Nghệ nhân Lò Văn Biến say mê nghiên cứu chữ Thái cổ
|
Người Thái xưa đã viết những gì bên trong những cuốn sách được viết bằng mực Tàu trên nền giấy Dó tự chế? Đó là một kho tri thức khổng lồ được đúc kết qua nhiều thế hệ, ở tất cả các mặt của đời sống, như: kinh tế, xã hội, lịch sử, tín ngưỡng, tôn giáo…
Ông Lò Văn Biến, người Thái, ở thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái, đã dành nhiều thời gian, công sức để sưu tầm chữ Thái cổ. Ông cũng là người biên soạn tài liệu dạy chữ Thái trong trường học và truyền dạy chữ Thái cho nhiều lớp học trò. Ông Biến cho biết người nào đọc được các cuốn sách viết bằng chữ Thái cổ thì có trong đầu cả kho tri thức về lao động sản xuất, về hệ thống quy tắc đối nhân xử thế trong xã hội xưa và nay: “Xoay về vấn đề lao động sản xuất, đạo đức của con người. Ví dụ: Muốn ăn thì đừng có ngồi. Người Thái chúng tôi rất nhấn mạnh đạo đức. Về cách làm ăn, người Thái có câu thế này Anh trồng ngô thì phải chọc, tiến lên, chọc, tiến lên. Mà cấy ruộng thì phải cấy lùi lại".
Người Thái là dân tộc có mặt lâu đời ở nước ta. Những cuốn sách như: "Quam tô mương Mường Muổi", "Quam tô mương Mường La", "Quam tô mương Mường Mụa"... (Chuyện kể bản mường) đã cho biết quá trình thiên di của người Thái từ vùng Xíp Xoong Păn Na (Nam Trung Quốc) tới Việt Nam, lịch sử hình thành của các châu mường Thái.
Cuốn “Tay pú sớc", "Quam chưong han", "Quam xớc Hán Cơ Lương"...(dã sử đánh giặc phương bắc giữ yên bản Mường) nói về lịch sử chống giặc ngoại xâm của người Thái cùng các dân tộc khác trên đất Việt.
Các nghi lễ trong đời sống, tín ngưỡng của người Thái cũng được lại rõ ràng, cụ thể trong các cuốn sách, như: quy trình tiến hành một đám tang, các bài cúng tiễn đưa linh hồn người chết... Nhiều quyển sách được xem như cẩm nang giúp người Thái chọn ngày giờ làm nhà, chọn ngày giờ làm đám cưới, đưa tang...
Ông Lò Văn Biến hiện đang sở hữu một cuốn sách quý về luật tục của dân tộc Thái: “Cuốn này có 42 trang. Trong gia đình, người con dâu, ví dụ, không được qua chỗ bàn thờ. Và chào thì thế nào, người con dâu chào khách thì ngồi kiểu khác, người con gái chủ nhà chào khách thì kiểu khác”.
Bởi có chữ viết từ rất sớm nên nền văn học Thái phát triển khá mạnh. Các nhà nghiên cứu ước tính có khoảng 3.000 tác phẩm văn học dân gian được ghi chép bằng chữ Thái cổ. Đó là chưa kể các tác phẩm đang được truyền miệng rải rác ở nhiều nhóm Thái khác nhau.
Nhiều tác phẩm văn học Thái đã được sưu tầm, in sách, cả in bằng chữ Thái cổ, như: Xống chụ xon xao, Khun Lù Nàng Ủa, Ý Đón, Ý Đăm, Ý Nọi Nàng Xưa, Nàng Ý Tú, Nàng Phôm Hom, Lang Hôm Nang Hai, Hiến Hom, Tong Đón Am Ca, Xông ca Xi Cáy, Khun Tính, Út Ỏ...
Theo nhà nghiên cứu Hoàng Trần Nghịch, văn học Thái thường hướng vào chủ đề giáo dục. Những câu thành ngữ Thái là đúc kết, là triết lý về cuộc đời. Như sách “Quam bok mạy xòn côn” (hoa cây dạy người) dạy người sống đẹp như cây như hoa: “Thấy tiền thì mắt vàng/ thấy vàng thì mắt quáng/ tiền bạc tựa như máu/ không khéo sẽ hại mình/ tiền chất đến ngang ngực/ lòng tham thức dậy/ chất đến ngang tai ngang mắt/ mắt mờ tai ngễnh ngãng/ khi chất cũng ngang trán/ quên hết thảy mọi điều”; “Người nào yêu nhiều là kẻ không biết yêu/ Người nào nhiều vợ là không có hạnh phúc”.
Để giữ gìn và lưu truyền các bộ sách Thái cổ, các nhà khoa học đã thống nhất chữ Thái và số hóa chữ Thái mới. Việc này cũng tạo cơ hội để nhiều người có thể tiếp cận chữ Thái, có thể khai thác kho tư liệu quý trong các bộ sách Thái cổ.
(VOV4)