Gần 40 năm trước, Đông Ngàn là một trận địa ác liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nơi đây đã ghi dấu ấn lịch sử của 14 cô gái dân quân với chiến công bắn rơi nhiều máy bay Mỹ. Giờ đây, nó đang trở thành những cánh đồng màu mỡ.
Hình ảnh 14 nữ dân quân Hoa Lộc năm xưa.
Quên mình vì Tổ quốc
Chúng tôi tìm về trận địa Đông Ngàn, nơi ghi dấu chiến tích của 14 nữ dân quân Hoa Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa vào một ngày nắng tháng 4. Những nữ dân quân ngày ấy bây giờ đều đã ngoài 60 tuổi, thế nhưng khi nhắc lại những ngày tháng gian khổ mà hào hùng ấy, ánh mắt của các bà, các mẹ vẫn rực sáng. Cái hào khí diệt giặc, bảo vệ quê hương dường như vẫn còn sục sôi trong họ.
Trong những năm 1965 - 1967, đế quốc Mỹ có những hoạt động khiêu khích, phá hoại và chuẩn bị cuộc chiến tranh bằng không quân và hải quân chống phá miền Bắc ngày càng ác liệt. Mỗi ngày có hàng chục đoàn máy bay liên tục tấn công những con đường trọng yếu của ta. Chúng đánh phá nhà cửa, làng mạc, bắn phá căn cứ, kho thóc và một số tuyến đường vận chuyển huyết mạch của ta như phà Thắm, cầu De, đường 5 (nay là đường 10)…
Trước tình hình trên, được cấp trên cho phép, Trung đội “nữ dân quân Hoa Lộc” đã được thành lập vào ngày 1/6/1967. Cả Trung đội được giao 3 khẩu súng phòng không 12,7 ly để bảo vệ bầu trời, kho thóc và tuyến đường sông, đường biển quan trọng từ Bắc vào Nam. Cũng từ đó cái tên “trận địa Đông Ngàn” được người ta nhắc tới.
Toàn trung đội có 14 cô gái đang còn rất trẻ, hầu hết họ mới 18 đôi mươi, và còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Thế nhưng theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, họ đã rời ghế nhà trường để tham gia trực chiến, bảo vệ quê hương, hậu phương.
Năm 1967, cô thôn nữ Hoàng Thị Mợi, vừa tròn 18 tuổi đã xung phong vào Trung đội dân quân trực chiến phòng không xã Hoa Lộc và được cử làm Trung đội trưởng. Đã gần 40 năm trôi qua, chị vẫn nhớ như in: “Ngày đó, máy bay dội không ngớt trên bầu trời miền Bắc, chúng kéo hàng đoàn ném bom, bắn rốc - két ầm ầm, sáng rực cả vùng trời. Chị em chúng tôi cứ phải chuyển căn cứ liên tục. Có những đêm trời mưa, ai nấy đều ướt nhẹp, bụng đói cồn cào, đường thì trơn thế mà cứ chân trần, đầu đội mũ cọ đi trong đêm dưới sức công kích của hàng chục máy bay giặc. Cho đến bây giờ, nghĩ lại không hiểu sao lúc đó mình khỏe thế, mình làm được những điều phi thường đến như vậy”.
Tìm về nhà bà Triệu Thị Tình, một trong 14 cô dân quân Hoa Lộc, bà Tình thổ lộ: “Những năm 1967 - 1968, cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ càng trở nên ác liệt. Mỹ điên cuồng dội bom suốt ngày đêm. Chúng càn quét, đánh phá khắp nơi. Vào sáng ngày mồng 2/11/1967, máy bay Mỹ càn quét, tôi bị thương vào đầu. Sau đó tôi được mọi người nhai lá cây dại đắp vào vết thương, cầm máu xong lại tiếp tục chiến đấu, cho đến tối mới có người ở trạm xá vào rửa vết thương và sơ cứu cho tôi, lúc ấy sao mình không biết sợ là gì”.
“Ngày đó khổ lắm, cơm không có mà ăn, toàn ăn rau dại. Để đảm bảo an toàn, trận địa pháo phòng không phải liên tục di chuyển, mà toàn phải di chuyển trong đêm. Thế mà chị em lúc đó khỏe lắm, không biết mệt là gì”, bà Tình vừa nhai trầu bỏm bẻm vừa cười, nụ cười rạng ngời vô tư như hồi còn là “O du kích”.
