Bộ sản phẩm gồm vòng cổ, vòng tay, xà tích truyền thống
của người Mông tại thôn Lao Xa, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn
|
Thiếu vốn đầu tư máy móc thiết bị, thu nhập đem lại chưa cao, mất nhiều công sức là những nguyên nhân chính khiến nhiều hộ dân tại thôn Lao Xa, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn không mặn mà với nghề chạm khắc bạc truyền thống. Thôn Lao Xa là nơi sinh sống của hơn 100 gia đình người Mông, nhưng chỉ còn 6 hộ làm nghề chạm khắc bạc. Sản phẩm trang sức bằng bạc ở Lao Xa vừa tinh tế, phong phú về chủng loại như: Nhẫn, lắc tay, lắc chân, vòng cổ… mang đậm giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào nơi đây, bởi nhiều sản phẩm thường được sử dụng hàng ngày, các dịp lễ, Tết và được tặng làm của hồi môn cho con gái về nhà chồng.
Đã có hơn 50 năm chạm khắc bạc, ông Mua Sè Sính, một trong 9 nghệ nhân có tiếng ở thôn Lao Xa cho biết, ông là nghệ nhân đời thứ 5 trong gia đình. Để nghề bạc truyền đời của gia đình không bị mai một, ông Sính đã và đang truyền nghề cho anh em, con cháu trong gia đình. Việc chạm khắc, chế tác bạc được chia thành nhiều công đoạn từ lên khuôn, chạm khắc và trang trí… Đến nay, các công đoạn này được “chuyên môn hóa” cho từng người.
Nghệ nhân Mua Sè Sính lên khuôn dây bạc nhỏ sử dụng làm họa tiết cho vòng cổ
|
Thực tế cho thấy, sản xuất bạc trang sức truyền thống tại thôn Lao Xa được duy trì ở quy mô nhỏ lẻ, tùy thuộc vào đồng vốn và tiềm lực của mỗi hộ. Các hộ dân nơi đây thường tận dụng một phần nhà ở để làm nơi sản xuất. Nghệ nhân làm bạc chưa được đào tạo bài bản mà chủ yếu tự học và việc truyền nghề được thực hiện tại chỗ. Nguồn vốn để làm nghề chủ yếu là vốn tự có của gia đình, nhiều hộ chưa tiếp cận được vốn vay của Nhà nước, nên không đầu tư được máy móc thiết bị, nhà xưởng để mở rộng sản xuất. Trở ngại lớn nhất trong phát triển nghề chạm khắc bạc là nghệ nhân ít được tiếp cận thông tin về nhu cầu thị trường, mẫu mã, chủng loại...Vì vậy, sản phẩm làm ra chưa xây dựng được thương hiệu, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước.Hiện gia đình ông Sính sản xuất bạc trang sức ở quy mô nhỏ và hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu đặt mua của người dân trong vùng hoặc nơi khác. “Trước đây, việc chạm khắc bạc thủ công tốn rất nhiều công sức và trải qua nhiều công đoạn, nay có máy móc hỗ trợ nên tiết kiệm được nhiều thời gian và sức lao động. Tuy nhiên, nhiều hộ dân trong thôn vẫn không mặn mà với nghề bởi không có tiền mua máy móc”, ông Sính lo lắng.
Nghệ nhân Mua Vạn Tính (em của nghệ nhân Mua Sè Sính) lên khuôn đúc cho vòng cổ.
|
Ông Đinh Chí Thành, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đồng Văn cho biết, huyện đang xây dựng đề án khuyến công để kêu gọi đầu tư kinh phí hỗ trợ, nhằm tạo điều kiện cho nghề chạm khắc bạc ở Lao Xa phát triển ổn định, bền vững. Từ nay đến 2020, huyện Đồng Văn chủ trương từng bước phát triển nhóm hộ chạm khắc bạc truyền thống tại Lao Xa thành tổ hợp tác sản xuất, tiến tới thành lập làng nghề hoặc hợp tác xã; hỗ trợ đào tạo nghề và sắp xếp, bố trí lại sản xuất và kinh doanh sản phẩm bạc để mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Hồng Quảng (Báo Tin Tức)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/nghe-cham-bac-truyen-thong-o-ha-giang-20180309103144181.htm