Ngay từ sáng sớm hai bên bờ sông Pheo đã rất đông người dân đến xem và cổ vũ
|
Làng Đăm là một vùng đất cổ nằm sát bờ sông Hồng và cách kinh thành Thăng Long hơn 10km về phía Tây Bắc. Nơi đây đã có cư dân sinh sống từ thời kỳ các vua Hùng.
Theo một số tài liệu nghiên cứu và các cụ già trong làng kể lại, từ xa xưa dân làng sống tập trung bên bờ một con sông lớn có tên gọi là Thủy Giang. Dải ruộng dài bên bờ sông có đoạn phình rộng ra như một cái đầm, nên dân làng đặt tên cho làng mình là Tây Đàm (phía Tây của Đầm) đến thời vua Lê Thế Tông (1573-1599) vì kiêng tên húy (vua có tên là Duy Đàm) nên gọi chệch là Tây Đăm. Đến đời vua Minh Mạng (1820-1840) lại vì kiêng tên húy của vua nên đổi lại là Tây Tựu. Nhưng kể từ đó, cái tên làng Đăm vẫn tồn tại trong dân gian cho đến ngày nay. Xã Tây Tựu có 3 thôn là thôn Thượng, thôn Trung và thôn Hạ. Trên địa bàn xã hiện vẫn bảo tồn được nhiều công trình kiến trúc cổ có giá trị như Đình Đăm, miếu Tây Đăm, Văn Chỉ, nhà thờ họ...
Hội làng Đăm gắn liền với di tích miếu Tây Đăm (nay nằm ở thôn Thượng xã Tây Tựu nên còn có tên gọi là Thượng Miếu). Đây là ngôi miếu thờ Đào Trường - một vị tướng tài đã ba lần giúp vua Hùng Vương thứ 18 đánh tan giặc ngoại xâm và được vua Hùng phong là Thổ lệnh thống quốc đại vương.
Hội Đăm được tổ chức lớn 5 năm một lần trong 3 ngày: 9, 10, 11 tháng 3 âm lịch với nhiều nghi lễ tín ngưỡng trang trọng và các trò chơi dân gian đặc sắc như: Cờ người, chọi gà, đấu vật, thả chim, đua thuyền... Nhưng sôi động nhất vẫn là hội đua thuyền hay còn gọi là hội bơi Đăm diễn ra cả ngày 10 và sáng 11-3.
Truyền thuyết kể lại rằng: Ngày xưa hai bên bờ sông Hồng chưa có đê ngăn lũ. Một năm vào giữa tháng 6 mưa lũ tràn về, nước sông dâng cao ngập cả cánh đồng làng Đăm. Dòng nước lũ có cuốn theo một con Hạc bằng gỗ trôi dạt vào cửa miếu Tây Đăm thì mắc lại. Sau đó có một người ở nơi khác bơi thuyền đến miếu định làm lễ xin đầu Hạc đem về. Các cụ bô lão hỏi ra mới biết con Hạc đó là từ đền Bạch Hạc trôi về và đền Bạch Hạc cũng thờ Thổ lệnh tam giang Đại Vương Đào Trường. Đầu Hạc là đầu mũi thuyền bơi ở đình Bạch Hạc. Sau đó, dân làng Đăm đã cử người đến đền Bạch Hạc hỏi thể thức bơi, lấy mẫu thuyền về đóng. Bơi Đăm bắt nguồn từ đó, nhằm diễn tả lại chiến thuật luyện binh và tấn công giặc bằng đường thủy của ông cha ta thuở trước. Từ xa xưa dân gian đã truyền tụng nhiều câu ca dao nhắc đến hội bơi Đăm như “Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy” hay “Xù Gạ thì giỏi chăn tằm, làng Xa canh cửi, làng Đăm bơi thuyền”...
