Loại hình nhà ở đô thị này có những đặc điểm riêng và nhiều trường hợp có giá trị kiến trúc cao, cần được đánh giá kỹ lưỡng và đầy đủ, làm cơ sở cho việc bảo tồn trong bối cảnh có nguy cơ giảm sút về số lượng cũng như xuống cấp về chất lượng dưới tác động của nền kinh tế thị trường và quá trình đô thị hóa mạnh mẽ.
|
Nét kiến trúc Pháp ở ngôi nhà số 129 phố Phùng Hưng |
Lịch sử ra đời những ngôi nhà Pháp trong phố cổ
Theo nghiên cứu của Tiến sĩ, Kiến trúc sư Nguyễn Quang Minh, những ngôi nhà phố Pháp đầu tiên ở Hà Nội được xây dựng trong giai đoạn 1920- 1925, là thời kỳ mà công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai của người Pháp được tiến hành trên quy mô lớn trên toàn xứ Đông Dương. Giai đoạn này, các nhà thầu xây dựng của Pháp đã được cấp phép xây dựng nhiều dãy nhà phố thương mại mang phong cách kiến trúc thuộc địa Pháp trong các khu phố phía Tây (địa bàn quận Ba Đình ngày nay) và phía Nam (một phần quận Hoàn Kiếm và một phần quận Hai Bà Trưng ngày nay).
Nhà phố Pháp được xây dựng trên quy mô lớn trong các khu phố Tây đã đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hoặc sinh hoạt kết hợp với kinh doanh của một bộ phận thị dân thời bấy giờ, nhất là giới trí thức và tư sản người Việt-những người sớm tiếp xúc sớm với nền giáo dục và văn minh Pháp, có đời sống văn hóa tinh thần và quan niệm thẩm mỹ riêng, chịu ảnh hưởng của phương Tây ở các mức độ khác nhau, kể cả trong thẩm mỹ kiến trúc.
Trong Khu phố Cổ Hà Nội, nhà phố Pháp cũng được xây dựng, song ở quy mô hạn chế hơn, bởi vì cấu trúc của Khu phố Cổ cuối thế kỷ 19, trước khi người Pháp chiếm thành Hà Nội, về cơ bản đã ổn định. Người Pháp đã tôn trọng tối đa những ngôi nhà ống đã hiện diện từ trước trong Khu phố Cổ và chỉ tiến hành xây chen nhà phố Pháp tại những ô thửa đất còn trống, hoặc thay thế cho những ngôi nhà ống đã hư hại vì hỏa hoạn hoặc mục nát sau nhiều năm sử dụng.
|
Những ngôi nhà mang kiến trúc Pháp trên phố Hàng Ngang-Ảnh: Thanh Tâm |
Những căn nhà phố Pháp đầu tiên được xây dựng trong Khu phố Cổ Hà Nội gần như cùng một thời điểm với các nhà phố Pháp trong các khu phố Tây, tức là trong thập niên 1920, chẳng hạn như nhà số 33 phố Tạ Hiện xây xong năm 1920; nhà số 3 phố Hàng Cót xây xong năm 1922; nhà số 30 phố Đào Duy Từ xây xong năm 1923; nhà số 127 + 129 phố Phùng Hưng xây xong năm 1922; … như dấu tích còn ghi lại trên mặt đứng, hoặc các nhà số 1 + 3 + 5 + 7 + 9 phố Cổng Đục được xây dựng năm 1925-1926 theo lời kể của những cư dân thế hệ thứ ba (trên 70 tuổi) hoặc thứ tư (ngoài 40 tuổi) hiện sinh sống trong những ngôi nhà này.
Theo thống kê, hiện nay có 1.213 ngôi nhà Pháp trên 77 tuyến phố và 10 ngõ.
Là di sản kiến trúc rất độc đáo
Có một sự độc đáo của lối kiến trúc Pháp cổ là những họa tiết, kiến trúc thường được xây dựng trên tầng hai của những cửa hiệu hàng hóa sang trọng tạo nên một nét đặc trưng riêng biệt, một sự đối lập không kém phần thú vị. Đó là một chút tấp nập, nhộn nhịp của đô thị bên dưới và chỉ cần ngẩng đầu lên ta sẽ có cảm giác như được nhìn thấy một khung cảnh khác của lối kiến trúc thời xa xưa trong những năm tháng chiến tranh. Nhà phố Pháp không chỉ là một bộ phận của di sản kiến trúc thuộc địa Pháp tại Việt Nam mà nó còn mang những giá trị về kiến trúc, văn hóa rất riêng của con người Việt Nam trong thời kỳ chống Pháp.
