Lễ hội làng Đồng Kỵ thu hút đông đảo nhân dân trong vùng cùng khách thập phương về dự hội
|
Hội làng trong tâm thức người Việt
Hội làng một nét văn hóa của người Việt đã có từ lâu, sau những ngày Tết náo nhiệt làng nào cũng có hội. Trong tâm thức của những người Việt, hội làng gắn liền với tín ngưỡng, cuộc sống lao động, đấu tranh chống giặc ngoại xâm và với thiên tai của con người, thường diễn ra ở chốn đình, chùa, đền, miếu hoặc nơi danh lam thắng cảnh - nơi linh thiêng thờ Phật, thờ những bậc thánh nhân tài cao đức cả đánh giặc cứu dân, những vua hiền tôi giỏi, những ông tổ nghề, những vị thành hoàng có công khai hoang lập đất...
Hội làng đã có từ xa xưa, theo sử sách, nhiều hội làng nổi tiếng tiêu biểu cho tín ngưỡng phồn thực được bảo lưu từ thời thượng cổ. Ngay trên trống đồng cổ, cũng có những nét hoa vǎn, dấu ấn của hội làng. Có những hội làng trở nên tiêu biểu, nức tiếng gần xa như hội: Đền Hùng-tỉnh Phú Thọ, hội Cổ Loa, Lệ Mật, Phù Đổng của Hà Nội, hội Liễu Đôi (Nam Hà), Bắc Ninh có hội Đồng Kỵ, hội Lim... Bắc Giang có hội Yên Thế, Xương Giang, Thổ Hà, Vạn Vân, các hội làng ở Hà Tây, Hội đền Kiếp Bạc (Hải Dương), hội chùa Dâu, Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), hội chùa Keo (Thái Bình) và hội đua ghe ngo của đồng bào Khmer Nam Bộ, hội vùng núi Sam (Châu Đốc - An Giang)...
Có thể nói, hội làng mang tính cộng đồng sâu sắc, đó là đỉnh cao của sự hòa hợp, đoàn kết vì một ước nguyện chung cho sự phồn vinh của làng xã. Hội làng thường được tổ chức thật vui, thật đầm ấm tình làng nghĩa xóm, điều đó thể hiện qua những khâu chuẩn bị cho đến khi nuối tiếc lúc tan hội. Có xem hội làng mới cảm nhận hết ý nghĩa và lòng tự hào dân tộc với một truyền thống vàng son.
Lễ hội thổi cơm thi làng Thị Cấm
|
Nét đẹp văn hoá Việt
Cũng như Lễ hội truyền thống, hội làng gồm hai phần lễ và hội, thường diễn ra ở các ngôi đình làng. Nhưng, ở hội làng, phần hội bao giờ cũng nổi trội hơn. Lễ thể hiện lòng ngưỡng mộ, sùng bái anh hùng, tôn vinh danh nhân, người có công với dân, tổ nghề, có thể là những thần, thánh, phật, mẫu, những nhân vật siêu phàm, những đại diện cho tôn giáo, người bảo trợ tinh thần và đem lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho cộng đồng. Phần lễ thường gồm các hoạt động rước nước và mộc đục, rước và tế... Hội là dịp thể hiện những sinh hoạt văn hóa cộng đồng từ múa, hát giao duyên, hát thờ, các diễn xướng sân khấu cổ truyền, các cuộc thi tài mang tính thượng võ (bơi trải - hội làng Đăm, chạy cờ - làng Triều Khúc, thú chơi cờ người - làng Xuân Phương...), các trò diễn phong tục (thổi cơm thi - làng Thị Cấm, bơi cạn và bắt chạch trong chum - làng Hồ, trình nghề - làng Sài Đồng, thú chơi thi thơ, thú chơi tạo cây cảnh, con giống bằng sáp nến, thú chơi chọi gà, vùng Bưởi)...
Trong các sinh hoạt hội, mọi người tham gia trình diễn, sáng tác, thưởng thức và hưởng thụ sau những ngày lao động vất vả, không kể sang hèn. Vì thế, có thể cho rằng, hội làng đã tạo nên niềm cộng cảm sâu sắc giữa các thành viên trong cộng đồng, là sự nhất quán trong việc trao truyền các giá trị vǎn hóa giữa các thế hệ.
Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực là khơi dậy lòng yêu quê hương đất nước, tinh thần tự hào dân tộc, ý thức hướng về cội nguồn, hội làng còn tồn tại một số tập quán lạc hậu, những biểu hiện mê tín, những tệ nạn xã hội. Ở một số nơi, hội làng được tổ chức không phải để tôn vinh các giá trị truyền thống mà để kinh doanh kiếm lời. Họ rào làng, bịt lối, bán vé vào cửa, bán vé vào lễ, gây phiền hà cho người đến lễ hội, trái ngược hẳn với tục mở rộng vòng tay đón bạn mười phương về chung vui hội làng thời xưa. Các tệ nạn mê tín dị đoan như: lên đồng, bói toán, đội bát nhang, uống nước thánh, đốt vàng mã, cúng tế, rước xách linh đình kéo dài ngày càng có chiều hướng gia tǎng. Hơn nữa, trong hội làng đã bắt đầu xuất hiện các tệ nạn xã hội như: đánh bạc, cá cược, hút thuốc phiện...
Rước kiệu trong lễ hội làng
|
Hun đúc và kết tinh những giá trị truyền thống
Hội làng kết tinh những giá trị văn hóa truyền thống: Tín ngưỡng dân gian, trò chơi nghi lễ, nghệ thuật dân gian, trang phục và các món quà đặc sản của địa phương, nghề thủ công mỹ nghệ…
Hội làng hấp dẫn với tất cả mọi người, trong từng hoạt động cụ thể như: nghi thức tế lễ, lễ rước, dâng hương… nhưng có lẽ, đối với những người trẻ tuổi thì các trò vui mới chính là nơi thu hút nhất của Hội làng. Rất nhiều ngày hội khác là dịp cho những nam nữ thanh niên đua tài, đấu trí, biểu dương sức khỏe và những năng khiếu nghệ thuật như: hội bơi chải, hội vật, hội võ, các tục và trò chơi: tung còn, ném pa páo, kéo co, du tiên… Những dịp vui chơi như vậy, thanh niên nam nữ có điều kiện phát huy sở trường của mình về các mặt nghệ thuật, thể thao, mà cũng là dịp họ gặp nhau, tìm lứa đôi, nói lên nhu cầu của trái tim đợi chờ yêu thương hạnh phúc.
Cho đến bây giờ, hội làng vẫn thực sự là nhu cầu của đời sống tinh thần, văn hóa, tín ngưỡng phục vụ người dân địa phương; là thành tố quan trọng bậc nhất của đời sống văn hóa cơ sở. Hội làng là tài sản quý giá đất nước cần gìn giữ và phát huy. Chúng ta mong rằng hội làng vẫn giữ nguyên sức cuốn hút, hấp dẫn của nó, giảm trừ các hủ tục, tệ nạn xã hội. Bởi hội làng là tinh hoa văn hóa Việt Nam, là chìa khóa vĩnh cửu - một sự đảm bảo chắc chắn góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Lê Hường/ langvietonline.vn
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/hoi-lang-net-dep-van-hoa-dan-toc-viet-20180328144351077.htm