Chủ tịch Hồ Chí Minh duyệt đội danh dự Quân đội Liên Xô trong lễ đón đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam thăm chính thức Liên Xô ngày 12/7/1955
|
Câu chuyện xảy ra khi trong đời tôi có những khái niệm nhận thức bắt đầu từ những năm 50 thế kỷ trước. Lúc đó, những khái niệm quốc tế, quyền tự do độc lập của mỗi dân tộc đối với thế hệ chúng tôi rất đỗi thiêng liêng. Đặc biệt hơn nữa, chúng tôi được lớn lên trong những năm Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại và ngay những năm sau đó.
Từ khi còn là trẻ con, chúng tôi đã biết là Đông Dương xa xôi có cuộc “chiến tranh bẩn thỉu” của thực dân Pháp, mà những con người ưu tú của thế giới phản đối.
Hình tượng người anh hùng đối với chúng tôi là cô gái người Pháp Raymond Dien đã nằm trên đường ray cản đoàn tàu chở vũ khí chuyển tới Việt Nam, cũng như anh thuỷ thủ Hanri Marten, từ chối chiến đấu chống lại nhân dân Việt Nam, vì vậy mà bị kết án nhiều năm tù. Sau này, chúng tôi được xem phim thời sự của nhà đạo diễn chiến trường lừng danh của chúng ta Roman Karmen, đã kể cho toàn thế giới về cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam, về chiến thắng Điện Biên phủ, và về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lần đầu tiên tôi đến Việt Nam là vào năm 1960. Đó là dịp đi thực tập tại Đại sứ quán Liên Xô dành cho sinh viên năm cuối học tại trường Quan hệ Quốc tế. Ở đó, tôi là một trong những sinh viên Xô Viết đầu tiên học tiếng Việt và nghiên cứu về Việt Nam.
Đối với những người Xô Viết nói tiếng Việt, đi đâu cũng được quan tâm đặc biệt và đón tiếp nồng nhiệt, mặc dù, theo truyền thống thì nghề “thông ngôn” không được tôn trọng ở Việt Nam. Đó là do 900 năm Bắc thuộc và thuộc địa cách đây không lâu. Giữ gìn tiếng mẹ đẻ và văn hoá trong nhiều thế kỷ đó là một trong những hình thức đấu tranh vì sự tồn vong của dân tộc. Còn người thông ngôn luôn được coi là kẻ thuộc hạ của những kẻ cai trị -nước ngoài. Nếu đó là người Pháp, có nghĩa đó là một người không thành công trong cuộc sống, không còn sự lựa chọn nào khác là phải học tiếng một nước xa xôi lạ lẫm như Việt Nam. Còn chúng tôi thì tin tưởng rằng nói bằng tiếng Việt với người Việt Nam là thể hiện sự kính mến dân tộc đó, hơn thế nữa chúng tôi đến Việt Nam không phải là kẻ xâm lược mà là đồng minh bạn hữu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm chính thức Liên Xô, tháng 7/1955
|
Những ký ức sâu sắc nhất của những năm đó, tất nhiên là những lần gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lần đầu tiên tôi gặp ông là trên khán đài dành cho khách ở Quảng trường Ba Đình trong cuộc mít tinh và diễu hành ngày mồng 2 tháng 9 năm 1960, kỷ niệm 15 năm khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Với tư cách là phiên dịch, tôi đi cùng với Đại sứ L.I. Xokolov, và dĩ nhiên tôi rất hồi hộp. Bởi vì đó là lần đầu tiên tôi gặp lãnh đạo Việt Nam. Chào hỏi khách khứa xong, Chủ tịch vui vẻ vỗ vai tôi và nói vài câu khích lệ, mà tôi chắc do hoảng sợ nên hiểu không hết. Chỉ một năm về trước thôi, tôi còn không tưởng tượng rằng tôi được nắm tay ông, người mà tôi đã đọc nhiều và vô cùng kính trọng.
