Nhạc sư Vĩnh Bảo & GS Trần Văn Khê.
|
Ông là một trong những nhạc sĩ hiếm hoi còn lại ở Việt Nam có lối đàn ứng tấu ứng tác. Ở Việt Nam ông là người duy nhất vừa là nhạc sĩ trình tấu, vừa là giáo sư giảng dạy âm nhạc truyền thống, lại vừa là người đóng đàn sáng tạo.
Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo là ai?
Ông tên thật là Nguyễn Vĩnh Bảo, sinh năm 1918 tại làng Mỹ Trà, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay thuộc tỉnh Đồng Tháp), nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo là con thứ sáu trong một gia đình trung lưu nho học gồm 4 trai, 3 gái, cả thảy đều chơi đàn dân tộc. Cụ thân sinh ông, tên là Nguyễn Hàm Ninh, một đông y sĩ rất sành các cây tranh, kìm, cò và gáo, luôn cả hát bội. Người anh cả và người anh kế đều đàn kìm và tranh khá giỏi.
Tất cả con cái trong nhà lớn lên trong bầu không khí nhạc cổ truyền và dùng tiếng đàn làm nguồn giải trí. Riêng ông Vĩnh Bảo, lúc lên 6 tuổi, cũng như các anh của mình, rất đam mê âm nhạc. Lúc đầu ông chỉ mò mẫm qua các cây đàn đoản, đàn nhị và đàn gáo. Dần dần ông học qua các cây đàn tranh, đàn độc huyền, măng cầm (mandoline), vĩ cầm (violon) và dương cầm (piano).Tóm lại, ông đã đàn được gần hết tất cả nhạc khí của đàn tài tử miền Nam lúc bấy giờ.
Năm 12 tuổi, ông được may mắn gặp những nhạc sư nổi tiếng trong xứ tận tình hướng dẫn đàn tranh và các nhạc khí khác. Nhà ông ở Cao Lãnh là nơi hội tụ các nghệ sĩ các gánh hát cải lương hay hát bội ghé diễn. Mỗi khi các nghệ sĩ diễn xong thường tới nhà thân phụ ông để hàn huyên.Nhờ vậy, nhạc sư Vĩnh Bảo đã có dịp gặp rất nhiều nghệ sĩ và làm quen với cổ nhạc từ lúc ấu thơ, đó chính là động cơ thúc đẩy ông đi vào con đường âm nhạc.
80 năm trong nghề nghiệp âm nhạc
Hơn 10 năm học hỏi ở cha tại nhà, thêm vào đó với sự dẫn dắt tận tình của các vị thầy giỏi ở các tỉnh Cần Thơ, Vĩnh Long, ông đã có một vốn liếng âm nhạc khá vững vàng từ lúc 20 tuổi. Vào cuối thập niên 30, ông đã tạo một chỗ đứng quan trọng trong hàng ngũ nhạc sĩ trẻ miền sông Cửu Long.
Năm 1938 đánh dấu bước đầu sự nghiệp nhạc sĩ của ông, khi đó ông thường đàn trình diễn ở khắp miền Nam. Năm 1947, ông dạy tiếng Pháp ở trường tư thục Ngô Quang Vinh. Lúc đó GS Trần Văn Khê, dạy Anh văn cũng ở cùng trường đó hai người đã liên lạc với nhau và trở thành đôi bạn thân trên 30 năm.
Năm 1955, trường quốc gia âm nhạc Sài gòn được thành lập. Ông được trường mời dạy môn đàn tranh. Sau đó, ông được cử làm trưởng ban cổ nhạc miền Nam. Trong giai đoạn này, ông thường có mặt tại những buổi thuyết trình về nhạc truyền thống bằng tiếng Anh, Pháp, Việt và cũng có lúc trình diễn nhạc cổ truyền tại Trung tâm văn hóa Pháp, Đức, hội Việt Mỹ tại Sài Gòn.
Năm 1963, ông được mời tham dự hội nghị về âm nhạc với 11 nước Đông Nam Á. Năm 1970, ông được đài truyền hình NHK của Nhật Bổn mời sang Đông Kinh để thuyết trình về nhạc cổ truyền Việt Nam với phần minh họa đàn tranh. Đến giữa năm 1970, trường đại học Illinois (Hoa kỳ) mời ông sang giảng dạy nhạc cổ truyền Việt Nam với tư cách giáo sư biệt thính. Trong thời gian này, GS TS Trần Văn Khê có sang dạy và cùng với nhạc sư Vĩnh Bảo góp mặt trong nhiều buổi hội thảo về âm nhạc học với các nhà dân tộc nhạc học Mỹ.
Từ năm 1975, nhạc sư Vĩnh Bảo chủ yếu dạy đàn tại gia. Công việc của ông là dạy trực tiếp hay qua băng cho một số người Việt và người nước ngoài đến Việt Nam hay một số nhạc sinh ở Pháp, Bỉ, Hòa Lan, Thụy Sĩ, Hoa kỳ. Ông cũng thường tiếp những nhà âm nhạc học, nhạc sĩ của nhiều quốc gia khác nhau để trao đổi văn hóa.
