Các cô gái dân tộc Thái trắng cùng thực hiện Lễ gội đầu
|
Sáng 15/2 (tức ngày 30 Tết), tại bến sông Đà, bên Đền thờ Linh Sơn – Thủy Từ, thuộc huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La đã diễn ra lễ gội đầu. Đây là hoạt động văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc Thái trắng vùng Tây Bắc.
Lễ gội đầu của dân tộc Thái trắng bắt nguồn từ xa xưa trong lịch sử rất thiêng liêng, tiếng Thái có tên gọi là “Lúng ta” hay còn gọi là lễ gội đầu. Lễ hội này chỉ được tiến hành duy nhất một lần trong năm vào đúng ngày 30 Tết. Lễ hội gồm hai phần là phần lễ và phần hội. Ở phần lễ, thầy mo làm chủ lễ, thực hiện các nghi thức cúng thần sông thần núi, tưởng nhớ các vị anh hùng dân tộc có công tạo mường, dựng bản. Đây là nghi lễ truyền thống, nêu cao đạo lý “ Uống nước, nhớ nguồn”, tôn vinh, tri ân công đức các bậc tiền nhân đã có công khai phá vùng đất Quỳnh Nhai. Bên cạnh đó, nghi lễ còn thể hiện ước nguyện của nhân dân cầu mong xua đi những điều không tốt đẹp trong năm vừa qua, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, trăm dân an vui.
Ngay sau lễ dâng hương, tất cả mọi người tiếp tục di chuyển xuống bến sông để thực hiện nghi thức gội đầu và tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ và các trò chơi dân gian.
Người chủ lễ (Thường là thầy mo, thầy cúng) đi đầu dẫn đoàn, theo sau là dàn trống chiêng đánh nhịp.
Thay mặt người dân, ông chủ lễ kêu lời khấn:
Năm hết tết đến, tết đến tiễn cái cũ đi, cái tốt thì ta mang về
Cầu cho năm mới làm ăn phát đạt
Cái xấu cái cũ hãy đi xa, đi xa mãi, đừng bao giờ quay về nữa
Cái mới cho mọi người thêm nhiều may mắn...
Sau lời hát tiễn đưa, nghi lễ gội đầu chính thức được bắt đầu.
Vẻ đẹp nõn nà của người con gái Thái xưa nay được nhắc nhiều trong các áng văn thơ, nay được hiện lên trước mắt. Hàng trăm cô gái suối tóc dài, đen nhánh, mềm mại từ từ được buông xõa dưới dòng sông, hòa vào dòng nước.
Lễ gội đầu trên sông Đà
|
Tất cả những gì không may mắn trong năm qua giờ đây đã không còn là nỗi bận lòng, sẽ trôi chảy theo dòng nước, gợi lên những điều tốt đẹp cho ngày mai để sẵn sàng bước vào một năm mới thật tinh khôi.
Tục truyền rằng, xưa kia có một nữ tướng tên là Nàng Han người dân tộc Thái. Bà đi đánh giặc về vào đúng ngày 30 Tết, bà cho người dân xuống gội đầu sạch sẽ, để ăn Tết mừng năm mới. Từ đó, Lễ gội đầu với người dân nơi đây không chỉ mang ý nghĩa xua đi những điều không tốt đẹp trong năm vừa qua, cầu mong những điều may mắn ở năm mới, mà chính là tưởng nhớ đến Nàng Han và công lao của bà.
Ông Điêu Văn Minh, một thầy mo có tiếng ở Bản Nghe Toỏng, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La, cho biết: “Cứ đến 30 Tết dân chúng tôi dù thế nào cũng phải thực hiện nghi thức gội đầu. Lễ hội gội đầu này có ý nghĩa tâm linh sâu sắc đối với người Thái trắng, với mong muốn rửa sạch đi điều không may, xua đi ốm đau, bệnh tật và nghèo đói, cầu mùa màng bội thu ở năm mới".
Theo quan niệm của người Thái, nếu như ai chưa được gội đầu vào dịp 30 Tết thì coi như chưa gột rửa những điều không may trong năm cũ và điều ấy sẽ theo vào năm mới. Bởi vậy, nghi lễ “Lúng ta” có ý nghĩa vô cùng quan trọng, mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện niềm tin của con người đối với các đấng tâm linh, cầu mong những điều tốt đẹp. Cũng vì lẽ đó mà nghi lễ này đã trở thành một nét văn hóa truyền thống tốt đẹp được người dân tộc Thái trắng Tây Bắc coi trọng, giữ gìn đến ngày nay”.
Khi xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La, hàng chục nghìn hộ dân, trong đó chủ yếu là đồng bào Thái trắng, ở khu vực thượng nguồn sông Đà thuộc các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu phải di rời ra khỏi vùng ngập, đi xây dựng quê hương mới. Về quê mới, đồng bào Thái trắng thường di chuyển cả bản, theo cộng đồng, anh em họ hàng về các khu, điểm tái định cư mới. Điều đặc biệt là nét văn hóa truyền thống, phong tục tập quán vẫn được duy trì và phát huy. Lễ gọi đầu là một trong những nét văn hóa đặc sắc được gìn giữ. Từ khi di chuyển về quê mới, năm nào huyện Quỳnh Nhai cũng tổ chức lễ gội đầu vào ngày 30 Tết, hội đua thuyền vào 10 Tết năm mới. Việc làm đó phù hợp với tâm tư tình cảm của người dân, được bà con hưởng ứng, trở thành nét đẹp của vùng lòng hồ sông Đà.
Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai Điêu Thị Dân, Trưởng Ban tổ chức lễ hội huyện Quỳnh Nhai, cho biết: "Lễ hội gội đầu hằng năm được huyện quan tâm tổ chức. Ngoài ý nghĩa văn hóa tâm linh thì hoạt động còn thể hiện sự đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc trong huyện, đồng thời góp phần quảng bá, giới thiệu tiềm năng văn hóa, thể thao, du lịch và con người huyện Quỳnh Nhai với bạn bè trong tỉnh, trong nước, quốc tế.
Lễ gội đầu 30 Tết của đồng bào dân tộc Thái trắng huyện Quỳnh Nhai là nét đẹp văn hóa là món quà ý nghĩa xuân này.
Ngày hội hoa đào
Vào mùa xuân ở Vân Hồ có hàng trăm loài hoa đua nở, nhưng đẹp nhất, gần gũi và có sức truyền cảm mạnh mẽ có lẽ chỉ có hoa đào. Chính vì vậy, mở đầu cho năm mới 2018 này, UBND huyện Vân Hồ đã tổ chức “Ngày hội hoa đào”, cùng với các lễ hội truyền thống, như: Dân ca, dân vũ, biểu diễn nhạc cụ, văn học truyền khẩu; kiến trúc nhà ở; trang phục, ẩm thực... tất cả tạo nên nét văn hóa đặc sắc, độc đáo ít nơi nào có được.
Niềm vui đón bạn
|
Được mệnh danh là một trong những thiên đường hoa của vùng Tây Bắc, huyện Vân Hồ nằm ở cửa ngõ của tỉnh Sơn La, tiếp giáp với tỉnh Hòa Bình, nơi có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, vị trí địa lý thuận lợi phát triển du lịch. Vân Hồ là nơi lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống lâu đời gắn liền với quá trình tạo mường, dựng bản của đồng bào các dân tộc.
Khi đất trời vào xuân, sắc hồng của những cánh hoa đào như mang đến hơi ấm cho mùa đông lạnh giá ở vùng đất này, như thể nén chờ một mùa xuân tràn đầy sức sống đang tới. Những cánh hoa đào phớt hồng xen với hoa mận, mơ, hoa cải, tam giác mạch sáng cả đất trời làm cho khung cảnh thiên nhiên nơi đây trở nên thơ mộng, yên bình, đẹp đến lạ lùng. Hoa đào nở không chỉ mang lại bầu không khí của mùa xuân mà còn là nguồn cảm hứng cho các sáng tạo nghệ thuật, hình ảnh hoa đào đã đi vào thơ, ca, nhạc, họa và trở thành tài sản chung, niềm tự hào của đồng bào các dân tộc, nhất là đồng bào dân tộc Mông huyện Vân Hồ.
Hoa đào ở Vân Hồ có đặc điểm khác lạ là cánh hoa to, hồng đậm, cành hoa đào khúc khuỷu, tạo thế khác thường, phủ rêu phong, ẩm mốc thời gian. Người ta vẫn thường gọi hoa đào phai Tây Bắc. Với những người am hiểu thú chơi thì dù hoa đào Tây Bắc đẹp vốn có, nhưng hoa đào ở mảnh đất Vân Hồ có sự khác biệt. Điều kiện thiên nhiên, khí hậu có phần giá lạnh đã làm cho Vân Hồ trở thành vùng đất thiên đường hoa, trong đó có hoa đào.
Dã bánh dày trong ngày hội
|
Đã có một thời nói đến vùng đất Vân Hồ là nói về loài hoa anh túc, một loài hoa có vẻ đẹp mê đắm lòng người chính là thủ phạm khiến bao gia đình tan nát, bao con người bị hủy hoại bởi thuốc phiện. Nhờ có chính sách của Đảng và Nhà nước, bà con nhân dân được tuyên truyền, vận động đã thay đổi cách nghĩ, cách làm chuyển đổi sản xuất, phá bỏ cây anh túc sang cây trồng khác. Cây đào là một trong những cây vừa mang lại vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên, vừa có giá trị kinh tế, mang lại cảm hứng mùa xuân đang tới...
Giờ đây, diện mạo nông thôn ở Vân Hồ đã từng ngày khởi sắc, từng xóm núi mọc lên những bản làng tươi mới và ở đó không thể thiếu những cánh hoa đào rung rinh trước gió, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo.
Nhằm ca ngợi, tôn vinh loài hoa đã gắn liền với Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam từ bao đời, đồng thời giới thiệu, quảng bá đến bạn bè, du khách gần xa về miền đất và con người Vân Hồ, khẳng định những thành tựu của sự nghiệp đổi mới, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, ngày hội hoa đào như một điểm nhấn giới thiệu với du khách gần xa về mảnh đất Vân Hồ đẹp và giàu lòng mến khách.
Có thể nói “Ngày hội hoa đào” là một sản phẩm độc đáo riêng của huyện Vân Hồ, vẻ đẹp và sự hấp dẫn của ngày hội thu hút mọi người đến với vùng đất này, góp phần vào sự phát triển chung của du lịch Sơn La và vùng Tây Bắc.
Đức Tuấn/ Báo Nhân Dân
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/dac-sac-le-goi-dau-ngay-30-tet-va-ngay-hoi-hoa-dao-20180221092424638.htm