Trang chủ Liên hệ       Chủ nhật, Ngày 24/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
  -  Con Người Việt Nam
  -  Đất Nước Việt Nam
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Việt Nam Đất Nước Con Người >
  Lễ hội Trà Cổ - nét văn hóa thuần Việt Lễ hội Trà Cổ - nét văn hóa thuần Việt , Người xứ Nghệ Kiev
 

15/08/2016

Hàng năm, từ ngày 30/5 đến ngày 6/6 Âm lịch, người dân làng Trà Cổ, Móng Cái, Quảng Ninh lại hân hoan tổ chức lễ hội Đình Trà Cổ với ý nghĩa tưởng nhớ công ơn các vị Thành Hoàng Làng - Tiên Tổ có công khai phá, lập làng Trà Cổ từ xa xưa.

 Theo tín ngưỡng của người Trà Cổ, “Ông Voi” được coi là linh vật của thần

Lễ hội Trà Cổ là lễ hội mang dấu ấn văn hóa cổ truyền của vùng đồng bằng Bắc Bộ, cũng thể hiện rõ nét nhất văn hóa của cư dân miền biển Quảng Ninh, với nhiều hoạt động văn hóa tín ngưỡng phong phú, hấp dẫn, thu hút nhiều du khách thập phương về dự hội.

Truyền thuyết đẹp về sự nỗ lực vươn lên của cư dân Trà Cổ

Địa danh Trà Cổ là điểm cực Đông Bắc Tổ quốc, giáp biên giới với Trung Quốc, là nơi đặt nét vẽ đầu tiên về đất liền trên bản đồ “Chữ S” Việt Nam. Với bờ biển trải dài gần 17 km, đây được coi là bãi biển đẹp và dài nhất Miền Bắc Việt Nam. Trải qua biết bao thăng trầm biến cố lịch sử, nơi đây vẫn còn lưu giữ được những nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người Việt.

Ngược thời gian, trở về quá khứ, cuộc sống lao động của người Trà Cổ đã gắn liền với biển. Người Trà Cổ qua bao đời nay vẫn lưu truyền câu ca “Người Trà Cổ - Tổ Đồ Sơn”, nhắc nhở con cháu luôn nhớ về nguồn cội gốc gác xa xưa của mình - những con người đam mê khám phá, vươn khơi bám biển, coi biển là nguồn sống, và với những ngư dân ấy, biển cũng chính là ngôi nhà thứ hai của họ.

Tương truyền vào thời Lê, người dân Đồ Sơn thường đi đánh cá rất xa. Trong một lần sóng to gió lớn, 12 gia đình đã trôi dạt vào một bán đảo hoang vu chỉ có sú vẹt. Một số gia đình nhìn cảnh hoang vu đã buồn chán than thở: “Ở đây ăn bổng lộc gì/ Lộc sú thì chát, lộc si thì già”. Thế là 6 gia đình tìm cách quay về quê hương cũ. 6 hộ ở lại thì có lý lẽ riêng: “Ở đây vui thú non tiên/ Tháng ngày lọc nước lấy tiền nuôi nhau”, rồi tự động viên nhau cùng khai hoang, an cư lập nghiệp. Họ khai phá vùng đất mới, ngày ngày vừa đánh cá vừa khai hoang, sau một thời gian họ đã tạo lập được một làng nhỏ gồm 6 nóc nhà.

Làng nhỏ tuy đơn sơ nhưng thắm đượm tình làng nghĩa xóm, 6 gia đình luôn đoàn kết, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, cùng xây dựng làng xóm mới. Trải qua những năm tháng gian khổ, sức chịu đựng và sự cần cù của 6 vị Tiên công và các gia đình đã được đền bù xứng đáng, ngôi làng dần trở nên trù phú. Các cụ đã lấy hai chữ đầu của tên hai làng quê cũ của mình là Trà Phương và Cổ Trai để đặt tên làng mới là Trà Cổ. Hằng năm, cứ từ ngày 30/5 đến ngày 6/6 Âm lịch, người dân Trà Cổ lại mở hội để tưởng nhớ công ơn và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của mình đối với thần linh và những người đã có công lập làng. Lễ hội cũng là dịp để cầu mạnh khỏe, bình an và yên ấm, giúp thắt chặt tình làng nghĩa xóm, mở rộng giao lưu giữa các vùng miền với nhau, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, củng cổ tính cộng đồng.

Độc đáo lễ hội thi “Ông Voi”

Trải qua một thời kỳ bị gián đoạn do chiến tranh, năm 1993, lễ hội đình Trà Cổ được khôi phục lại và cho đến nay vẫn là một điểm nhấn văn hoá, là niềm tự hào của người dân nơi đây.

