhiều tập tục cũ vẫn lưu truyền. Người dân vẫn ra lễ đình, họp dòng họ, làm việc làng, tổ chức lễ hội rước sách như thưở nào. Các tính cách cục bộ địa phương vẫn mạnh, và không chuyển sang xu hướng công dân như các đô thị hiện đại.
Mặc dù vai trò của hội đồng kỳ hào, kỳ mục và chính quyền làng không còn mạnh, vai trò tín ngưỡng cũng không lớn, nhưng cái nếp sống làng nội đô vẫn khó lòng mà thay đổi. Người dân làng nội đô có sự khôn ngoan láu cá riêng, có sự chân chất riêng, có tình làng nghĩa xóm riêng, đồng thời cũng có sự đầu gấu riêng... những tính cách mà dân phố phường thợ không có.
(Còn nữa)
Phan Cẩm Thượng/(TT&VH)
|