Vòng xòe mùa xuân vùng đất Mường So của đồng bào Thái
đã thắt chặt tình đoàn kết các dân tộc trong vùng
|
"Điệu xòe, điệu xòe có từ bao giờ mà vẫn mê say như thưở nào. Điệu xòe, điệu xòe nhớ thuở ban đầu, chân đi nhịp nhàng mà tay bối rối..." - lời bài hát hòa trong tiếng trống, tiếng chiêng âm vang. Đêm đại ngàn Mường So rộn tiếng nói cười, khi sau bữa cơm chiều 30 tết, người người hướng về sân nhà văn hóa cộng đồng bản Vàng Pheo.
Ngọn lửa hồng rực cháy giữa sân, xua tan khí lạnh ngày đông, làm ướt đuôi tóc chàng trai vùng cao, ửng hồng đôi má cô gái bản núi. Từ đây, những làn điệu giao duyên ngân vang, khởi đầu cho những mối tình trai gái.
Trong dòng người tấp nập ấy, cô gái Thái Lò Thị Nhung (ở xã Nậm Xe), nổi bật trong áo trắng bó sát người, hàng cúc bạc lấp lánh, váy lĩnh đen tuyền, bước đi uyển chuyển. Nhung kể rằng em biết xòe từ thuở lên ba, khi theo bà theo mẹ đi xòe trong những đêm xuân. Không cần ai dạy, các làn điệu xòe cứ ngấm dần theo năm tháng.
Cũng từ những đêm xòe đó mà Nhung đã gặp chồng - chàng thanh niên xã bên đàn hay, giỏi hát, để rồi nên duyên vợ chồng. Tuy đã có gia đình, nhưng các đêm xòe ngày xuân vẫn làm Nhung nhớ và thôi thúc bước chân tìm đến.
“Tết thì mới có dịp xòe với nhau. Khi xòe rồi mới cảm thấy vui và hào hứng. Vào một dịp xòe thì trai gái chưa vợ chưa chồng muốn gặp bạn bạn trai hoặc bạn gái của mình. Nói chung là ai cũng muốn được gặp lứa tuổi cùng với mình để được giao lưu, được cầm tay nhau để xòe với nhau” – Nhung bảo.
Vòng xòe ngày một lớn hơn khi được nối dài thêm người; để rồi phải ngắt vòng trong, vòng ngoài khi bãi đất xòe không đủ lớn. Không chỉ người trẻ, mà những buổi xòe đêm xuân này ở vùng đất Mường So còn có nhiều người già, trung niên và cả những vị khách phương xa về ăn Tết cùng bà con.
Vùng đất Mường ngày xưa, nay là các xã Mường So, Khổng Lào, Nậm Xe, Bản Lang, thuộc huyện Phong Thổ. Đây là vùng đất tổ của người Thái trắng Tây Bắc, cũng là nơi phát tích các làn điệu xòe Thái. Những người già cho biết xòe Thái có 24 làn điệu cổ và phát triển hưng thịnh nhất vào thời kỳ tự trị của Vua Thái Đèo Văn Long, Đèo Văn Ơn.
Sự hòa nhập của các nền văn hóa đã dần làm mai một nhiều phong tục, tập quán của đồng bào. Thế nhưng, các làn điệu xòe cổ, nhất là "xòe vòng" ngày xuân vẫn được đồng bào Thái trắng nơi đây lưu truyền và phổ biến trong các dịp lễ hội.
Theo ông Điêu Văn Thuyển, Hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Lai Châu: Ngày xưa, tết của người Thái trắng vùng đất Mường So bắt đầu từ đêm 30 Tết đến hết ngày 15 tháng Giêng. Tuy nhiên, ngày nay mùa xuân như đến sớm hơn khi bắt đầu từ 15 tháng Chạp, dân nhiều bản làng đã tổ chức vui chơi.
Xòe vốn đã có ý nghĩa lớn đối với đời sống tinh thần của đồng bào Thái trắng nơi đây; trong hội xuân, nó lại càng ý nghĩa hơn và không thể thiếu trong mỗi buổi tối.
“Văn hóa Thái, cái nhìn được, thấy được là ở xòe. Xòe có nhiều làn điệu, nhưng phổ thông nhất là xòe cộng đồng, không phân biệt trái gái, tuổi tác, sang hèn. Trước khi xòe, bà con có lời cầu khấn trời đất, thần linh, cho phép đánh trống, đánh chiêng. Chính thức là tối mùng 1 tết, cho đến 15 là tối nào cũng như tối nào, trai gái chỉ mong tối để được xòe và xòe thâu đêm, có hôm đến tận gà gáy”.
Đêm dần về khuya, sương xuống càng thấp. Những đôi má càng lúc càng ửng hồng. Đêm xòe chỉ ngừng khi gà gáy chuyển canh. Tiếng bước chân xa dần theo những lối mòn về bản, ai nấy đều chếnh choáng trong men say của tình người, để rồi lại hẹn đêm xòe hôm sau.
Khắc Kiên (VOV-Tây Bắc)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/dap-diu-dem-xoe-muong-so-20170221104206268.htm