Trang chủ Liên hệ       Thứ bẩy, Ngày 23/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
  -  Con Người Việt Nam
  -  Đất Nước Việt Nam
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Việt Nam Đất Nước Con Người > Con Người Việt Nam >
  Người mở ''khóa'' Dinh Độc lập Người mở ''khóa'' Dinh Độc lập , Người xứ Nghệ Kiev
 

Căn nhà số 7, ngõ 18, đường Nguyễn Văn Trỗi, thành phố Vinh có một bảo tàng nhỏ. Bảo tàng đó lưu giữ rất nhiều kỷ vật cuộc đời chiến đấu không ngừng nghỉ của người bộ đội Cụ Hồ Lê Văn Hinh trong suốt 2 cuộc chiến tranh thần thánh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ… Ở tuổi 93, người chiến sĩ đặc công biệt động thành này vẫn nhớ rõ từng ngày đã qua.

Lê Văn Hinh “mồ côi” cả cha lẫn mẹ từ rất nhỏ. Cậu bé được ông Sáu Lầu (Cao Văn Lầu) tìm thấy trong một căn lều trống ở làng An Thới Đông, Núi Trầu (Hà Tiên), nên đã đem về nuôi dưỡng và đặt tên là Cu Nhỏ. Cái ngày đứa bé được tìm thấy (10/1/1926) trở thành ngày sinh nhật của Cu Nhỏ.

Ông Sáu Lầu ( Cao Văn Lầu) cha nuôi của Cu Nhỏ ( Lê Văn Hinh).

Những năm 30 của thế kỷ trước, cha nuôi Sáu Lầu thoát ly hoạt động cách mạng nên gia cảnh sa sút. Cu Nhỏ phải lưu lạc lên Sài Gòn ăn xin và bị lừa bán sang một trại trẻ ở Campuchia. Tại trại, Cu Nhỏ cùng nhiều đứa trẻ khác được dạy võ, cưỡi ngựa, ném lao, bắt rắn… 10 năm được huấn luyện ở trại, Cu Nhỏ vừa kịp trở thành chiến binh, đã vội thành “đào binh”.

Cu Nhỏ – Lê Văn Hinh kể lại: “Một hôm ở trại, tôi tình cờ nghe được mình sắp bị thiến để đưa vào hoàng cung phục vụ vua. Sợ quá, thế là nhân một buổi đi bắt rắn, tôi bỏ chạy. Biết mình vốn là người Việt nên tôi cứ theo hướng Đông vượt núi, vượt rừng để tìm về. Sau hơn 10 ngày, tôi đã về đến quê hương. Đó là vào năm 1940.

… Rời khỏi rừng, tôi đói xỉu ngất đi. May mắn thay đã được 4 người lạ cứu tỉnh, cho ăn uống. Lúc này, tôi đã hoàn toàn quên đi tiếng mẹ đẻ và chỉ nói được tiếng Campuchia. Trong 4 ân nhân đó thì có 1 người nói tiếng Campuchia rất giỏi và hỏi cặn kẽ thân thế của tôi. “Ông hỏi cháu có muốn đi theo hoạt động cách mạng cứu dân, cứu nước không? – thế rồi tôi đồng ý”.
Về Việt Nam, Cu Nhỏ được gặp lại cha nuôi Sáu Lầu tại căn cứ rừng U Minh Hạ, được theo chân các bác Tô Ký, Dương Bạch Mai, Phạm Văn Bạch, Hoàng Lê Kha và trở thành liên lạc cho lãnh đạo nghĩa quân Nam Kỳ khởi nghĩa, đánh thành Gia Định.

Một trong những “chiến công” của Cu Nhỏ thời kỳ này đó là giúp đỡ bà Nguyễn Thị Thập – một trong những thủ lĩnh của phong trào khởi nghĩa. Khi trên đà tiến công, bà Nguyễn Thị Thập chuyển dạ sinh con. Cu Nhỏ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ cõng bà Thập về căn cứ sinh nở an toàn.

Nam Kỳ kháng chiến.

Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại, Cu Nhỏ mất liên lạc với tổ chức. Không mục tiêu định hướng, Cu Nhỏ trở về Sài Gòn mưu sinh trên hè phố, rồi thi đấu võ đài. Năm 1942, Cu Nhỏ trở lại Campuchia thi đấu võ thuật và giành chiến thắng, được cấp bằng võ sĩ Đông Dương.

