Người họa sĩ của phố phường Hà Nội
Hà Nội là “mảnh đất vàng” đối với Phạm Bình Chương như tên gọi một cuộc triển lãm cá nhân của anh được tổ chức tại Mỹ năm 2012 (triển lãm “Golden Place” tại gallery George Billis Gallery, New York).
Không cổ điển trong cách diễn đạt, tạo hình như tranh “Phố Phái”, cũng không lung linh những vệt màu khoáng đạt, quyến rũ thị giác như trong tranh Phạm Luận, Hà Nội trong tranh Phạm Bình Chương là những nét đẹp bình dị có chút gì đó da diết, nhớ thương và thật đến sững sờ.
Phạm Bình Chương không nhận mình là người hoài cổ nhưng cái “gu” của anh thì luôn có thiên hướng tìm về quá khứ. Trước mỗi bức tranh của anh, người xem ngỡ như đứng trước một không gian thân quen, một khung cửa sổ xanh, mảng tường vôi loang lổ, một cành bàng thưa lá hay một vòm cổng dẫn vào nhà phố cổ… đã vĩnh viễn nằm trong ký ức.
|
Góc bình yên - 2015. Tranh của PHẠM BÌNH CHƯƠNG |
Chàng họa sĩ thế hệ 7X này đã nhìn ra những góc rất lạ, rất đẹp, rất duyên của phố phường Hà Nội. Đó là một ngã tư đường mùa đông vắng lặng, chỉ có hai chiếc xe đạp chở hoa tươi bán dạo thầm thì bên nhau, là ánh nắng ngày hè qua tán cây đổ bóng, những bậc cầu thang lên xuống mộc mạc nhưng thân thương… Đó cũng có thể là khu nhà kiến trúc thuộc địa cổ kính, đối lập với nó là chiếc ôtô đời mới bóng lộn trên con phố còn loáng nước sau mưa, là góc phố Hàng Giấy với hàng nước chè bình dân cũ kỹ, là cửa hàng cho thuê truyện trên phố Thi Sách... Đó còn là một thân bàng khẳng khiu sót lại vài chiếc lá vàng trong ngày đông giá rét, là bụi thài lài tím trên bồn hoa bên khung cửa sổ khép hờ, là cơn mưa dài khiến ngõ phố nhòa trong mưa…
|
Mùa nắng xiên - 2010. Tranh của PHẠM BÌNH CHƯƠNG |
Nhưng cái tài của Phạm Bình Chương không phải ở chỗ vẽ lại một góc phố đẹp, anh mang tới cho người xem những khoảnh khắc, rung cảm đặc biệt để cảm nhận tình yêu Hà Nội đang trỗi dậy thật dịu dàng và sâu lắng trong lòng.
Phạm Bình Chương bắt đầu lối vẽ hiện thực khoảng từ năm 2000 và theo đuổi đến tận bây giờ. Những cái khó của hội họa mà nhiều người rất ngại diễn tả như: Ánh sáng, chiều sâu trong không gian và những hiện tượng thiên nhiên như nắng, mưa, sương, gió… thì Phạm Bình Chương lại làm rất chuẩn. Tranh của anh vẽ kỹ đến từng chi tiết mà vẫn toát lên chất thơ, màu sắc anh sử dụng cũng đạt tới độ tinh tế của biểu cảm. Vì thế, xem tranh của Phạm Bình Chương là một cuộc đối thoại chậm rãi và từ tốn.
|
Ngày chớm đông - 2004. Tranh của PHẠM BÌNH CHƯƠNG |
Gần 20 năm với khoảng 200 bức tranh ưng ý. Tất cả đều về Hà Nội, mà chỉ loanh quanh phố cổ nhưng Phạm Bình Chương vẫn đem lại cho người xem những bất ngờ. Có được thành công này, mấy ai biết anh đã từng có những tháng ngày loay hoay trong nghệ thuật. Và cuối cùng anh nhận ra, chỉ với phong cách vẽ chi tiết về phố phường Hà Nội mới đưa anh trở lại chính mình.
