Cụ Bùi Bằng Đoàn sinh ngày 17-8-1889 trong một gia đình Nho học tại làng Liên Bạt, huyện Ứng Hoà, tỉnh Hà Tây cũ, nay là Hà Nội.
Cụ Bùi Bằng Đoàn
Cụ đã đỗ cử nhân dưới triều vua Thành Thái. Gặp thời Tây học thịnh hành, Cụ phải khai tăng thêm 3 tuổi cho đủ để vào học trường Hậu bổ (như trường Hành chính quốc gia). Năm 1906, Cụ nhận bằng cử nhân và được bổ nhiệm làm Tri huyện. Năm 1933, Cụ được cử giữ chức Nam triều Tư pháp Bộ Thượng thư và đã từng giữ chức Chánh án Bắc Ninh, Tuần phủ các tỉnh Cao Bằng, Ninh Bình, Thượng thư bộ Hình. Cụ nổi tiếng là quan thanh liêm, đức độ, chính trực và chăm dân. Trên công đường, ở những nơi Cụ làm việc đều có treo một bảng thông báo: “Không nhận quà biếu”. Với người nhà, Cụ rất nghiêm khắc, cấm tiệt việc nhận quà, nếu lỡ nhận phải mang trả lại người đã biếu.
Chính phủ Nam triều đã từng cử Bùi Bằng Đoàn vào thanh tra các đồn điền cao su của Pháp. Cụ đã thanh tra chu đáo, nêu bật những điểm vô lý trong chính sách đối với phu đồn điền. Những kiến nghị xác đáng của Cụ đã được nhà đương cục chấp nhận, giảm thiểu những chế độ hà khắc đối với công nhân đồn điền cao su thời đó.
Bùi Bằng Đoàn là người thông minh xuất chúng. Cụ học Nho học nhưng lại rất giỏi toán, giỏi tiếng Pháp. Năm 1925 khi đang làm Tri phủ Nghĩa Hưng Nam Định, do tính chất quan trọng của phiên toà, Cụ được mời lên làm thông ngôn (phiên dịch) cho phiên toà đại hình xử án Phan Bội Châu.
Với tính cách cương trực, bênh vực lẽ phải, Cụ đã thông dịch rõ ràng, trung thực những lời nói, lý lẽ đanh thép của Phan Bội Châu để rồi sau đó toà án đã không khép cụ Phan vào án chung thân mà giảm xuống hình phạt “an trí tại Huế”.
Tháng 3 năm 1945 Nhật đảo chính Pháp. Vua Bảo Đại xuống chiếu lập Chính phủ và mời cụ Bùi tham gia. Cụ lấy cớ tuổi đã cao, từ chối và cáo quan xin về quê. Tuy nhiên, Chính phủ Nam triều tìm mọi cách giữ Cụ ở lại và giao giữ chức Chánh nhất Toà Thượng thẩm Hà Nội.
Ở thời điểm “cách mạng cận kề”, Việt Minh đã cử người tiếp xúc , mời Cụ làm Hội trưởng Hội Bảo vệ tù chính trị. Và Cụ đã đến với Việt Minh, đến với cách mạng một cách tự nhiên như phẩm chất vốn có trong con người chính trực của Cụ.
Ngày 2-9-1945 Cụ được mời tham gia dự lễ Tuyên ngôn Độc lập ở Ba Đình. Tại đây Cụ đã gặp Bác Hồ và Bác Hồ đã có ý định mời Cụ tham gia chính quyền cách mạng.
Ngày 17-11-1945 Cụ nhận được thư của Hồ Chủ tịch mời Cụ ra gánh vác việc nước. Bức thư viết : “Thưa Ngài! Tôi tài đức ít ỏi mà trách nhiệm nặng nề. Thấy Ngài học vấn cao siêu, kinh nghiệm phong phú, vậy nên tôi muốn mời Ngài làm cố vấn cho tôi, để giúp thêm ý kiến trong công việc hưng lợi, trừ hại cho nước nhà, dân tộc. Cảm ơn và chúc Ngài mạnh khoẻ. Kính thư. Hồ Chí Minh”.
Từ một ông quan thanh liêm, chính trực, nhận rõ đường lối cách mạng vì dân, vì nước và mến mộ tài đức Hồ Chí Minh, Cụ rời quê dấn thân vào con đường cách mạng, tham gia chính quyền mới. Cụ đã từng giữ các chức vụ: Cố vấn Chủ tịch nước, Trưởng ban Thanh tra đặc biệt, đại biểu Quốc hội khoá I, Trưởng ban Thường trực Quốc hội (nay là Chủ tịch Quốc hội) từ tháng 11 năm 1946 cho đến khi tạ thế tháng 4 năm 1955.
Cụ cũng là một trong những người tham gia cùng Bác Hồ thành lập Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam.
Nguyễn Túc
Uỷ viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam
Theo Hoinguoihanoi.de
|