“Tủ sách Pháp ngữ - Góc nhìn sử Việt”- Công ty cổ phần Sách Omega Việt Nam mới đây giới thiệu những mảnh ghép lịch sử Việt qua góc nhìn của người Pháp với hai công trình khảo cứu của tác giả Claude Gendre: “Đề Thám (1846 - 1913): Một nghĩa sĩ Việt Nam chống lại chế độ thuộc địa Pháp” và “Hoàng Thị Thế: Con gái Đề Thám và quân bài chính trị của thực dân Pháp”.
Claude Gendre có ông nội là Jean Gendre từng tham gia mặt trận Yên Thế (Bắc Giang) năm 1909 chống nghĩa quân Hoàng Hoa Thám, bị thương phải về Pháp điều trị. Một thế kỷ sau, Claude Gendre bắt tay vào sưu tầm tài liệu, tìm hiểu về vùng đất, con người Yên Thế qua những ghi chép của ông nội và hai cuốn tiểu sử về cha con “Hùm thiêng Yên Thế” để cho ra đời hai công trình khảo cứu trên.
Tác phẩm “Đề Thám (1846- 1913): Một nghĩa sĩ Việt Nam chống lại chế độ thuộc địa Pháp” gồm gần 400 trang in. Đáng chú ý, “Lời tựa” sách của nhà sử học Pháp Charles Fourniau là câu chuyện thú vị về bối cảnh ra đời sách, tác giả, về vị anh hùng Hoàng Hoa Thám: “Đề Thám là một nhân vật phức tạp mà cuộc đời còn hơn cả thiên tiểu thuyết. Ông là một gương mặt quan trọng và có ý nghĩa rất lớn trong cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam từ lâu đời để giữ gìn nền độc lập. Việc chống lại công cuộc thuộc địa hoá của người Pháp vào cuối thế kỷ XIX là một trong những giai đoạn chủ yếu để chuẩn bị cho những chiến thắng giành độc lập của dân tộc Việt Nam vào thế kỷ XX.
Cuốn hồi ký “Kỷ niệm thời thơ ấu” của bà Hoàng Thị Thế.
Trong sách, Claude Gendre cho biết: “Ngoài việc chỉnh sửa lại những khẳng định hồ đồ hoặc phản sự thật trong văn học Pháp dành cho Đề Thám đến nay, cuốn sách còn đặt ra nhiệm vụ mang đến cho bạn đọc những khía cạnh khác nhau của một nhân vật vừa nhạy cảm vừa quyết đoán, hành động vì lý tưởng ái quốc bất khuất, một thủ lĩnh tài ba, đầy tình người trong niềm tin mà ông có chung với tầng lớp nông dân Bắc Kỳ nơi ông xuất thân...”.
Và rằng, cha con “Hùm thiêng Yên Thế” là nhân vật hấp dẫn với người Pháp. Bà Hoàng Thị Thế (SN 1901) tại Yên Thế - Bắc Giang là con của Hoàng Hoa Thám với bà Đặng Thị Nho - người vợ đồng thời là cộng sự của thủ lĩnh Đề Thám, tục gọi là bà Ba Cẩn. Năm 1909, bà Thế cùng mẹ bị bắt trong chiến dịch tấn công cuối cùng của quân Pháp vào Yên Thế. Mẹ bà bị kết án đày sang đảo Guane - Pháp và qua đời trên đường đi vào ngày 25/11/1910.
Năm 1961, Hoàng Thị Thế gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ngay khi bắt đầu trò chuyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc tới kỷ niệm cuộc gặp tình cờ giữa họ ở Bảo tàng Louvre. Người cũng động viên Hoàng Thị Thế viết hồi ký và làm sống lại ký ức về cha mẹ bà.
Ông Hoàng Hoa Thám - cha bà Hoàng Thị Thế bị sát hại năm 1913. Năm 1917, toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut nhận làm người giám hộ Hoàng Thị Thế, đồng thời đưa bà sang Pháp. Tại Pháp, Albert Sarraut giới thiệu bà Thế như là công chúa. Tổng thống Pháp Paul Doumer trở thành người cha đỡ đầu và giúp bà một khoản trợ cấp. Năm 1932, khi Paul Doumerr bị ám sát, Hoàng Thị Thế là người sơ cứu đầu tiên cho vị Tổng thống Pháp.