Đắm đuối với Hà Nội
Sinh ra và lớn lên ở phố Hàng Gà, họa sĩ Phạm Bình Chương có ký ức bền bỉ về Hà Nội. Hà Nội đối với anh không chỉ là những cảm nhận từ ngày thơ bé mà đó còn là ký ức hào hùng của mảnh đất ngàn năm văn hiến qua lời kể của cha anh, GS. Họa sĩ Phạm Công Thành.
Phạm Bình Chương cho biết, phần lớn các tác phẩm của anh được lấy cảm hứng từ phố cổ Hà Nội thời hiện đại, theo cách nhìn của những con người hiện đại. Đó là Hà Nội sống động của hôm nay. Không thể kể hết những lần anh lang thang dạo phố để cảm nhận, để cái tinh túy, cái hồn cốt của người Hà Nội nó ngấm vào người. Có những ngày cảm hứng căng tràn lồng ngực, đêm đến ngồi trước tấm toan và hình ảnh cứ thế hiện về một cách sống động.
|
Câu chuyện của lá - 2005.Tranh của PHẠM BÌNH CHƯƠNG |
Hà Nội bây giờ ồn ào náo nhiệt, nhưng anh vẫn bắt gặp những khoảnh khắc yên lành. Để họa lại nơi chốn ấy, anh phải quan sát thật kỹ tại nhiều thời điểm, chụp lại ảnh, vẽ ký họa... Anh thích vẻ đẹp tự nhiên của đời sống nên không có nhu cầu lý tưởng hóa hoặc “chỉn chu hóa” nó thêm.
Anh nói: “Tất cả những tranh tôi đều vẽ bằng hình ảnh thật. Tôi không vẽ Hà Nội theo những bức ảnh cũ, chụp Hà Nội của cái thời mà tôi không thấy, không chứng kiến. Tôi chỉ vẽ những khung cảnh Hà Nội ở thời điểm mình cầm cọ, vẽ với cảm xúc thật mà cảnh trí đó đập vào mắt mình. Chẳng hạn bức tranh góc phố Hà Nội có cái bạt quây, là tôi muốn kể một câu chuyện của Hà Nội đang thay đổi. Người ta quây bạt để xây nhà, những cầu thang cũ, những mảng tường vôi tróc rất đẹp mà tôi phải nhìn qua khe của những tấm tôn mới thấy, nó sắp mất đi, nhường chỗ cho những cái mới. Sự thay đổi đó có nuối tiếc, nhưng tôi không thể can thiệp”.
|
Khoảnh khắc giao thời - 2017. Tranh của PHẠM BÌNH CHƯƠNG |
Vẽ Hà Nội, Phạm Bình Chương không chỉ chú ý đến vẻ đẹp kiến trúc mà quan trọng hơn cả là anh quan tâm đến chất văn hóa đậm đà của người Tràng An. “Tôi muốn lột tả vẻ đẹp của Hà Nội cũng như tình yêu của mình với Hà Nội thật khúc triết để qua đó người xem có thể cảm nhận được cái “mùi” của Hà Nội bao gồm cả vẻ đẹp kiến trúc lẫn vẻ đẹp của đời sống con người” – họa sĩ giãi bày.
Bởi vậy, Hà Nội trong tranh Phạm Bình Chương đủ để nhớ, để yêu, để trân trọng. Xem tranh của anh, người yêu Hà Nội đều rưng rưng nhận ra đó là cái không gian mình đã sống một thời, nhận ra từng góc phố, con đường mình hàng ngày vẫn hay đi qua, thấy như tâm hồn bề bộn được trú ngụ và cảm thấy tiếc nuối những hình ảnh giờ chỉ còn trong dĩ vãng…
|
Cô đơn - 2004. Tranh của PHẠM BÌNH CHƯƠNG |
Cái bền vững không gây hối thúc cho sáng tác
Miệt mài theo đuổi đề tài Hà Nội, không phải Hà Nội xưa, mà một Hà Nội của hôm nay, đang phải đối diện với nhiều mất mát không thể níu giữ, họa sĩ Phạm Bình Chương như đang chạy đua với thời gian.
