Để làm ra chiếc khèn là cả một sự khéo léo của đôi tay và
con mắt tinh tường của người nghệ nhân làm khèn
|
Người Mông không thể thiếu tiếng khèn
Dù cuộc sống hôm nay đã có nhiều thay đổi, có không ít giá trị truyền thống đã trở thành quá khứ, song người Mông vẫn giữ gìn được cây khèn của mình với kỹ năng chế tạo công phu và chuẩn xác... Bước chân lên vùng Cao nguyên đá Đồng Văn, người ta sẽ không thể quên được tiếng khèn Mông da diết, trầm bổng vang vọng giữa núi đá trùng điệp. Cây khèn là một nhạc cụ gắn bó với người Mông mỗi khi xuống chợ cũng như trong các dịp lễ, Tết... Thiếu tiếng khèn, là thiếu đi “linh hồn” của người Mông.
Hiện nay, dù đời sống kinh tế đang phát triển mạnh thì cây khèn vẫn còn giữ nguyên vị trí của nó. Nghệ nhân chế tác khèn Mông đang được phát triển tại các thôn, bản dù không còn nhiều người làm khèn như trước do nhu cầu dùng khèn đã ít đi.
Đến thăm nghệ nhân làm khèn Mua Mí Sính ở Mèo Vạc, anh hồ hởi chia sẻ về nghề làm khèn. Anh Sính đến với nghề làm khèn từ cách đây gần 20 năm. Trước đó, từ khi còn rất nhỏ, anh đã có đam mê với tiếng khèn, tự đi học thầy thổi khèn trong thôn. Đến khi lớn lên, qua những chuyến buôn bán ở các phiên chợ, anh tranh thủ tìm hiểu, học hỏi về cách làm khèn, nghe âm thanh của cây khèn. Đến sau này, khi đã học thành nghề, một trong những đam mê của anh Sính là làm khèn trong những lúc nông nhàn.
Anh Sính, chia sẻ: “Để làm một cái khèn phải mất khoảng một tuần, từ khâu đục bầu, lựa ống khèn, rèn lưỡi gà bằng đồng. Những nguyên liệu làm khèn đều có thể tìm được ở địa phương như: vỏ cây đào rừng, gỗ làm thân khèn... Trong đó, gỗ là một loại thuộc họ cây pơ mu, vỏ của cây đào rừng lâu năm để quấn thân khèn. Đặc biệt, ống khèn lấy từ một loại cây thuộc họ trúc trồng ở địa phương”.
“Truyền lửa” văn hóa Mông cho thế hệ sau
Ông Mua Mí Say, một nghệ nhân truyền dạy khèn Mông ở thôn Tả Lủng B, xã Tả Lủng, huyện Mèo Vạc, tâm sự: “Hàng năm, tôi đều được mời đi dạy các lớp thổi khèn cho bọn trẻ ở trong xã, huyện. Bọn trẻ bây giờ thổi khèn không tốt như ngày xưa nữa, nhưng vẫn có vài đứa thích, có năng khiếu. Ngoài ra, tôi còn đang rèn cho vài người ở trong xã nữa, là những người đã am hiểu về thổi khèn để sau này truyền dạy lại cho con cháu”. Dù thế nào thì chúng tôi vẫn phải truyền giữ các bài khèn, vì tiếng khèn là lời cúng trong các đám tang, nếu không có tiếng khèn thì linh hồn sẽ không về được với tổ tiên.
Trong mùa hoa Tam giác mạch năm nay, khi đi qua những núi đá trùng điệp, đâu đó vẫn nghe văng vẳng tiếng khèn, tiếng hát của các chàng trai, cô gái người Mông đang làm nương rẫy nghỉ tay luyện tập hoặc cất lên tiếng tâm sự trong lòng. Tiếng khèn, tiếng hát ấy là nét đẹp văn hóa ghi sâu trong ấn tượng của khách qua đường.
Cuộc sống hôm nay không ít giá trị truyền thống bị mai một, nhưng đồng bào Mông vẫn giữ gìn được cây khèn với kỹ năng chế tạo công phu, chuẩn xác. Những nghệ nhân nổi tiếng về làm khèn Mông tập trung ở các xã Tả Lủng (Mèo Vạc), Hố Quáng Phìn, Sủng Trái (huyện Đồng Văn). Cây khèn đã mang âm sắc của một vùng văn hóa, tiếng khèn gọi bạn, gọi tình yêu, tiếng khèn nói lên lòng mình, thổi hồn vào đá.
Vũ Hoàng Kiều My (Làng Việt Online)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/tieng-khen-hoi-tho-cuoc-song-tren-cao-nguyen-da-20161215171538033.htm