Theo các cụ già trong làng kể lại, trước kia lễ hội diễn ra với rất nhiều hoạt động và nghi thức. Trước khi mở hội, vào ngày 25/5 Âm lịch, làng cắt cử các bô lão, trai tráng đại diện đi trên một đoàn thuyền rước bài vị Tiên công từ Trà Cổ về quê tổ Đồ Sơn, sau đó quay về Trà Cổ. Nghi lễ này tượng trưng cho con đường ra lập nghiệp ở Trà Cổ của tiền nhân xưa. Ngày nay, nghi lễ trên đã bị lược bỏ do việc tổ chức đi lại vừa tốn kém, vừa vất vả, sóng gió nguy hiểm. Tuy nhiên, tục thi “Ông Voi” - nghi lễ chính của lễ hội, thì vẫn duy trì năm này qua năm khác.

Chúng ta đều biết con lợn là một trong 12 con giáp, gắn bó với người nông dân không chỉ trong cuộc sống hàng ngày mà còn hiện hữu trong đời sống tâm linh từ lâu đời, nhất là với cư dân vùng Đồng bằng Sông Hồng. Về tục rước lợn trong các lễ hội làng, tại một số địa phương thuộc các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng như La Phù (Hoài Đức, Hà Nội), Kỳ Sơn (Kiến Thụy, Hải Phòng)... cũng có tục này. Tại Quảng Ninh, xã Yên Đức (Đông Triều), xã Yên Giang (Quảng Yên) xưa đã có lễ hội rước lợn. Tuỳ theo địa phương có cách gọi con lợn khác nhau, nhưng phổ biến nhất là gọi “Ông Bồ”, riêng tại Trà Cổ thì gọi là “Ông Voi”. Không chỉ khác về tên gọi, tục thi lợn ở Trà Cổ còn khác các địa phương trên ở chỗ lợn ở đây là lợn sống, thay vì lợn đã giết thịt.

Theo lệ xưa được duy trì đến nay, trước khi vào lễ hội, làng Trà Cổ lại họp chọn ra 12 người, gọi là cai đám, để chuẩn bị cho lễ hội năm sau. Họ phải là những người đàn ông từ 25-35 tuổi, đã có vợ con, mạnh khoẻ, biết làm ăn, có đạo đức và lối sống lành mạnh, gia đình thuận hoà, không vướng tang ma... Những người được làng cử chọn làm cai đám thì rất vinh dự, tự hào. Làm tốt việc cai đám trong năm đồng nghĩa với được lộc, mạnh khoẻ, làm ăn may mắn… Đáng chú ý, cho dù hoàn thành tốt nhiệm vụ thì mỗi người chỉ được vinh dự làm cai đám một lần trong đời mà thôi. Cai đám phải tuân thủ khá nhiều quy ước, cấm kị. Trước đây, các ông không được cắt tóc, cạo râu, không được ăn đồ sống, thịt chó, mèo, không thắp hương, bái lễ trong đám ma… Vì theo quan niệm, các ông đám là con của thần linh. Thậm chí các ông còn không được chăn gối với vợ trong vòng 1 năm. Ngày nay, những cấm kị đó đã được lược bỏ nhiều, song một số quy định vẫn còn giữ, như không ăn thịt chó, đồ sống, không thắp hương trong đám ma, không nói tục... Từ đầu năm, mỗi cai đám sẽ nuôi một con lợn. Sau khi mua về nhà, chú lợn này không gọi là lợn nữa mà được gọi là “Ông Voi”, được coi như linh vật của thần. “Ông Voi” được chăm sóc chu đáo, ăn ngon, ngủ có mắc màn để tránh ruồi muỗi. Khi “hắt hơi xổ mũi” thì có bác sĩ thú y thăm khám.

Chiều 30/5 âm lịch, sau lễ tế gia tiên, các cai đám sẽ dùng cũi sơn đỏ có mái che nắng rước “Ông Voi” đã được tắm rửa sạch sẽ ra xếp thành hai hàng trước sân đình để chầu thần. Sau lễ tế cáo yết thần, Ban tổ chức lễ hội sẽ dùng thước đo từ đầu đến đuôi, đo vòng cổ từng “ông”. “Ông” nào thân dài nhất, vòng cổ to nhất, đẹp nhất sẽ giành giải Nhất. Ngay sau phần chấm giải, các “Ông Voi” trở lại là những chú lợn bình thường, gia đình cai đám có thể bán luôn cho thương lái ngay tại cổng đình hoặc đưa về nhà giết thịt khao họ hàng. Riêng “Ông Voi” đạt giải Nhất thì được giữ lại để mổ tế thần. Trong mâm lễ, ngoài thủ lợn, không thể thiếu túm lông đuôi của “Ông Voi” này. Cúng xong, túm lông này sẽ được đưa ra đặt ở gốc đa cạnh sân đình.

