Người Kim Sơn thu hoạch cói
Làng nghề dệt cói truyền thống
Bắt nguồn cho sự ra đời của làng nghề cói là từ thuở Kim Sơn còn là vùng đất hoang, nhưng đã được tạo hóa ban cho đặc ân là một loại cây đặc biệt - đó chính là cây cói. Theo lời người dân trong vùng kể lại, cây cói đã có ở Kim Sơn gần hai thế kỉ. Trải qua cả trăm năm quai đê lấn biển, người Kim Sơn đã tạo nên những bãi bồi mênh mông để trồng cói.
Sản phẩm cói mĩ nghệ Kim Sơn đa dạng về chủng loại, kiểu dáng và màu sắc
Cây cói có chu kỳ sinh trưởng tựa cây lúa. Cói chiêm thu hoạch vào dịp tháng Năm, cói mùa vào dịp tháng Mười (âm lịch). Lúc hoa vẹt nở trắng trên những bãi bồi ven biển cũng là lúc người nông dân bắt đầu cắt cây cói ngoài đồng về. Hoa cói màu nâu, bình dị, thả phấn theo làn gió, lan toả khắp vùng cói vào mùa thu hoạch, thoang thoảng hương thơm dịu êm. Quy trình trồng cói cũng giống như cây lúa: cày, xới, phơi ải, tháo nước, cấy cói, rồi làm cỏ, sục bùn, bón phân. Chất lượng cói trồng phụ thuộc đáng kể vào việc điều phối nước mặn và nước ngọt theo tỷ lệ thích hợp, hài hoà. Hệ thống thuỷ lợi cho canh tác cây cói quan trọng không kém gì cây lúa. Cói tươi thu hoạch về được chẻ nhỏ, phơi khô và đem ra chợ bán, rồi từ đó dệt thành chiếu hoa và các sản phẩm từ cói.
Đồ lưu niệm từ cói
Cói là nguyên liệu chính của nghề dệt chiếu. Đối với những người trồng cói, cây cói gắn bó với nghề, với người thợ suốt cả cuộc đời cần lao. “Cói không nhiều lá, nhiều cành/ Cây dồn lên ngọn để dành cho hoa". Cây cói là biểu tượng của những con người lấn biển. Theo bước chân của những người lấn biển, cây cói luôn trụ vững trước mọi thách thức nghiệt ngã của nước mặn, của sóng gió bão biển.
Trên vùng đất Kim Sơn, cây cói mềm mại, óng ả, có vai trò là sợi nối giữa biển với bờ, giữa những con người cần cù, khoẻ mạnh với thiên nhiên trù phú, bao la. Cây cói còn là sợi nối Kim Sơn với các miền trong nước và trên thế giới, góp một phần không nhỏ để phát triển kinh tế, văn hoá và du lịch. Thế mạnh của nghề trồng cói và dệt cói ở Kim Sơn là sản xuất ra những sản phẩm tiêu dùng thiết yếu của nhân dân. Do vậy, nghề này tuy cực nhọc mà không hề mai một. Cây cói ở đây cũng chính là “quân tiên phong” lấn biển, chinh phục tự nhiên. Khẩu hiệu “lúa lấn cói, cói lấn biển” là phương châm chinh phục thiên nhiên của hàng vạn người dân Kim Sơn.
Sản phẩn xuất khẩu được đóng gói vào những chiếc thùng có ghi đầy đủ thông tin xuất xứ, chất lượng, chủng loại, cách thức sử dụng...
Để có được một sản phẩm cói mỹ nghệ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, kỹ thuật trồng và sản xuất cói của Kim Sơn cũng khá đặc biệt. Đó là cả một quy trình công phu, tỉ mỉ và chính xác ngay từ lúc trồng cói, thu hoạch cói, chọn cói, chẻ cói, phơi cói, nhuộm cói… cho đến khâu cuối cùng là đan, dệt cói và hoàn thiện sản phẩm.
Nổi bật nhất trong các sản phẩm từ cói của Kim Sơn phải kể đến chiếu cói. Dệt chiếu cói là cả một quá trình lao động sáng tạo, vất vả, thận trọng từ khâu chọn cói, phơi cói, nhuộm cói sao cho đỏ tươi và bền mầu, đặc biệt là khâu dệt cải hoa của chiếu. Người cải hoa phải nhanh, uyển chuyển, mềm mại, mắt phải tinh, tay cải phải chính xác, thuộc từng nét cải để không đan lỗi.
