Mỗi lần đến vùng Bảy Núi tôi đều ghé thăm Đại tá Lê Văn Hai (Hai Cư), người chiến sĩ kiên cường, bất khuất, đã từng chiến đấu trên ngọn đồi Tức Dụp, thuộc huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.
Đại tá Lê Văn Hai (thứ 3 từ phải qua ) kể lại những năm tháng hào hùng trước ngày 30-4-1975
Có thể nói ông là một trong những nhân chứng lịch sử đã kể lại cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện hào hùng, thấm đậm tình người, tình đất trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng(30-4-1975). Hiện ông đang nghỉ hưu và làm vườn, làm rẫy, chăn nuôi tại xã An Tức, huyện Tri Tôn, An Giang.
Ông sinh năm 1934, thoát ly gia đình từ năm 16 tuổi. Trong quá trình tham gia cách mạng, ông đã được phân công làm trinh sát tại Kiên Giang, sau đó trở về Tri Tôn tiếp tục chiến đấu tại vùng đồi núi Cô Tô. Năm 22 tuổi, ông chuyển sang công tác ở xã đoàn An Hảo và được kết nạp vào Đảng năm 24 tuổi. Trong quá trình công tác và chiến đấu, ông đã từng trải qua nhiều nhiệm vụ nặng nề như Bí thư xã An Hảo, sau đó chuyển về Huyện đội Tri Tôn, cùng anh em chiến đấu bảo vệ ngọn đồi Tức Dụp thuộc địa bàn Bảy Núi – An Giang. Tại đây, ông luôn mưu trí và dũng cảm, cùng với quân dân đánh tan nhiều trận càn ác liệt của Mỹ ngụy, bảo vệ thành công căn cứ Tỉnh ủy, cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến chống Mỹ ở địa phương.
Với cương vị Huyện đội trưởng, ông đã có mặt khắp mọi nơi trên vùng Bảy Núi, nhất là các phum, sóc ở Tri Tôn, đi đâu cũng được dân tin, bạn mến, đồng bào giúp đỡ. Lúc đối diện với quân thù, ông luôn bình tĩnh và mưu trí nên khó khăn nào cũng vượt qua.
Tức Dụp là một ngọn đồi trên vùng núi Cô Tô. Địa hình bên trong vô cùng hiểm trở nhờ có nhiều lò ảng ăn luồng nhau như tổ ong, tạo thành một căn cứ an toàn trong thời chống Mỹ. Ngay từ những năm chống Pháp, Tức Dụp được coi là nơi ẩn náu của các chiến sĩ cách mạng. Chính vì thế mà đế quốc Mỹ tìm cách tiêu diệt căn cứ này nhằm cắt đứt đường dây từ biên giới về vùng Tứ giác Long Xuyên. Chúng đã huy động hàng sư đoàn cùng với những toán biệt kích thiện chiến ngày đêm chống phá cách mạng. Đồi Tức Dụp còn có tên là "Ngọn đồi hai triệu đô la” tức là giá trị của bom đạn mà Mỹ đã ném xuống hòng huỷ diệt tất cả màu xanh nhưng chúng đã hoàn toàn thất bại.
Đại tá Lê Văn Hai cho biết, vào những thời điểm ác liệt nhất, tại đồi Tức Dụp trung bình mỗi ngày đêm diễn ra hàng chục trận đánh lớn nhỏ. Trong suốt 128 ngày đêm, địch đã hủy diệt tất cả màu xanh và mầm sống trên ngọn đồi bằng chất độc hóa học và nhiều loại vũ khí tối tân như pháo đài B.52, máy bay thả bom bi, bom xăng, bom tấn và các pháo đủ loại với ý đồ biến Tức Dụp thành đất chết nhưng không thể nào xuyên thủng được tuyến phòng thủ của dân quân ta.
Đại tá Lê Văn Hai ( Hai Cư)
đang đứng trước một miệng hang năm xưa
Ông nói địch có vũ khí hiện đại, ta có trí thông minh, lòng dũng cảm và ý chí sắt đá. Địch sử dụng bom xăng ta dùng bao bố và manh đệm nhúng nước che lên đầu để chiến đấu và sau những trận càn quét ta lại cắm ngay khoai mì để có lương thực nuôi quân.
