Các cô gái Thái ném còn
|
Không rõ trò chơi tung còn có tự bao giờ, chỉ nghe các cụ người Thái vùng Tây Bắc kể rằng: ngày xửa ngày xưa, trai gái xứ Thái đi làm ruộng, họ thường tung bó mạ cho nhau, từ đó xuất hiện tục ném còn. Từ ngày ấy, quả còn không thể thiếu trong các dịp lễ tết và cứ thế được truyền từ đời này sang đời khác.
Bà Tòng Thị Thân ở xã Mường Cang, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu cho biết: “Năm nào cũng vậy, mỗi khi tết đến xuân về, chúng tôi lại làm còn để chơi tết. Đây là nét văn hoá truyền thống gắn với đời sống sinh hoạt của đồng bào Thái, một dân tộc luôn gắn bó với nền nông nghiệp lúa nước”.
Trong ngôi nhà sàn truyền thống, chị em phụ nữ dân tộc Thái quây quần bên nhau làm còn chơi xuân. Vải vụn chị em thêu thùa, may vá trong cả một năm tích góp lại đem ra để làm còn. Quả còn được làm như sau: cắt một miếng vải hình vuông mỗi cạnh khoảng 20cm, chụm 4 góc vào nhau sau đó khâu kín 3 đường, còn 1 đường khi nhồi hạt bông xong mới khâu. Dây còn dài khoảng 50cm, làm bằng vải bền thì dây mới chắc. Để có được những quả còn đẹp, các chị đã khéo chọn vải, phối màu có đủ các loại vải xanh, đỏ, tím, vàng làm tua rua.
Việc khâu còn không chỉ có giá trị về mặt thẩm mỹ mà còn có ý nghĩa về mặt tâm linh. Theo quan niệm của người Thái, quả còn mà không có tua rua là “Còn Mải” tức quả còn goá bụa. Quả còn bao giờ cũng phải khâu tua rua bốn góc tượng trưng cho bốn phương trời, tua rua ở cuối dây còn và ở dưới quả còn là chỉ thiên địa. Rồi sau đó mới khâu điểm các tua rua còn lại và càng có nhiều tua rua đủ sắc màu càng may mắn, sung túc và phát triển.
Khi đã có đủ những quả còn sặc sỡ, cả bản cùng nhau ra ném còn. Không như các trò chơi tó mák lẹ, ném cầu hay các trò chơi dân gian khác chỉ cần sân nhà, ngoài sàn cũng chơi được, ném còn phải có sân rộng. Người Thái thường ném còn ở sân to của bản hay bãi ruộng đã gặt hái xong, hoặc nơi có bãi rộng dễ đi lại tập trung được nhiều người.
Bà Khoàng Thị Duyên, ở phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu, cho biết: “Cách thứ nhất, ném còn qua vòng, nếu ai mà ném qua vòng thì được coi là tài giỏi và may mắn cả một năm. Cách thứ 2, chia làm 2 tốp nam, nữ hoặc cả nam nữ tuỳ thuộc vào từng hội chơi. Nếu ai bắt trượt còn thì sẽ phải có vật để trao cho người tung còn, nếu không có vật gì thì bị vặn tai, nhất là thanh niên trai gái trao khăn mũ, áo, đồng hồ, vòng tay cho nhau để làm tin...”.
Các chàng trai, cô gái tay cầm dây còn, quay vài vòng rồi tung lên. Quả còn bay vút, những dây ngũ sắc xoè tung làm cho hội còn thêm đẹp mắt. Bên ném, bên bắt những quả còn lên xuống lặp đi, lặp lại mà không chán, bởi tiếng cười nói râm ran, tiếng hò reo náo nhiệt làm cho không khí vui nhộn, những ánh mắt nụ cười gần nhau hơn. Họ giao duyên, gửi gắm tình cảm qua quả còn. Khi trai bản thích cô gái nào là họ ném cho nhau, sau đó trao cho nhau những vật kỉ niệm để làm tin. Và cũng từ hội chơi còn ngày xuân, bao đôi trai gái đã nên vợ nên chồng.
Ngày nay, hội tung còn vẫn được cộng đồng người Thái Tây Bắc gìn giữ. Trò chơi này không chỉ tổ chức dịp cúng bản, xên mường, Tết đến xuân về, mà còn được tổ chức trong các ngày hội lớn của dân tộc, của đất nước. Nó như sợi dây văn hoá nối kết con người, tạo không khí vui bản, ấm mường.
(Theo VOV4)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/tung-con-tro-choi-truyen-thong-cua-nguoi-thai-20160811105005216.htm