Cách mạng tháng Tám nổ ra, Cu Nhỏ hòa theo dòng người cướp chính quyền rồi tình nguyện nhập Vệ quốc đoàn. Cu Nhỏ vừa tham gia huấn luyện cho bộ đội vừa chiến đấu trong các tiểu đoàn Trương Định, tiểu đoàn 307. Cu Nhỏ đã tham gia các trận đánh đồn Sa Tiên ở Tháp Mười, cầu Ông Lãnh ở Sài Gòn.

Chiến sĩ vệ Quốc đoàn đánh giặc, giữ từng ngôi nhà, từ góc phố.

Một chiến công lớn của Cu Nhỏ trong thời kỳ này là tham gia đội cảm tử giải cứu đồng chí Dương Bạch Mai – một trong những nhà lãnh đạo kháng chiến Nam Bộ bị bắt giam tại Phước Long và Kon Tum. Đội cảm tử gồm 10 người do tiểu đoàn Trương Định thành lập. Sau khi đánh hạ nhà tù Bà Rá (Phước Long) giải cứu được 200 chiến sĩ cách mạng nhưng không có đồng chí Dương Bạch Mai (do bị chuyển trại giam lên Kon Tum), đội cảm tử quyết định băng rừng từ Đông Nam Bộ lên Kon Tum.

Sau 2 tháng luồn rừng, vượt núi, đội cảm tử đã đến được Kon Tum. Nhưng lúc này 6/10 thành viên đã mất vì đói, bệnh, rừng thiêng nước độc. 4 chiến sĩ cảm tử đã nhận được sự giúp đỡ tận tình của anh hùng Núp và bà con, phối hợp cùng bộ đội địa phương cứu được đồng chí Dương Bạch Mai cùng 10 tù chính trị khác ở nhà tù Đắc Tô ngay trước giờ bị địch đưa đi hành quyết.

Sau cuộc giải thoát này, Cu Nhỏ lấy tên hai chiến sĩ đã mất trong đội cảm tử tên Lê và Văn làm họ, lấy con sông Hinh ở quê cha Bình Định làm tên… Năm 1952, với nhiều chiến công, Lê Văn Hinh được về chiến khu D dự Liên hoan anh hùng, chiến sĩ thi đua cụm 21 tỉnh Nam Bộ, là một trong 8 chiến sĩ thi đua toàn quốc đầu tiên.

Tháng 10/1954, cùng với 1.000 thương binh, Lê Văn Hinh tập kết ra Bắc điều trị vết thương tại Trại thương binh 14, Hà Nội. Tại đây, ông được đồng đội dạy văn hóa, được cấp “chứng chỉ tốt nghiệp” lớp 2/10. Cuối năm 1955, ông được điều về Tiểu đoàn 5 đặc công; năm 1957, được điều về Đại đội 2, Tiểu đoàn đặc công số 5 Quân khu 4 vừa thành lập (đóng tại xóm Thái Bình, xã Hưng Thủy – nay là phường Bến Thủy, thành phố Vinh) làm nhiệm vụ huấn luyện võ thuật. Về đây, ông đã quen và nên duyên cùng cô công nhân nhà máy điện Vinh Nguyễn Thị Bưởi vào năm 1959.

Năm 1962, Lê Văn Hinh cùng đồng đội sang Lào làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn tiêu diệt phỉ Vàng Pao và bảo vệ đường mòn Hồ Chí Minh vừa mở. Năm 1969, Lê Văn Hinh được triệu tập về Hà Nội nhận nhiệm vụ mới: Về miền Nam chiến đấu. Đêm mùa đông năm 1969, toán Hải Âu gồm 12 chiến sĩ đặc công do Lê Văn Hinh làm toán trưởng nhảy dù xuống cánh rừng Bù Đốp, tỉnh Phước Long, rồi đi bộ về Sài Gòn, trở thành chiến sĩ đặc công biệt động thành mang số hiệu H5, tên gọi là Hoàng.

Từ đó, cùng với nhóm tình báo do bà Đinh Thị Vân đứng đầu, Lê Văn Hinh cùng các chiến sĩ đặc công – biệt động Sài Gòn lập nhiều chiến công vang dội, như: đánh nổ các trạm xăng của ngụy quân; đánh sập cầu Bến Lức; diệt đại tá tình báo Mỹ; tiêu diệt nữ điệp viên CIA Hoa Mai và đại tá ngụy ác ôn biệt danh “Trâu Điên”; cắt đứt hệ thống vô tuyến viễn thông liên lạc với Bộ Tổng Tham mưu ngụy tại Sài Gòn; phá hủy sân bay dã chiến …

Bây giờ ông Lê Văn Hinh vẫn còn giữ 3 tờ giấy bạc đặc biệt có mệnh giá 200 đồng, 100 đồng, 20 đồng. Ông Hinh kể: “Tổ chức giao cho tôi 3 tờ giấy bạc, căn cứ số seri trên tờ bạc, tìm đến 3 ngôi nhà trên 3 con đường khác nhau, lần lượt nhận giấy tờ để lọt vào một khách sạn và tiêu diệt tên “Trâu Điên”.