Lễ trao thưởng cho cai đám có “Ông Voi” giành giải Nhất sẽ được tổ chức vào sáng ngày chính hội hôm sau. Trong suốt những ngày hội đình, các cai đám sẽ phải túc trực ở đình, cùng Ban tổ chức lo các việc cúng lễ, đèn nhang cho đến khi xong hội mới thôi.

Sau hội thi “Ông Voi”, các ông đám chia nhau làm cỗ, hình thức như khao ở các làng đồng bằng Bắc Bộ. Mỗi ngày có 4 ông đám rước cỗ ra đình tế thần, 2 ông làm cỗ mặn, 2 ông làm cỗ chay. Cỗ mặn, cỗ chay sau khi được tế thần thì các ông đám lại đem về nhà và mời bà con đến ăn, hoặc để tại đình cho các cụ già và chức sắc trong đình thưởng thức. Trong ngày lễ hội, hầu như nhà nào trong làng cũng làm cỗ. Nhà nghèo thì làm cỗ nhỏ, vui trong gia đình. Nhà khá hơn thì làm cỗ to mời họ hàng, bạn hữu. Riêng 12 ông đám thì mời cả họ hàng xa, bè bạn và các vị chức sắc trong làng… Dịp này ở Trà Cổ, ai nấu ăn giỏi hay vụng đều được biết hết. Đây chính là hội thi làm cỗ, thi nấu ăn của làng.

Qua hàng trăm năm tồn tại cùng đời sống sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, lễ hội Trà Cổ vẫn còn lưu giữ được những giá trị thuần Việt được duy trì cho đến ngày nay. Lễ hội cũng là cơ hội giới thiệu những nét đẹp tự nhiên, bản sắc văn hóa mang đậm tính nhân văn của vùng đất Trà Cổ. Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho một nền văn hóa vừa là biểu tượng văn hóa thuần Việt vùng Bắc Bộ, vừa là minh chứng ẩn hình về cột mốc mềm chủ quyền lãnh thổ nơi vùng biên ải Đông Bắc Tổ quốc.

Gia Khánh (tổng hợp)

Nguồn quehuongonline.vn

http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/le-hoi-tra-co-net-van-hoa-thuan-viet-20160809091104082.htm



  Các Tin khác
  + 7 điều tuyệt diệu khiến bạn luôn tự hào khi nhắc đến hai tiếng Việt Nam (11/08/2024)
  + Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/07/2024)
  + Ai là người đặt tên đất nước ta là Việt Nam: Ý nghĩa là gì? (30/06/2024)
  + Hình ảnh thiêng liêng lễ diễu binh ở Thị trấn Trường Sa (08/06/2024)
  + Trường Sa luôn đặc biệt từ những điều nhỏ nhất (26/05/2024)
  + Thế trận Đường Trường Sơn góp phần làm nên thắng lợi Chiến dịch mùa Xuân 1975 (18/05/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/05/2024)
  + Khám phá 22 hang động kỳ vĩ mới được phát hiện tại Quảng Bình (19/04/2024)
  + 18 đời vua Hùng gồm những ai? Tên gọi chính xác của các vị vua là gì? (17/04/2024)
  + Ảnh ấn tượng về các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (05/04/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Đại tướng Phan Văn Giang: Vũ khí cá nhân mới của quân đội tốt hơn AK47 (05/04/2024)
  + Chiêm ngưỡng sắc đỏ của cây hoa gạo trăm tuổi "đẹp nhất" Ninh Bình (03/04/2024)
  + Hoa gạo rực đỏ bên ngôi chùa cổ kính nghìn năm tuổi ở Hà Nội (23/03/2024)
  + Những bông hoa y tế vùng cao và chuyện băng rừng trong đêm đi đỡ đẻ (06/03/2024)
  + Kỷ niệm 80 ngày thành lập QĐNDVN: Sẽ tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế và mít tinh cấp Nhà nước (26/01/2024)
  + MŨI NÉ VÀO TOP ĐIỂM BAY KHINH KHÍ CẦU ĐẸP NHẤT THẾ GIỚI (02/04/2023)
  + Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: (12/03/2023)
  + Hàng nghìn người khai hội gò Đống Đa xuân Quý Mão (26/01/2023)
  + Hiệp định Paris - thành quả đấu tranh kiên cường, bất khuất và hy sinh to lớn của quân dân Việt Nam (17/01/2023)
  + Cánh đồng Tà Pạ đẹp lạ như phim, dân mạng đang “phát sốt” tìm xem ở tỉnh nào của miền Tây (23/12/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 3
Total: 65203586

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July