Anh nói: “Nếu ngày xưa, sự thay đổi của Hà Nội phải 10 năm, 20 năm mới nhìn thấy, thì nay tốc độ đó nhanh hơn nhiều. Chỉ cần một năm, thậm chí một tháng thôi, quay lại "chốn cũ" đã thấy có cái mới thay thế rồi. Giờ mỗi lúc muốn vẽ, đi tìm một Hà Nội cũ hiếm lắm, phải "rình rập" lắm mới thấy. Rồi phập phồng lo âu vẻ đẹp đó có thể mất đi bất cứ lúc nào.
|
Cầu thang nắng - 2018. Tranh của PHẠM BÌNH CHƯƠNG |
Rất nhiều lần tôi quay lại tìm cái cầu thang cũ, mảng tường vôi cũ, nơi tôi đã ký họa để vẽ một bức tranh nào đó, nó đã mất sạch dấu vết. Một ngôi nhà mới đã mọc lên, màu sơn chói lóa hay cái cầu thang đã bị phá bỏ hoàn toàn. Những lúc như vậy, cảm giác về sự tiếc nuối, mất mát dâng ngập trong tôi.
Với tốc độ phát triển như vũ bão của Hà Nội, có những cái "xóa sổ" là cần thiết, nhưng cũng có những cái, theo tôi, là nuối tiếc vô cùng.
Chẳng hạn, những ngôi nhà trên phố cổ Hà Nội xưa thường được quét vôi ve, trải qua năm tháng nó có màu vàng óng rất đẹp. Rêu phong mọc trên những bức tường từng là nguồn cảm hứng bất tận của thi ca, âm nhạc và hội họa. Nay thì không còn nữa. Người ta sơn vôi cho nhanh, cho tiện.
|
Quán trưa - 2007. Tranh của PHẠM BÌNH CHƯƠNG |
Sơn vôi rất kỵ nước và không tạo ra cái màu đẹp cho bức tường như vôi ve. Sơn vôi gặp nước sẽ phồng rộp và bong từng mảng, không có cơ hội cho rêu bám. Như thế, các ngôi nhà được sơn vôi trên phố cổ theo thời gian sẽ không thể trở về “xưa cũ” mà chỉ từ “mới” rồi đến “bẩn” (vì bụi bám) thôi... Tuy nhiên, tôi phải học cách chấp nhận những băn khoăn dằn vặt đó, vì xét cho cùng, mọi băn khoăn dằn vặt là chất liệu tạo ra cảm xúc cho người nghệ sĩ”.
|
Ký ức - 2011. Tranh của PHẠM BÌNH CHƯƠNG |
Phạm Bình Chương nói anh yêu cái khoảnh khắc giao thời tuyệt vời của Hà Nội, ẩn chứa trong lòng phố là câu chuyện từ thời thuộc địa đến thời bao cấp, rồi thời của kinh tế thị trường. Chính sự giao thoa, thay đổi chóng mặt của Hà Nội là cảm hứng để anh sáng tác.
“Cái bền vững không gây hối thúc cho mình. Phát hiện cái đẹp càng khó càng thú vị. Thay vì nuối tiếc, hãy trân trọng những thứ mình đang có” – anh nói.
|
Nắng Chủ nhật - 2009. Tranh của PHẠM BÌNH CHƯƠNG |
Bận bịu với giảng đường của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, với một trung tâm mỹ thuật dành cho thiếu nhi do vợ chồng anh chung lưng gây dựng, họa sĩ Phạm Bình Chương vẫn ngày đêm miệt mài theo đuổi công việc lưu giữ màu của ký ức. Sở hữu một Hà Nội phố của mình, đến nay, anh đã có 4 cuộc triển lãm cá nhân về Hà Nội và đang ấp ủ giấc mơ lãng mạn cho triển lãm thứ 5 cũng về đề tài này vào cuối năm nay.