Câu chuyện về người chị gái “ở vậy” nuôi em trai tật nguyền
Tại thôn An Lạc 2, xã An Vinh, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình suốt hơn 40 năm qua ai cũng cảm động trước câu chuyện chị gái quyết không lấy chồng, ở vậy chăm sóc em trai. Người chị gái tuyệt vời trong câu chuyện này là bà Bùi Thu Hiền (SN 1949) và người em trai là Bùi Văn Hảo (SN 1960).
Anh Hảo khi sinh ra vẫn lành lặn như những đứa trẻ khác. Đến năm lên 10 tuổi, anh bỗng dưng bị tê buốt, co giật liên hồi. Những cơn đau cứ thế kéo đến nhưng anh chỉ nghĩ đó là cơn đau bình thường.
Chịu đựng 3 năm như thế, đến một ngày cơn đau bất ngờ dữ dội hơn, anh được gia đình cho đi khám thì nhận được kết luận anh Hảo mắc bệnh viêm đa khớp dạng thấp. Những cơn đau kéo dài khiến cơ thể anh Hảo teo tóp một cách chóng mặt. Tay anh không thể nhấc đưa qua nổi đầu, còn chân thì tê cứng không thể đi lại được.
“Bác sĩ nói rằng bệnh của tôi có thể chết bất kỳ lúc nào, có người chỉ sống thêm được 5 hoặc 7 năm sau khi phát bệnh”, anh Hảo nhớ lại.
Bà Hiền (bên phải) nguyện ở vậy chăm lo cho em trai
Anh Hảo cũng cho biết thêm, từ ngày bệnh nặng anh phải gắn liền với chiếc giường. Sau này có xe lăn anh mới bắt đầu ra ngoài, nhưng những sinh hoạt khác hàng ngày của anh gần như đều có sự giúp đỡ của người chị gái.
“Tôi có thể tồn tại đến ngày hôm nay, làm bạn với chuồn chuồn tre là nhờ người chị gái vẫn luôn bên cạnh. Năm 1976, khi ấy tôi bệnh trở nặng phải lên Thái Nguyên chữa trị thì chị Hiền viết thư cho tôi và nói rằng: “Nếu không may em không khỏi được bệnh thì chị sẽ ở vậy nuôi em suốt đời”. Và từ đó đến nay, chị luôn ở bên chăm sóc cho tôi, nhất quyết không lấy chồng”, anh Hảo cho biết.
Ngày đó, dù chị gái anh Hảo được nhiều chàng trai con nhà khá giả trong làng để mắt, ngỏ lời lấy chị. Có người còn hứa sẽ đến ở rể hoặc để chị đón cả em trai về chăm sóc nhưng chị đều không chấp nhận. “Chị Hiền bảo là nhà có 2 chị em, nó đã thiệt thòi như vậy, nếu đi lấy chồng thì ai sẽ chăm lo”, anh Hảo nhớ lại.
Thương chị vì mình mà hi sinh tuổi thanh xuân, anh Hảo động viên chị mình sinh một đứa con để vui vầy tuổi già. Sợ người ta cười chê nên mãi rồi chị mới đồng ý. Vì hoàn cảnh gia đình của hai chị em ai cũng biết, có thêm một đứa trẻ cũng là chính đáng. Chị gái anh Hảo cũng có người chăm nom lúc về già. Thời gian sau, một bé gái ra đời. Căn nhà nhỏ của chị em anh Hảo trở nên vui hơn bao giờ hết.
Chuồn chuồn tre xinh xắn do anh Hảo làm ra
Nhưng có thêm người lại thêm miệng ăn, vậy là gánh nặng lại càng nặng trên đôi vai của bà Hiền. Mới sinh con được ít ngày, bà lại đi làm thuê, cuốc mướn lấy tiền nuôi con, nuôi em. Thời gian thấm thoắt trôi qua, nay bà Hiền đã gần 70 tuổi. Đến vụ mùa, bà Hiền vẫn cày cấy 3 sào ruộng để lấy đồng ra đồng vào. Việc lớn nhỏ gì cũng đến tay, có lẽ vì thế mà trông bà Hiền già hơn nhiều so với tuổi của mình.