Năm 1930, Hoàng Thị Thế đến với điện ảnh với vai diễn đầu tiên đóng một công chúa Trung Hoa trong phim La Lettre. Năm 1931, bà đóng bộ phim La donna Bianca. Năm 1935, 1936 bà tham gia bộ phim thứ ba Le secret de l’ểmaude. Bà kết hôn năm 1931 với ông Robert Bourger - con một gia đình đại tư sản giàu có danh tiếng ở Bordeaux và tới năm 1940 họ ly hôn. Năm 1961, bà Hoàng Thị Thế trở về sống ở Việt Nam. Năm 1963, bà viết hồi ký “Kỷ niệm thời thơ ấu” bằng tiếng Pháp ở Hà Bắc. Ngày 9/12/1988 bà qua đời, mộ đặt tại Phồn Xương (Yên Thế).
Đặc biệt, sự kiện: Con gái Đề Thám và cuộc gặp với Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ở Bảo tàng Louvre mùa Xuân năm 1920 được Claude Gendre dẫn lại trong tác phẩm “Gặp con gái cụ Đề Thám ở Hà Nội” của nhà báo Phạm Quang Đẩu - Báo Quân đội nhân dân: “Có một lần đến giờ bà vẫn chưa quên - bà Thế nói: Đó là vào mùa Xuân năm 1920... Hôm đó, bà Hoàng Thị Thế vào thăm Bảo tàng Louvre - Paris - Pháp, thấy đi ngược chiều với mình là một người Việt Nam trạc ba mươi tuổi, dáng cao, gầy, có đôi mắt sáng.
Người đó nhìn bà mỉm cười, bà cũng chào đáp lễ. Bỗng người đó nói giọng xứ Nghệ: Cô Thế ơi, cô có biết cha mẹ cô là ai không?”. Một câu hỏi lạ lùng, sao bà lại không biết cha mẹ mình là ai cơ chứ. Bà chỉ mỉm cười và khẽ gật. Người đó nói tiếp: “Mọi người Việt Nam yêu nước thương nòi đều khâm phục tinh thần quả cảm, anh dũng của cụ Đề Thám và bà Ba Cẩn (Đặng Thị Nho), thưa cô”. Lúc đó, bà cảm thấy rất tự hào về cha mẹ mình và nhìn người đó khẽ nói: “Cảm ơn ! Xin anh cho biết quý danh?”. Người đó nở một nụ cười thân thiện, trả lời: “Tôi là Nguyễn Ái Quốc”. Và người đó chào, đi ngay. Hoàng Thị Thế không ngờ rằng người bà vừa gặp gỡ lại là Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này.
Năm 1961, Hoàng Thị Thế gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ngay khi bắt đầu trò chuyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc tới kỷ niệm cuộc gặp tình cờ giữa họ ở Bảo tàng Louvre. Người cũng động viên Hoàng Thị Thế viết hồi ký và năm 1963, bà bắt đầu viết hồi ký trên một cuốn vở học trò.
Claude Gendre cũng phản ánh bi kịch cuộc đời bà Hoàng Thị Thế luôn bị các thế lực chính trị Pháp từ Tổng thống, Toàn quyền, Thống sứ, Bộ trưởng... thao túng cho tới khi không còn lợi dụng về mặt chính trị nữa thì bị ruồng bỏ, lâm vào khó khăn. Claude Gendre lý giải việc Anbert Sarraut trước từng ra lệnh truy sát Hoàng Hoa Thám, sau nhận làm người giám hộ con gái “Hùm thiêng Yên Thế” bởi ông ta muốn đưa Hoàng Thị Thế rơi xa vùng Bắc Bộ, không để bà tiếp bước cha dấy cờ khởi nghĩa và nghĩa quân tụ hội quanh hậu duệ của Đề Thám.
Claude Gendre khép lại tác phẩm với những lời thành kính về con gái “Hùm thiêng Yên Thế”: Hoàng Thị Thế vẫn luôn là một biểu tượng sống trong lòng người Việt Nam. Ngày nay, bà yên nghỉ trong một ngôi mộ đẹp, vừa khiêm nhường, vừa mang vẻ trang trọng, giữa đồn Phồn Xương năm xưa... Ngày 16/3 hằng năm, nhân dịp lễ hội Yên Thế tưởng niệm Đề Thám và nghĩa quân, mộ của Hoàng Thị Thế cũng được phủ đầy hoa, lễ vật của hàng nghìn người bùi ngùi xúc động tới viếng.