Người Hà Nội thanh lịch, văn minh: Giữ gìn, đắp bồi nếp xưa Người Hà Nội thanh lịch, văn minh: Giữ gìn, đắp bồi nếp xưa , Người xứ Nghệ Kiev
11/07/2019
(HNMCT) - Trong nghìn năm lịch sử, Hà Nội luôn là nơi hội tụ tinh hoa của các vùng miền. Những phong tục, lề thói địa phương được chắt lọc, nâng cao, trau chuốt trong khung cảnh văn hóa Kinh kỳ đã tạo nên nét duyên riêng của đất và người Hà Nội. Tuy nhiên, theo thời gian, những nét đẹp truyền thống của người Hà Nội có phần phôi phai, từ đó đặt ra yêu cầu cần chấn hưng nếp xưa thông qua ý thức của mỗi cá nhân và vai trò giáo dục đạo đức trong mỗi gia đình.
Nhớ những nếp xưa
Họa sĩ Đặng Thị Khuê năm nay đã qua tuổi thất tuần. Sinh ra và lớn lên ở đất Hà thành, những ký ức về nếp nhà Hà Nội xưa vẫn còn nguyên vẹn trong bà. Bà Khuê kể, ngay từ tấm bé bà đã được mẹ - một người Hà Nội gốc, chỉ bảo cho biết bao điều. Từ chuyện ứng xử khi nhà có khách đến lời ăn tiếng nói hằng ngày, rồi chuyện ăn, chuyện uống. “Khách đến nhà, nếu không có trà thì con mời nước lọc cũng được, nhưng con nhớ cốc phải sạch, đặt trên đĩa và khi mời nước phải đưa bằng hai tay” - lời mẹ dặn ngày nào đã ăn sâu trong ký ức và đến giờ bà vẫn còn giữ được nếp xưa.
Nhắc đến nếp xưa của người Hà Nội, họa sĩ Đặng Thị Khuê cũng chẳng thể quên những năm tháng thập kỷ 60 của thế kỷ trước: “Ngày ấy, cứ vào dịp Quốc khánh 2-9, mọi người từ các tỉnh lân cận đổ về Hà Nội. Nhà tôi khi ấy ở phố Nguyễn Du, các gia đình bảo nhau nấu một nồi nước trà xanh, đồ thêm cả xôi để ở trước cửa dành cho mọi người đến Hà Nội xem duyệt binh”.
Nhà văn Nguyễn Hiếu khi nói về cuộc sống và xã hội Hà Nội cách đây gần nửa thế kỷ thì gói trọn trong 2 từ “ngưng đọng”. Ông bảo: “Hồi ấy, phương tiện thông tin cũng như sự hội nhập với thế giới rất hạn chế. Chính trong điều kiện đó nên lề thói, tập tục, lối sống mang chất Hà Nội từ ngàn đời dường như vẫn lưu giữ, không đổi từ vùng ngoại thành đến phố cổ. Người Hà Nội quen miệng “cảm ơn” và “xin lỗi”, đi qua đám ma thì ngả mũ nón, tình làng nghĩa xóm được tôn trọng, giữ gìn...”.
Không ít người từng gắn bó với Hà Nội trong câu chuyện kể của mình cũng nhắc nhớ về những nếp xưa như một niềm tự hào về nét văn minh, thanh lịch của người Hà Nội. Cái nếp ấy chính là sự tôn trọng các giá trị tinh thần, đạo lý, nó hiện hữu trong văn hóa ứng xử cũng như sinh hoạt hằng ngày...
Giữ sao cho vẹn?
Nhà nghiên cứu văn hóa Giang Quân khi còn sống từng chia sẻ với người viết bài sự ngậm ngùi khi những nếp xưa của Hà Nội đang ngày một phôi pha: “Người Hà Nội gốc giờ chắc chỉ còn 8-9%, con cháu của người Hà Nội giờ cũng ít giữ được nếp Hà Nội xưa. Thời trước, khi ra đường người Hà Nội từ cô hàng hoa Ngọc Hà đến cô hàng rau làng Láng đều ăn mặc gọn gàng, chỉnh tề “quần chùng, áo dài”. Giờ ra phố khối anh vẫn cởi trần mặc đùi, các cô thì áo hai dây, váy ngắn tung tăng... Tệ hơn, ít người còn nói được lời cảm ơn hay xin lỗi. Cái nếp ăn cũng thế. Xưa, các cụ “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, giờ ở hàng quán người ta uống ừng ực, rồi còn hát hò inh ỏi”.
Nỗi niềm của nhà nghiên cứu Giang Quân ngày nào dường như vẫn là nỗi canh cánh của biết bao người yêu Hà Nội. Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Thị Bích Hồng trăn trở: “Trong tiến trình đô thị hóa, văn hóa người Hà Nội đang dần bị mai một và có nguy cơ báo động về những biến đổi trong ứng xử với môi trường tự nhiên - sinh thái, môi trường xã hội, lối sống... Những cách cư xử truyền thống như “Bán anh em xa mua láng giềng gần”, “Chị ngã, em nâng”, “Láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau”... đã biến đổi khác trước. Người Thủ đô hôm nay, nhất là ở các khu chung cư chọc trời, đã sống theo phong cách thị thành, không chào hỏi, không quan tâm gia cảnh của nhau. Chữ tín cứ thưa vắng dần trong kinh doanh. Hiện tượng đong điêu, bán thiếu, lừa gạt, trà trộn hàng giả, hàng kém chất lượng, thực phẩm không có nguồn gốc... diễn ra hằng ngày. Hiện tượng “bún mắng, cháo chửi” làm mất đi vẻ thanh lịch, thân thiện của Hà Nội”.
Nét thanh lịch của người Tràng An đã được hình thành, trải qua bao thế hệ và thể hiện trong lời ăn tiếng nói, trong cách ứng xử với gia đình, bè bạn, xóm giềng, trong sinh hoạt đời thường. Trước, cũng người dân khắp nơi đổ về Hà Nội nhưng họ đã được gạn lọc những cái thô mộc để giữ lại chất tinh túy của người Hà Nội. Nay, chất tinh túy ấy đang phải đối mặt với dòng chảy của quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa.
Dù rằng Hà Nội đã và đang có nhiều nỗ lực trong cuộc vận động xây dựng nếp sống người Hà Nội văn minh, thanh lịch; đẩy mạnh, tuyên truyền bộ Quy tắc ứng xử công cộng vào đời sống..., tuy nhiên để giữ được những “thói đất, nết người” xưa trong bối cảnh hiện nay quả là một điều không dễ dàng. Nhà báo Hồ Quang Lợi đã nhấn mạnh mỗi công dân Hà Nội cần thấm sâu hơn niềm tự hào và trách nhiệm căn bản của danh nghĩa người Hà Nội, cần có ý thức tự giác để “chấn hưng văn hóa người Hà Nội”. Song song với đó, cũng cần có chế tài buộc mọi người phải tuân thủ, từ đó tạo thành thói quen, dần dần hình thành nếp sống. Và một điều không thể không nhắc tới đó chính là giáo dục đạo đức trong mỗi gia đình. Mỗi gia đình gương mẫu, sẽ góp phần không nhỏ trong việc phát huy những phẩm chất tốt đẹp của người Hà Nội. Có như thế nếp xưa Hà Nội mới được gìn giữ, đắp bồi.