Ông nhớ lại những ngày bảo vệ đồi Tức Dụp là những ngày đầy gian khổ và thử thách ghê gớm, giữa cái sống và cái chết chỉ kề nhau trong gang tấc nhưng anh em vẫn một lòng chiến đấu, không hề lùi bước. Không có gạo anh em dùng rau, cháo thay cơm. Thiếu cháo, thiếu khoai anh em đào rễ chanh nhai cho đỡ dạ, có khi bắt từng con cua, con ốc, ếch, nhái, chim, chuột... để ăn. Nhiều lúc anh em phải mò mẫm xuống giếng sâu múc từng bọc ny lông nước mang lên. Ban ngày đánh giặc, ban đêm anh em tìm cách vượt qua mấy vòng rào để gom từng thúng gạo, rổ khoai, gói thuốc do bà con tiếp tế. Cảm động nhất là những lúc bị địch bao vây ráo riết, bà con phải giấu gạo hoặc cơm dưới đáy thúng, bên trên ngụy trang bằng một lớp cứt bò. Có chị em lại dùng khăn mù xoa vắt cơm gửi vô cho chiến sĩ. Khi mở ra anh em mới thấu hiểu tấm lòng hậu phương qua mấy câu thơ thêu bằng chỉ đỏ:
" Anh đi em ở em chờ,
Khi xong nhiệm vụ anh về với em!”
Khi xong nhiệm vụ anh về với em!”
Trong chiến đấu gian khổ anh em chia nhau từng chén cơm, viên thuốc, nhiều thương binh phải dùng nước dừa tươi thay cho nước biển. Bản thân ông cũng bị thương nhiều lần nhưng chỉ trị liệu toàn bằng mật ong trước khi chuyển về quân y. Tuy khó khăn, thiếu thốn nhưng anh em lúc nào cũng hăng hái chiến đấu, cùng quần chúng khởi nghĩa, đánh tan nhiều đợt càn quét, tấn công của địch vào cùng căn cứ.
Đại tá Lê Văn Hai và tấm bằng
Danh hiệu Anh hùng LLVTND
Lúc bấy giờ Tức Dụp vẫn là nơi đi về để liên lạc, hội họp và làm việc của cán bộ và chiến sĩ. Nơi đây còn là điểm hẹn hò, kết hôn của nhiều thanh niên nam nữ. Nhiều lễ tuyên hôn được tổ chức ngay giữa lòng địa đạo một cách đơn sơ, quà cưới chỉ có hoa rừng, vài gói thuốc Ara, rổ khoai mì và vài con cá khô mà tình cảm thật vô cùng sâu đậm. Mọi người vừa ăn mừng vừa ca hát :
Trai thương vợ hăng say chiến đấu
Gái thương chồng ra sức đảm đang
Mãi cho đến bây giờ, mỗi lần nhắc lại ai ai cũng đều xúc động.
Gái thương chồng ra sức đảm đang
Mãi cho đến bây giờ, mỗi lần nhắc lại ai ai cũng đều xúc động.
Cuộc đời binh nghiệp của Đại tá Lê Văn Hai đã trải qua muôn vàn gian khổ nhưng lúc nào ông cũng kiên cường vượt qua mưa bom, bão đạn, cùng đồng đội lập nên nhiều chiến công chói lọi, viết lên những trang sử vẻ vang để trở thành "huyền thoại Tức Dụp” trên vùng Cô Tô – Bảy Núi.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông được cấp trên phân công giữ chức Tỉnh đội phó, đến năm 1986 thì chuyển sang làm Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Tri Tôn cho đến ngày về hưu năm 1990. Và kể từ đó đến nay ông đã trở thành một nông dân chính hiệu, suốt ngày cần cù trên mảnh đất quê nhà, nơi mà xưa kia đã từng hứng chịu biết bao mưa bom bão đạn. Giờ đây, ngoài vườn rừng, ông còn sở hữu một vườn xoài hằng trăm cây. Nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất nên năm nào xoài của ông cũng sai trái và trúng mùa, góp phần nâng cao cuộc sống của một gia đình cựu chiến binh.
Với thành tích và công lao to lớn, ông đã được Nhà nước tặng thưởng Huy chương Kháng chiến chống Mỹ hạng I, Huân chương Chiến công hạng I, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang và gần đây, ngày 19-5-2011 ông đã vinh dự đón nhận danh hiệu anh hùng LLVTND.
Sau ngày 30 - 4 - 1975, ngọn đồi Tức Dụp đã trở thành di tích lịch sử được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng, khách du lịch nô nức về thăm lại các chiến tích oai hùng năm xưa. Đại tá Lê Văn Hai tuy tuổi đã cao nhưng trông ông vẫn còn khỏe mạnh và tinh thần minh mẫn, tham gia nhiều hoạt động ở địa phương, sát cánh cùng bà con nông dân và các gia đình thương binh liệt sĩ xây dựng quê hương. Một lần đoàn chúng tôi đến tham quan đồi Tức Dụp, ông đã dẫn mọi người vào thăm những vườn cây trái sum xuê, tham quan những hang động, những hầm bí mật năm xưa, nơi mà các chiến sĩ đã từng hội họp, chiến đấu và sinh hoạt, như hang C 6, hang Quân y, hang Thanh niên, Hội trường Tỉnh ủy... Đứng trước các miệng hang mà nhiều nhà viết sử từng coi là "Địa đạo Củ Chi trong lòng núi”, mọi người đều thấy dâng lên niềm xúc động xen lẫn tự hào.