Chủ yếu, ông chinh phục tôi là sự giản dị và dễ gần, hoàn toàn mang tính tự nhiên (không chút mảy may cố tình). Và điều đó được đặt trên sự kính trọng vô biên không chỉ từ những người gần gũi ông, và cả tập thể nhân dân to lớn. Đó là sự sùng bái, không phải là sự “tôn sùng cá nhân” hiểu theo thời đó và bây giờ mà là sự sùng kính của tình yêu và khâm phục con người, mà cả cuộc đời mình là minh chứng cho lòng trung thành vô hạn với sự nghiệp tự do và hạnh phúc cho nhân dân của mình và dẫn dắt sự nghiệp đó đến thắng lợi.
Phát biểu từ lễ đài Chính phủ, Chủ tịch, như thường lệ nói rất đơn giản những câu xuất phát từ trái tim khi hướng về đồng bào mình như một người cha hoặc trưởng dòng tộc. Và toàn bộ quảng trường, chứa không dưới một trăm nghìn người đơn giản là khóc thành tiếng, chỉ cần nhìn lãnh tụ của mình và thấy ông còn sống và mạnh khoẻ, kể cả không nghe ông nói và không xấu hổ thổ lộ tình cảm của mình. Vâng, sự tác động của bản thân “hình tượng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đông đảo quần chúng thật tuyệt vời, và tôi giữ mãi ấn tượng đó đến nhiều năm về sau.
Sau này tôi nhiều lần gặp gỡ Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là phiên dịch trong những lần gặp gỡ của nhiều đoàn đại biểu từ Liên Xô. Chủ tịch biết tiếng Nga nhưng không cố tỏ ra điều đó, mà với sự cảm thông với công việc của chúng tôi, chú ý nhận biết những sai sót của chúng tôi và bày vẽ cho chúng tôi cách phát âm đúng một số từ và khái niệm.
Từ những ký ức vui vẻ từ những lần gặp gỡ với con người huyền thoại, lại nhớ đến chuyện “trà đàm” trong ngôi nhà gỗ trên khu Phủ Chủ tịch, nơi thực tế ông sống ở đó. Đôi khi Đại sứ của ta được mời đến đó trong những buổi tiếp hoàn toàn thân mật và không chính thức, tôi lại được tháp tùng ông. Sau phần công việc hay có những câu chuyện đùa vui. Mà đó là công việc khó khăn nhất của phiên dịch, nói cách khác là “chạm phải cửa tử”. Bởi vì mỗi một dân tộc có cách thể hiện của mình, có cái cũng thật buồn cười, có cái thì cũng vầy vậy!
Có một lần, khi ngài Đại sứ kể một trong những câu chuyện tiếu lâm ở Liên Xô trong thời đó về “Radio Armenhia”.
Những chuyện tiếu lâm đó thường bắt đầu từ câu hỏi của thính giả, như kiểu hỏi nhà đài Armenhia về mọi chuyện trên đời và các câu trả lời phải là bất ngờ thông minh hóm hỉnh và nhất là phải buồn cười.
Vậy Đại sứ nhà ta kể về câu chuyện, ví như thính giả hỏi có thể giết chết mẹ vợ bằng một cân bông? Câu trả lời là có thể... nếu đem cân bông bọc một cái bàn là. Nếu theo khái niệm từ thì dịch không khó, và tôi lập tức dịch trọn vẹn. Nhưng không ai trong số người Việt Nam có mặt, kể cả chính Chủ tịch đều không cười. Đại sứ không vui, không bằng lòng nhìn tôi. Cứ như kiểu tôi dịch không nên hồn trước những con người như thế này.