Đĩa hát OCORA với nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo và GS Trần Văn Khê.
|
Những năm 1998-1999, nhạc sư Vĩnh Bảo được ban giám đốc trường Colette mời dạy nhạc cổ truyền Việt Nam cho các học sinh người Pháp. Năm 2002, hãng đĩa OCORA của Pháp đã phát hành một CD với nhạc sư Vĩnh Bảo và tạo một tiếng vang lớn ở nước ngoài khi đĩa nhạc được bán khắp nơi trên thế giới.
Vào cuối năm 2003, Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh Long An đã ấn hành quyển sách "Thử tự học đàn tranh" do nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo biên soạn giúp cho những ai muốn tự học đàn tranh với một số bài căn bản. Đây là một công trình nghiên cứu khoa học rất có giá trị sư phạm và nghệ thuật âm nhạc dân tộc mà nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo đã dày công nghiêu cứu sưu tầm.
Năm 2006, tại hội thảo Dân tộc nhạc học thế giới lần thứ 51 ở Honolulu (Hawaii, Mỹ), GS-TS Nguyễn Thuyết Phong qua bài tham luận Considering the Fate of Tài tử Music: Nguyễn Vĩnh Bảo, the Last Guardian of the Tradition (Nỗi quan tâm đến vận mạng của đàn ca tài tử: Nguyễn Vĩnh Bảo, người bảo vệ sau cùng của truyền thống) đã đề nghị tôn vinh nhạc sư Vĩnh Bảo là một trong sáu nhạc sư của thế giới có công đóng góp cho nhạc dân tộc và nổi tiếng nhất trong nước.
Năm 2008, Tổng thống Pháp tặng ông huy chương văn học nghệ thuật (médaille des Arts et des Lettres) bậc “officier”. Ở Việt Nam chỉ có hai người được huy chương bậc này là GS-TS Trần Văn Khê và nhạc sư Vĩnh Bảo.
Trong căn phòng đầy những sách vở, những cây đàn, ông tiếp tục nghiên cứu, viết sách, làm thơ và ông bàn đến Thiền trong tiếng đàn, trong âm nhạc. Lòng ông muốn thanh thản mượn qua tiếng đàn. Ông đã đi nhiều, chu du thế giới, sống nhiều, qua bao nỗi gian truân biểu dâu thời cuộc. Tiếng đàn tranh của nhạc sư phản ảnh tâm trạng của ông.
Ông đã gửi nỗi lòng của mình qua tiếng đàn, khi vui khi buồn tùy theo lúc và tùy theo tình cảm của ông lúc đàn. Đối với ông, âm nhạc là muôn thuở, là trường cửu, là bất diệt. Nhạc sư Vĩnh Bảo sống với âm nhạc dân tộc lên đến mức tuyệt đỉnh. Vì ông là người có khả năng đi vào tiếng đàn của người khác, nương nhẹ và nâng người chơi cùng mình lên đến mức thăng hoa. Đối với người chơi đàn tài tử, đó là bản lĩnh của tài năng.
Ngoài đời, nhạc sư là người dí dỏm, thông minh. Những câu chuyện của nhạc sư phần lớn đều mang ý nghĩa sâu sắc được kể rất hài hước. Ngoài ra nhạc sư còn là một nghệ nhân đóng đàn tuyệt vời. Bất kỳ một người chơi nhạc dân tộc nào cũng cố gắng có cây đàn “made by Vĩnh Bảo”. Cây đàn do nhạc sư làm ra được xem như một trong những chuẩn mực đóng dấu cho sự chuyên nghiệp của nghệ sĩ chơi đàn dân tộc.
Sự đóng góp của nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo là rất to lớn và chưa có một nghệ nhân nào ở Việt Nam có đủ khả năng để phát huy đàn ca tài tử như ông. Làm sao có thể hội tụ ở một nhạc sĩ cổ truyền vừa là một nhạc sĩ tài ba, một nhà đóng đàn sáng tạo, một giáo sư quán thông cổ nhạc am tường. Ông là một trong số những nhạc sư hiếm hoi đã cải tiến thành công nhạc cụ dân tộc và được ứng dụng rộng rãi trong nhân dân.
Đệ nhất danh cầm Nguyễn Vĩnh Bảo là một “báu vật của đàn ca tài tử” còn sót lại sau sự ra đi của GS-TS Trần Văn Khê. Tiếng đàn của ông không chỉ thuộc hàng đẳng cấp mà đến hôm nay vẫn là độc nhất vô nhị.
(theo báo Đồng Tháp)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/dat-nuoc-con-nguoi/nhac-su-nguyen-vinh-bao-80-nam-voi-dan-tranh-20180801114651827.htm