Vất vả là vậy, nhưng với người chị ấy lại là niềm hạnh phúc khi vẫn được nhìn thấy em trai khỏe mạnh. Bà nói rằng: “Hảo đã chịu nhiều thiệt thòi rồi nên tôi muốn làm những gì có thể để bù đắp lại cho em. Tôi thương em hơn cả bản thân mình nên những việc làm của tôi cũng không đáng kể gì”.
Cánh chuồn chuồn tre "cất cánh" sang Nhật của anh Hảo tật nguyền
Nếu chị gái là động lực để anh Hảo phấn đấu sống thật tốt thì chuồn chuồn tre là niềm đam mê giúp cuộc đời anh trở nên thêm ý nghĩa. Hàng chục năm trời phải gắn liền với chiếc giường anh chỉ biết đọc sách rồi làm tăm tre.
Cho đến một ngày anh xem ti vi, thấy người ta giới thiệu về chuồn chuồn tre, thấy nó thân thiện, nhỏ gọn nên anh rất thích thú. Thích là vậy nhưng anh không biết làm sao mới tiếp cận được với nó.
Thế rồi, vào tháng 6/2009, nghe trên tỉnh có lớp dạy làm chuồn chuồn tre của một tổ chức phi chính phủ, anh nhanh chóng xin số điện thoại rồi liên lạc với lớp trưởng rồi nhờ hàng xóm lấy xe máy chở anh đi. Bà Hiền ngồi sau ôm lấy em trai và ôm lấy chiếc xe lăn để ra đường lớn bắt xe khách lên tỉnh. Lúc xe chạy tới bến, người chị gái lại lật đật khom lưng xuống cõng em vào lớp học.
Giá trị vật chất tuy không cao, nhưng với anh Hảo chuồn chuồn tre là bạn tâm giao của anh
Trong thời gian học 2 tháng, sản phẩm chuồn chuồn tre của anh Hảo đã được người của tổ chức phi chính phủ trên công nhận là đạt tiêu chuẩn. Từ đó, qua tổ chức trên, anh nhận tre, rồi miệt mài làm. Các sản phẩm của anh còn được đưa sang Nhật Bản. Mỗi sản phẩm đều được anh “chế tác” thêm nhiều hoa văn, kiểu dáng phong phú với màu sắc bắt mắt người xem.
Dù vất vả nhưng cứ nghĩ đến cảnh những chú chuồn chuồn tre của mình được “bay” sang Nhật, được mọi người đón nhận anh cảm thấy rất vui sướng. Mỗi tháng tuy anh chỉ kiếm thêm được vài trăm nghìn đồng từ chuồn chuồn tre nhưng nó giúp anh lạc quan, tự tin hơn vì đã làm được điều gì đó có ích.
Anh Hảo còn làm thêm để bán cho các em nhỏ, học sinh trong vùng… Mỗi con chuồn chuồn bán được anh trích ra một số tiền nho nhỏ để ủng hộ các trẻ em nghèo gây quỹ học bổng giúp trẻ em nghèo vươn lên vượt khó trong cuộc sống.
“Tiền kiếm được tuy không nhiều nhưng phần nào giúp gánh nặng trên vai chị gái tôi nhẹ bớt. Tôi cảm ơn cuộc đời đã cho tôi một người chị tuyệt vời đến thế”, anh Hảo tươi cười chia sẻ.
Minh Tuyến
https://dantri.com.vn/xa-hoi/anh-hao-tat-nguyen-voi-canh-chuon-chuon-tre-vuon-minh-cat-canh-sang-nhat-20181116220343502.htm