Nhưng chính Chủ tịch đã bênh vực tôi “Đừng giận phiên dịch - ông nói với Đại sứ đang còn nhăn nhó - Trong chuyện tiếu lâm vừa kể chỉ có không hiểu một điều: “vì sao, lý do gì mà giết mẹ vợ”. Và ông giải thích quan hệ giữa con rể và mẹ vợ trong gia đình Việt Nam khác hẳn. Vì chính mẹ vợ rất quý con rể, vì vậy trong thâm tâm không thể xuất hiện ý nghĩ phải loại bỏ bà. Như vậy câu chuyện tiếu lâm không ranh mãnh lắm trở thành câu chuyện mà tôi nhớ cả một đời.
Không đơn thuần khi người ta nói tất cả những cái gì thiên tài đều rất giản đơn. Tất cả những gì đã nói và làm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã đi vào lịch sử như một nhà cách mạng kiệt xuất của thế kỷ 20, đều rất đơn giản và dễ hiểu. Liên tưởng đến điều đó, tôi không thể không nhớ đến lần gặp ông vào năm 1964. Lúc ấy ở Hà Nội có Hội nghị quốc tế, kỷ niệm 10 năm ký kết hiệp định Giơnevơ về Đông Dương. Tôi được tham dự vào công việc của Hội nghị. Tình hình lúc đó vô cùng căng thẳng, thời gian đến chiến tranh xâm lược của Mỹ chỉ còn mấy ngày, đếm trên đầu ngón tay. Chủ tịch gặp gỡ tất cả mọi đại biểu nước ngoài tham dự Hội nghị, trong đó có thượng nghị sỹ từ Chile Xanvador Aliende, Chủ tịch Uỷ ban Hòa bình Thế giới của Trung Quốc Go Moroi và những nhà hoạt động xã hội chính trị khác của thời kỳ đó. Tôi nhớ suốt đời lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh liên quan đến câu hỏi trong điều kiện khó khăn hiện nay đường lối chính trị đối ngoại của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà như thế nào. Đường lối chính trị đó, ông nói, có thể đưa vào công thức sau “thêm bạn, bớt thù”.
Sau này, tôi thường nhớ lại những lời đó như là những lời anh minh nhất mà cũng là đơn giản nhất, biểu mẫu đánh giá đường lối chính trị đối ngoại của bất kỳ chính phủ nào, bất kỳ đất nước nào, mà thực sự quan tâm, không chỉ bằng lời nói mà bằng việc làm đến quyền lợi của dân tộc mình. Và cũng với phương châm đó khi phân tích đường lối chính trị đối ngoại của Cộng hoà XHCN Việt Nam trong hai chục năm thực hiện chính sách “đổi mới”, là một minh chứng cho việc thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
G.M.Loksin sinh năm 1938, năm 1961, ông tốt nghiệp Trường Quan hệ Quốc tế của Bộ Ngoại giao Liên Xô.
Trong những năm 1963-1967, làm việc tại Viện nghiên cứu phương Đông của Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô.
Năm 1964 – 1973, từng là thư ký điều hành của Ủy ban hỗ trợ Việt Nam - Liên Xô. Trong những năm 1973-1993, từng là thư ký và thư ký điều hành của Ủy ban Hòa bình Liên Xô.
Từ năm 1994, ông là Thư ký của Ủy ban Điều hành Hiệp hội Quỹ Hòa bình Quốc tế và Tổng thư ký của Viện Hòa bình Quốc tế tại Vienna.
Từ năm 2007, ông đã làm việc như một cộng tác viên nghiên cứu hàng đầu tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông của Viện Hàn lâm Khoa học Nga.
Ông là tác giả của nhiều bài báo khoa học và báo chí về các vấn đề của phong trào giải phóng dân tộc ở miền Nam Việt Nam, chính trị của Hoa Kỳ và Liên Xô cũ ở Đông Nam Á, người tham gia một số chuyên khảo về lịch sử gần đây của Việt Nam.
Ông đã được trao tặng các huy chương cao quý của Liên Xô và Việt Nam.
|
Grigori Loksin
Hoàng Văn Minh dịсh
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/dat-nuoc-con-nguoi/su-gian-di-anh-minh-cua-mot-con-nguoi-vi-dai-20190826163022548.htm