Nét đặc trưng dễ nhận biết nhất của những ngôi nhà Pháp là được sơn bằng vôi màu vàng nhạt với cửa gỗ màu xanh với lối kiến trúc khá cầu kì, mang tính mỹ thuật cao, có đỉnh mái vươn cao hoặc nhô lên vừa phải và có hoa văn viền quanh, ban công hình bán nguyệt ôm trọn cửa ra vào hoặc chạy dài suốt mặt tiền của ngôi nhà, lan can được trang trí khá đơn giản kiểu con tiện và được đắp các hình nổi phía trên bằng vữa hoặc xi măng tạo thành những hình nổi lên.
|
Sự cân đối, hài hòa trong các ô cửa vòm ở những ngôi nhà trên phố Hàng Đào-Ảnh: Thanh Tâm |
Những ngôi nhà Pháp đa số đều được xây thành hai tầng, số ít có từ ba tầng trở lên, nhà phố Pháp rất hẹp, có dạng hình ống, chiều ngang từ 4m trở lên, rộng 8m, dài 15 đến 40m, toàn bộ nhà phố Pháp có gian mặt tiền tầng một đều được sử dụng làm cửa hàng kinh doanh hoặc cho thuê như hiện nay, sinh hoạt của các hộ gia đình ở phần còn lại của tầng một và toàn bộ các tầng trên của ngôi nhà. Toàn bộ những ngôi nhà Pháp trong khu phố cổ đều được xây dựng rất giống nhau với lối kiến trúc đặc trưng của Pháp kết hợp hài hoà với lối kiến trúc phương Đông rất phù hợp với phong cách, lối sống của người Việt Nam.
Tuy những ngôi nhà Pháp đều do người Pháp xây dựng để phục vụ cho nhu cầu chiến tranh, đóng góp vào chiến tranh cho Pháp trong việc mở rộng giao lưu buôn bán nhưng người Pháp vẫn sử dụng kiến trúc của ngôi nhà sao cho phù hợp, thuận tiện nhất đối với người Việt, bởi vậy chúng không chỉ có giá trị thẩm mĩ mà một số ngôi nhà còn mang ý nghĩa trọng đại đối với lịch sử của cuộc kháng chiến Việt Nam như ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 28 tháng 8 năm 1945...
|
Sự tinh tế trong lối kiến trúc của ngôi nhà Pháp ở ngã tư phố Hàng Ngang-Hàng Chiếu. Ảnh: Thanh Tâm |
Vòng quanh phố cổ, mải mê ngắm nhìn những khung cảnh với lối kiến trúc Pháp, người ta không khỏi thán phục bởi vẻ đẹp của nó, trải qua hàng chục năm dường như vẫn còn giữ nguyên vẹn dáng dấp kiến trúc Pháp vốn có, mặc dù một số ngôi nhà đã được cải tạo lại hoặc xuống cấp nhưng vẫn còn nguyên lối kiến trúc cầu kì trên từng mảng hoa văn tinh xảo, những hình khối, đường nét tự nhiên mà tinh tế như hòa quyện vào với nhau, tạo nên màu sắc hết sức hài hòa, cân đối.
Ở những con phố nhỏ trong phố cổ, rất dễ để bắt gặp lối kiến trúc khá giống nhau bên ngoài những ngôi nhà Pháp, vẫn kiểu hoa văn hình nổi, những ngôi nhà cứ cách nhau 1-2 căn, lan can bao quanh các tầng được xây thành hình vòm hoặc dùng song sắt bao quanh hoặc có mái che, cảm giác như lạc vào những con đường Pháp thực sự, mang một chút dáng dấp, hơi thở của nền văn minh Pháp, gợi nhớ bao nhiêu kí ức một thời. Đặc biệt những ngôi nhà Pháp đều được xây dựng rất kiên cố, trải qua hàng chục năm vẫn kiên trì đứng vững cùng thời gian với những bức tường gạch chịu lực khá tốt được gia cố ở những vị trí cần thiết, sàn nhà bằng bê tông cốt thép có lát những viên gạnh hoa loại nhỏ màu vàng, ngay cả cầu thang cũng mang phong cách Pháp. Sự độc đáo của những ngôi nhà Pháp được thể hiện qua tổng thể từng đường nét, màu sắc, chi tiết hết sức tỉ mỉ.
Những ngôi nhà với lối kiến trúc Pháp trong phố cổ tuy vẫn giữ được gần như nguyên vẹn vẻ đẹp và giá trị của nó song công cuộc bảo tồn vẫn chưa thực sự có hiệu quả bởi những ngôi nhà mang lối kiến trúc Pháp này vẫn chưa được công nhận là di sản vì thiếu một số căn cứ vững chắc, bởi vậy cho nên quá trình bảo tồn còn gặp nhiều khó khăn. Vì thế, cần phải cải tạo một cách có hiệu quả nhưng vẫn phải giữ được dấu ấn trong lối kiến trúc Pháp bởi mỗi một kiến trúc, một vẻ đẹp đều tượng trưng cho một thời kỳ lịch sử.
Thanh Tâm
* Bài viết có tham khảo tài liệu nghiên cứu của Tiến sĩ, Kiến trúc sư Nguyễn Quang Minh
Nguồn thanglong.chinhphu.vn
http://thanglong.chinhphu.vn/bao-ton-net-kien-truc-phap-trong-khu-pho-co-ha-noi