Kỷ vật Huy hiệu Không quân Hoa Kỳ - đạo cụ giúp ông cải trong trong thời kỳ là biệt động Sài Gòn.

Tôi đã vào rất nhiều vai khác nhau để thực hiện nhiệm vụ: Khi thì cảnh sát dã chiến thuộc lực lượng thanh tra đặc biệt của liên quân Việt-Mỹ; khi lại vào vai nghệ sĩ gánh hát cải lương; lúc thì đạp xích lô, lái xe lam; lúc thì làm hộ lý ở Bệnh viện Chợ Quán…Một trong những vai hay nhất là sỹ quan không quân Mỹ – phù hiệu lực lượng này tôi còn giữ”.

Năm 1975, chiến sĩ đặc công Lê Văn Hinh chính là Trung úy Hoàng – cảnh sát dã chiến trong lực lượng liên quân thanh tra đặc biệt Việt-Mỹ. Ngày 21/4/1975, trung úy Hoàng đã cùng 13 sĩ quan đội cảnh sát đặc biệt tin cậy vào bảo vệ cuộc họp đặc biệt do Tổng thống Thiệu chủ trì tại Dinh Độc Lập, có Đại sứ Martin tham dự. Ngày 26/4/1975, ông Lê Văn Hinh được nhận nhiệm vụ làm thân với viên thiếu tá quản lý cầu dao hệ thống điện tử Macnamara bảo vệ Dinh, để vô hiệu hóa chúng.

9h43 phút ngày 30/4/1975, quân giải phóng đã tiến vào Sài Gòn nhưng hàng rào điện vẫn còn đó. 10h30 xe tăng của ta đã tiến vào phía ngoài Dinh Độc Lập. Nhiệm vụ chưa hoàn thành, Trung úy Hoàng “ruột gan nóng như lửa đốt” nên liều mình bám theo và đút tiền cho viên thiếu tá nhưng anh ta không lấy tiền, cứ lầm lì như câm điếc.

Lúc này Trung úy Hoàng mới nói với viên thiếu tá “Anh là thiếu tá, chức vụ cao hơn tôi, nhưng bây giờ cấp bậc và chức vụ chẳng là cái gì. Giờ chúng ta phải hành động như một người yêu nước, chúng ta đóng hết cầu dao điện lại đi. Quân giải phóng không làm gì anh em mình đâu. Biết ta tự cộng cắt cầu dao điện, quân giải phóng lại ghi nhận công lao của anh em mình là khác”. Viên thiếu tá im lặng nhìn Trung úy Hoàng.

11h15, viên thiếu tá cùng Trung úy Hoàng mở khóa và vô hiệu hóa toàn bộ hệ thống cầu dao điện ở Dinh Độc Lập và biến mất – ông Lê Văn Hinh thú nhận: Hồi đó, nhiều chiến sĩ đặc công biệt động hoạt động đơn tuyến, không ai biết ai nên thú thật đến tận bây giờ tôi cũng không biết viên thiếu tá đó là “ngụy” hay là mình.

Đất nước thống nhất rồi nhưng cuộc chiến của người chiến sĩ đặc công Lê Văn Hinh chưa chấm dứt. Hàng chục vết thương ở tay, chân, cột sống, vùng đầu trở chứng hành hạ ông. Tháng 12/1975, ông Hinh ra Bắc an dưỡng tại K10, Gia Lâm, Hà Nội. Nhà nước muốn chăm sóc – an dưỡng ông trọn đời nhưng bản thân ông xin được giám định thương tật, giải quyết chế độ thương binh để về với vợ con.

Thương binh 2/4, Thiếu tá Lê Văn Hinh trở về bên dòng Lam cùng người vợ yêu và 5 người con. Những năm 1976-1995 mới là những năm “dữ dội” nhất trong cuộc đời người chiến sĩ đặc công này khi đời sống khó khăn chật vật, một năm 12 tháng thì cả 12 tháng ông đi bệnh viện. Vết thương cũ đã “đánh” ông ngã gục nằm liệt giường, khiến ông phải đi xe lăn, đôi ba phen ông tưởng chừng như đã chết.