Cuộc đua thuyền diễn ra trên khúc sông Thủy Giang chảy qua làng với sự tham gia của 6 thuyền đua thuộc 3 thôn: Thượng, Trung, Hạ (mỗi thôn 2 thuyền). Mỗi thuyền đua có tất cả 25 người gồm: 1 lái chính, 1 lái phụ, 1 ông nạng, 1 ông đánh mõ, 1 ông phất cờ, 1 người tát nước và 18 đô bơi ngồi dọc hai mạn thuyền. Từ trước ngày hội cả tháng trời, dân các thôn đã háo hức chuẩn bị mọi việc cho cuộc đua như: Tuyển chọn đội đua phải gồm những người trẻ khỏe và nhiều kinh nghiệm, chuẩn bị các dụng cụ cần thiết và tập luyện. Sáu thuyền bơi cũng có màu đỏ, được đánh số thứ tự và được phân biệt theo hình con vật linh ở mũi thuyền. Ví dụ: thuyền của thôn Thượng có mũi thuyền đầu con Hạc, thuyền của thôn Trung có mũi thuyền đầu con Long và thuyền của thôn Hạ có mũi thuyền đầu con Ly. Trang phục đội bơi từng thôn cũng khác nhau bởi màu đỏ và thắt lưng.
Trước cuộc đua, các đội đưa thuyền về tập kết tại điểm xuất phát là trước cửa nhà Thủy Tọa nằm trước cửa đình Đăm. Các mũi thuyền hướng về phía miếu Tây Đăm cách đó khoảng 1000m, hàng nghìn người dân các thôn và khách thập phương đứng chật kín cả hai bên bờ sông để cổ vũ. Lúc này các vị chức sắc trong các thôn đều bước xuống thuyền mình để căn dặn, động viên các đô. Theo hiệu lệnh trống, các thuyền đua lần lượt cử người đại diện bước lên nhà Thủy Tọa làm lễ bái yết Thánh. Các trọng tài bước xuống kiểm tra lần lượt từng thuyền về con người và dụng cụ. Tiếng chiêng trống, thanh la, tù và nổi lên dồn dập. Khi lá cờ lệnh được phát mạnh xuống là các thuyền cùng lúc lao lên phía trước. Tiếng chiêng trống đổ dồn từng hồi, tiếng hô hào thúc giục và hò reo trên bến dưới thuyền vang lên như sấm dậy. Các đô bơi gồng mình lên vung chèo khua nước nhanh thoăn thoắt và đều tăm tắp. Những mũi thuyền vươn mình xé nước rào rào. Cả một vùng trời đất như sôi động hẳn lên.
Các đội thuyền đua tiến về miếu Tây Đăm vòng qua cột cờ rồi bơi ngược về nhà Thủy Tọa với chiều dài mỗi vòng bơi là 2000 mét. Cả cuộc đua có 6 vòng bơi diễn ra trong ngày 10 và sáng 11. Sau mỗi vòng bơi đều có chấm điểm thứ tự nhất, nhì, ba cho từng thuyền. Đến hết hội thi, Ban tổ chức trao giải nhất, nhì, ba toàn giải cho từng thuyền, từng đội. Thôn nào được giải nhất đồng đội thì cả thôn reo hò tưng bừng và ăn mừng thâu đêm suốt sáng. Niềm kiêu hãnh hiện rõ trong nét mặt của mỗi người, tiếng tăm của thôn giành được chiến thắng còn lưu mãi cho tới cuộc đua thuyền lần sau.
Một điều đặc biệt là hai thuyền đua giành giải cao nhất trong hội bơi sẽ được vinh dự rước kiệu Thánh bằng đường thủy từ Đình Đăm trở về miếu trước khi kết thúc hội Đăm (lúc đi đã rước bằng đường bộ). Có lẽ một phần cũng nhờ yếu tố tín ngưỡng này mà tinh thần “Vì màu cờ sắc áo” của các đội đua và hơn nữa là của người dân ba thôn được thể hiện cao đến cực độ trong hội bơi đăm.
Hiện nay, một số lễ hội ở nơi này, nơi kia đã bị biến tướng theo hướng thương mại hóa, nhưng lễ hội Làng Đăm và hội Bơi Đăm vẫn giữ được những yếu tố văn hóa đặc sắc của ông cha ta thuở trước. Nhờ vậy lễ hội có tính giáo dục rất cao đối với nhân dân trong vùng, góp phần tích cực trong việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa thể thao truyền thống của thủ đô ngàn năm văn hiến.
(Theo Hà Nội mới)