Người dân Kim Sơn có đặc thù sống trong cái nôi làng nghề cói từ cách đây hàng trăm năm nên có đầy đủ tố chất của một người thợ thủ công chân chính, một bàn tay khéo léo, sự nhạy bén, tính linh hoạt cao, sự nhanh nhạy và đam mê nghề nghiệp. Những tố chất này giúp cho họ đáp ứng được những đòi hỏi dù là khắt khe của nghề, tạo dựng nên nghề trồng cói, chế biến cói ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình nổi tiếng xa gần và được người tiêu dùng trong và ngoài nước rất ưa chuộng.
Mỹ nghệ cói Kim Sơn vươn ra thế giới
Khi nền kinh tế bước vào thời kỳ hội nhập thì những làng nghề thủ công truyền thống như nghề dệt, đan cói cũng ít nhiều bị mai một. Với đầu ra cho các sản phẩm ấy bị thu hẹp thì rất nhiều nghệ nhân đã không thể tiếp tục duy trì nghề truyền thống của dòng tộc và họ chuyển sang nhiều ngành nghề khác để kiếm kế sinh nhai. Nhưng may thay, ở Kim Sơn vẫn còn giữ được làng nghề truyền thống đã có từ gần 2 thế kỷ này. Dù trải qua bao thăng trầm của lịch sử, làng nghề chiếu cói Kim Sơn vẫn ngày càng thể hiện được vị thế của mình, tồn tại và phát triển cho tới ngày nay. Các sản phẩm nơi đây rất đa dạng về mẫu mã, màu sắc hoa văn lại vô cùng bắt mắt.
Sở dĩ sản phẩm cói mĩ nghệ của Kim Sơn được thị trường, nhất là thị trường nước ngoài ưa chuộng là vì sản phẩm được làm bằng nguyên liệu thiên nhiên, thân thiện với môi trường, bền đẹp, đa dạng về kiểu dáng và màu sắc mà giá thành lại rẻ. Từ những sợi cói dài loằng ngoằng tưởng như không có nhiều giá trị, nhưng chỉ qua bàn tay khéo léo và sự sáng tạo của người dân nơi đây đã tạo ra những sản phẩm hữu dụng độc, lạ và có giá trị mà nơi khác không có được như: chiếu, mũ, dép, túi sách, hộp, cốc...
Ngoài ra, để có được những mẫu mã đẹp, đáp ứng thị hiếu khách hàng, các doanh nghiệp sản xuất cói đã phối hợp chặt chẽ với phía đối tác để lên ý tưởng, thiết kế mẫu mã và không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm. Điển hình như kỹ thuật sử dụng keo polyascera phun phủ lên bề mặt sản phẩm cói, vừa giúp định hình ổn định kiểu dáng công nghiệp, vừa nâng cao khả năng chống mốc, ẩm cho sản phẩm, nhất là trong quá trình xuất khẩu ra nước ngoài. Nhờ đó mà sản phẩm cói mỹ nghệ của Kim Sơn luôn đảm bảo chất lượng khi tới tay người tiêu dùng, góp phần rất lớn trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Tính đến năm 2016, huyện Kim Sơn có 100% làng, xã đều tham gia chế biến cói, khoảng 20 làng nghề cói được UBND tỉnh cấp bằng công nhận làng nghề với hơn 5.000 doanh nghiệp, cơ sở và hộ cá thể tham gia trồng cói. Các doanh nghiệp này chính là cầu nối giữa các làng nghề với thị trường trong và ngoài nước trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, thời gian qua, các doanh nghiệp còn tổ chức đào tạo được hơn 800 lao động có tay nghề giỏi, không chỉ đáp ứng được nhu cầu lao động của địa phương mà còn cho một số tỉnh lân cận như Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa…
Cho đến nay, sản phẩm cói mĩ nghệ Kim Sơn đã được xuất khẩu đến hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Và sự thành công ấy có thể còn tiến xa hơn nữa. Tin rằng với bản lĩnh và tình yêu vô cùng lớn đối với nghề qua thăng trầm hàng trăm năm, bà con nơi đây vẫn son sắt một niềm tin tiếp tục đưa nghề truyền thống này ngày một phát triển lớn mạnh.
Nhật Việt (tổng hợp)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/kham-pha-lang-nghe-det-coi-kim-son-20170817151321437.htm