Nhưng rồi, với sự giúp đỡ của vợ con, cùng tinh thần yêu cuộc sống, tinh thần quả cảm của anh bộ đội Cụ Hồ, người chiến sĩ đặc công Lê Văn Hinh đã chiến thắng bệnh tật. Sau 20 năm chiến đấu, ở tuổi 70, ông Lê Văn Hinh đã từ chiếc xe lăn đứng dậy bước chân đi… Rời khỏi giường bệnh, ông cùng đồng đội lại về thăm chiến trường xưa, trăn trở với việc nhiều đồng đội vẫn còn nằm đâu đó nơi rừng sâu chưa kịp về đất mẹ.

Cuộc đời của chiến sĩ đặc công Lê Văn Hinh đã được Giáo sư Hoàng Chương viết thành sách dày 200 trang xuất bản vào năm 2009 với tựa đề “Chuyện lạ của một chiến sĩ đặc công”. Ngày 27/7/2010, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức hội thảo về cuốn sách này với sự tham dự của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, Trung ướng Đồng Sĩ Nguyên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Vũ Oanh…Nói về người chiến sĩ đồng hương, Cố Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh cho rằng: “Anh Lê Văn Hinh là một người anh hùng”.

Ở tuổi 93, nói về mình, cựu chiến sĩ đặc công Lê Văn Hinh cho rằng: “Tôi không phải là anh hùng. Tôi chỉ là một đứa trẻ mồ côi, được cách mạng nuôi dưỡng mới thành người. Trước đây, nhiều người vẫn nghi ngại tôi lý lịch không rõ ràng, là “người địch” cài cắm vào. Tôi tự nhủ mình phải cố gắng sống, chiến đấu để mọi người thấy mình như thế nào…

Người xứng đáng danh hiệu anh hùng là vợ tôi. Bà Bưởi đã một mình nuôi dạy con khôn lớn trong khi tôi đi chiến đấu, chăm sóc tôi trong hàng chục năm đau yếu và đến tận bây giờ bà vẫn chăm từng bữa cơm, giấc ngủ cho tôi không sai một phút một giờ”./.



  Các Tin khác
  + 7 điều tuyệt diệu khiến bạn luôn tự hào khi nhắc đến hai tiếng Việt Nam (11/08/2024)
  + Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/07/2024)
  + Ai là người đặt tên đất nước ta là Việt Nam: Ý nghĩa là gì? (30/06/2024)
  + Hình ảnh thiêng liêng lễ diễu binh ở Thị trấn Trường Sa (08/06/2024)
  + Trường Sa luôn đặc biệt từ những điều nhỏ nhất (26/05/2024)
  + Thế trận Đường Trường Sơn góp phần làm nên thắng lợi Chiến dịch mùa Xuân 1975 (18/05/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/05/2024)
  + Khám phá 22 hang động kỳ vĩ mới được phát hiện tại Quảng Bình (19/04/2024)
  + 18 đời vua Hùng gồm những ai? Tên gọi chính xác của các vị vua là gì? (17/04/2024)
  + Ảnh ấn tượng về các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (05/04/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Đại tướng Phan Văn Giang: Vũ khí cá nhân mới của quân đội tốt hơn AK47 (05/04/2024)
  + Chiêm ngưỡng sắc đỏ của cây hoa gạo trăm tuổi "đẹp nhất" Ninh Bình (03/04/2024)
  + Hoa gạo rực đỏ bên ngôi chùa cổ kính nghìn năm tuổi ở Hà Nội (23/03/2024)
  + Những bông hoa y tế vùng cao và chuyện băng rừng trong đêm đi đỡ đẻ (06/03/2024)
  + Kỷ niệm 80 ngày thành lập QĐNDVN: Sẽ tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế và mít tinh cấp Nhà nước (26/01/2024)
  + MŨI NÉ VÀO TOP ĐIỂM BAY KHINH KHÍ CẦU ĐẸP NHẤT THẾ GIỚI (02/04/2023)
  + Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: (12/03/2023)
  + Hàng nghìn người khai hội gò Đống Đa xuân Quý Mão (26/01/2023)
  + Hiệp định Paris - thành quả đấu tranh kiên cường, bất khuất và hy sinh to lớn của quân dân Việt Nam (17/01/2023)
  + Cánh đồng Tà Pạ đẹp lạ như phim, dân mạng đang “phát sốt” tìm xem ở tỉnh nào của miền Tây (23/12/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 1
Total: 65155867

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July