Những “O du kích nhỏ” bắn 3 máy bay hiện đại của đế quốc Mỹ
Sau 10 ngày bắn phát súng ra quân đầu tiên của đội nữ dân quân Hoa Lộc, một máy bay Mỹ đã bị bắn rơi và bốc cháy lao xuống biển. Kể về chiến công lừng lẫy của đội mình, chị Mợi hướng đôi mắt nhìn xa xăm, kỷ niệm chiến đấu năm xưa cùng đồng đội như những thước phim quay chậm bỗng ùa về: “Hơn 40 năm trôi qua, thời gian dài bằng nửa đời người, thế nhưng những gì chúng tôi đã làm trong những năm tháng ấy không bao giờ phai mờ trong ký ức của chị em. Hôm đó là ngày 16/6/1967, vào khoảng 3 giờ chiều, không quân Mỹ lợi dụng ánh nắng mặt trời, 2 tốp máy bay gồm 4 chiếc A4D bay từ Lạch Sung (huyện Nga Sơn) lên thả 6 quả bom xuống phà Thắm, khi chúng chuẩn bị lao lên khu vực cầu De, chưa kịp ném bom thì 21 viên đạn từ 3 khẩu súng phòng không 12,7 ly đồng loạt nổ súng.
Một trong 4 chiếc máy bay bốc khói nghi ngút, thấy vậy cả tốp máy bay quay đầu tháo chạy ra biển. Lúc đó chị em cũng không chắc rằng mình đã bắn rơi máy bay, mãi đến tối khi đài tiếng nói Việt Nam phát lên, rồi thông tin từ đài quan sát của ta ở đảo Nẹ báo về, chúng tôi mới tin mình đã làm được điều phi thường. Chị em cứ thế mà ôm nhau mừng đến rơi nước mắt”.
Kể đến đây, giọng bà như chùng xuống, ký ức ngày xưa cứ thi nhau ùa về khiến cho đôi mắt của bà đỏ hoe. Lặng lẽ lau những giọt nước mắt, bà Mợi kể tiếp: “Bắn rơi được chiếc đầu tiên, được Bác Hồ gửi thư khen ngợi, chị em lại càng quyết tâm chiến đấu hơn. Sau lần bắn rơi chiếc đầu tiên, chúng tôi được cấp 3 khẩu súng phòng không 14 ly 5 để thay thế 3 khẩu súng cũ.
Ngày 2/11/1967, địch ném bom khu vực cầu De, Trung đội đã hạ gục một chiếc F4. Sau lần hạ chiếc máy bay thứ hai, địch bắt đầu giảm tấn công. Thời gian này chị em vừa trực chiến vừa tham gia sản xuất, nuôi lợn, trồng lúa để tự cung tự cấp.
Đến khoảng tháng 4 năm 1972, Mỹ lại điên cuồng cho máy bay bắn phá miền Bắc, chính thức tuyên bố cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ 2. Trong thời gian này cả miền Bắc phải gồng mình hứng chịu những trận mưa bom của máy bay Mỹ, tất cả miền Bắc được đặt trong tình trạng chiến tranh. Trước tình hình đó, được lệnh cấp trên, đội dân quân đã chuyển từ dã chiến sang trực chiến và sẵn sáng chiến đấu.
Cho đến ngày 30/7/1972, bất ngờ quân địch ồ ạt tấn công, máy bay B52 ầm ầm kéo đến vần vũ cả bầu trời. Nhận được lệnh, chị em lại vào vị trí tiếp tục chiến đấu. 4 giờ chiều cùng ngày, chị em đã góp phần bắn rơi một chiếc B52 của Mỹ”, bà Mợi bồi hồi nhớ lại.
Với thành tích to lớn đó, trung đội dân quân Hoa Lộc ngoài vinh dự và tự hào được Bác Hồ gửi thư khen ngợi và tặng mỗi người một huy hiệu, còn được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương lao động hạng 3, được báo chí trong và ngoài nước biết đến. Với những loại vũ khí thô sơ nhưng thật bất ngờ các chị có thể bắn rơi được những chiếc máy bay tối tân nhất của quân đội Mỹ vào thời điểm bấy giờ.
Gần 40 năm đã qua đi, mảnh đất từng là “túi bom” khổng lồ của đế quốc Mỹ giờ đây đã đổi thay rất nhiều, những vết tích của chiến tranh đã được hàn gắn bằng những cánh đồng màu mỡ, những ngôi nhà ngói mới đỏ tươi, những con đường bê tông khang trang sạch đẹp. Có lẽ càng không thể quên đi những gì mà trung đội nữ dân quân Hoa Lộc năm xưa đã làm.