Mặc dù những ngày tháng hào hùng của 37 năm trước đã qua đi nhưng những khoảnh khắc lịch sử vẻ vang sẽ không bao giờ phai nhạt đối với đại tá Bùi Quang Thận - người trực tiếp cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập và đại úy Vũ Đăng Toàn - người trực tiếp chỉ huy xe tăng đâm thẳng vào cổng dinh Độc Lập (nay là Hội trường Thống Nhất).
Sáng ngày 30-4-1975, chiếc xe tăng mang số hiệu 390 do Trung úy Vũ Đăng Toàn - Chính trị viên đại đội làm chỉ huy cùng các đồng đội đã húc đổ cổng dinh Độc Lập - trụ sở cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn, đánh dấu chấm hết cho sự tồn tại của chính quyền Sài Gòn, đồng thời khẳng định chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc trong mùa Xuân, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Thời khắc lịch sử hào hùng ấy mãi mãi khắc sâu trong tâm trí lớp lớp người Việt Nam yêu nước từ thế hệ này sang thế hệ khác. Những sự kiện, những con người của thời khắc lịch sử ấy luôn có sức hấp dẫn lớn với nhiều người.
Ngày 25-4-2012, tại TP.Hồ Chí Minh, trao đổi với chúng tôi, nhân chứng lịch sử Vũ Đăng Toàn cho biết: Theo chỉ đạo, chúng tôi chỉ biết đến ngã tư Hàng Xanh thì rẽ trái và qua 7 ngã tư thì đến dinh Độc Lập. Mặc dù xe tăng 390 cách dinh Độc Lập không xa nhưng do không biết đường nên không xác định rõ vị trí của dinh. Rất may, khi đó xe tăng 390 lại đi đường ngang qua cổng dinh Độc Lập, còn xe của trung úy Bùi Quang Thận dừng lại trước cổng chính; ông Toàn ra lệnh cho trung sĩ Nguyễn Tập chuyển hướng xe, chính diện xông thẳng, húc đổ cổng dinh Độc Lập. Cùng lúc đó, đại đội trưởng Thận nhảy xuống xe mang theo lá cờ. Khi chiếc xe tăng 390 dừng lại trước tiền sảnh dinh Độc Lập, ông Toàn xách AK nhảy xuống, đeo thêm khẩu súng ngắn, chờ đại đội trưởng Thận đang cầm cờ tiến vào. Cả hai chạy lên thềm dinh trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, với một tinh thần cảnh giác cao độ. "Điều mà tôi cảm thấy vui nhất trong trận đánh lịch sử là được chứng kiến cảnh ông Dương Văn Minh đầu hàng. Ông Minh yêu cầu bàn giao chính quyền nhưng chúng ta không đồng ý mà bắt ông ấy phải đầu hàng không điều kiện” - ông Toàn cho hay.
Cũng là một trong những người đầu tiên xông thẳng vào cổng dinh Độc lập, đại tá Bùi Quang Thận (lúc bấy giờ là trung úy, đại đội trưởng) kể lại: "Vào trong thành phố rồi các đơn vị không thể liên lạc với nhau qua điện đài được vì trong thành phố có nhiều góc chết, nhiều nhà cao tầng. Khi đến cổng phía tây của sở thú nhưng tầm nhìn bị che khuất bởi nhiều cây cao vì vậy tôi không thể nhìn thấy dinh. Sau khi hỏi han người qua đường tôi mới biết dinh Độc Lập đang ở trước mặt mình. Khi đó trên xe còn hai viên đạn, tôi chỉ đạo cho cấp dưới nạp đạn và bắn thẳng vào dinh để uy hiếp tinh thần địch và tiếp tinh thần cho quân ta. Nhưng chỉ một viên đạn mà bắn đến hai lần vẫn không nổ. Tôi quyết định phải cho xe đâm thẳng vào dinh”.
Sau khi tiến vào dinh, nhiệm vụ cao cả của trung úy Bùi Quang Thận lúc bấy giờ là bằng mọi giá phải cắm được cờ của ta trên nóc dinh Độc Lập. Vào đến dinh, ông Nguyễn Hữu Hạnh - phụ tá Tổng Tham mưu trưởng Quân đội VNCH đón tiếp và báo cáo Tổng thống đang đợi các ông vào làm việc. Trung úy Thận đề nghị trung úy Vũ Đăng Toàn ở lại canh chừng các thành viên nội các và chờ cấp chỉ huy đến, còn mình phải thực hiện bằng được nhiệm vụ cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập”. Người được lệnh hướng dẫn Bùi Quang Thận đi thang máy lên nóc dinh cắm cờ là đại tá Chiêm - Chỉ huy trưởng lực lượng phòng vệ phủ Tổng thống. Cùng đi theo hỗ trợ Bùi Quang Thận cắm cờ còn có hai người nữa là sinh viên Nguyễn Hữu Thái (cựu Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn) và tiến sĩ báo chí Huỳnh Văn Tòng. Được thang máy đưa lên địa điểm cắm cờ, trung úy Thận đã hạ cờ của chính quyền Sài Gòn xuống, ghi vào cờ của mình là 11h30 và ghi chữ "Thận”. Ông Thận tâm sự: "Giờ nghĩ lại cũng thấy sợ, khi leo lên cắm cờ trên mình tôi không có một khẩu súng và cũng chẳng hề nghĩ đến chuyện bị bắt hay bị giết. Có thể lúc đó tinh thần anh dũng, ý chí quyết thắng rạo rực trong người nên tôi không hề có cảm giác sợ chết. Cắm được cờ của ta trên dinh Độc Lập tôi thấy phấn chấn và vui mừng khôn tả”.
37 năm qua đi nhưng tinh thần quyết chiến, quyết thắng vẫn còn in đậm trên nét mặt mỗi nhân chứng lịch sử. Đặc biệt vào những ngày tháng 4 lịch sử này, các nhân chứng lịch sử nói riêng và mọi người Việt Nam nói chung lại được sống trong những năm tháng hào hùng, oanh liệt ấy.
Sông Xanh (Theo Đại Đoàn kết