25/07/2016
Hà Giang có một phiên chợ rất đặc biệt, đó là phiên chợ bò diễn ra vào ngày chủ nhật hằng tuần ở huyện Mèo Vạc. Phiên chợ ấy không chỉ là nơi để bà con người dân tộc trao đổi buôn bán mà còn giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sản xuất và đặc biệt - đây cũng là một điểm nhấn đáng chú ý để phát triển kinh tế, du lịch địa phương.
Một góc phiên chợ bò Mèo Vạc
Hà Giang, tỉnh vùng cao cực bắc của Tổ quốc không chỉ hấp dẫn du khách bằng vẻ đẹp hùng vĩ của cao nguyên đá tai mèo, mà còn hấp dẫn du khách bởi nét đẹp văn hóa với những buổi chợ phiên của bà con các dân tộc. Trong những phiên chợ bán các sản vật địa phương thì chợ bò của huyện Mèo Vạc họp vào chủ nhật hàng tuần là nét độc đáo của đồng bào Mông, Dao, Lô Lô, Tày.
Phiên chợ đặc biệt của vùng cao
Bà con những bản xa cả chục cây số dắt bò xuống chợ
Nằm trên vùng cao nguyên đá (gồm 4 huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh và Quản Bạ), chợ bò Mèo Vạc được hình thành từ rất lâu, nhưng chỉ thực sự phát triển mạnh khi năm 2000, huyện Mèo Vạc có chủ trương đẩy mạnh phát triển đàn trâu, bò hàng hóa. Chợ bò nằm ở trung tâm thị trấn Mèo Vạc, tại khu sân vận động của huyện.
Đi chợ bò Mèo Vạc phải đi từ lúc sáng sớm. Người bán bò phải dậy từ nửa đêm, lặn lội dắt bò xuống chợ. Người ở xa còn phải lội suối trèo đèo cả chục cây số từ các xã Tát Ngà, Khau Vai, Sơn Vĩ, Sủng Máng... đến thị trấn, nhưng xem ra ai cũng háo hức vui tươi.
Bình quân mỗi phiên chợ ở Mèo Vạc tiêu thụ gần 400 con bò
Tiếng là chợ bò nhưng người ta còn bán cả chó, dê, lợn… Vì thế chợ chẳng lúc nào thiếu hình ảnh mấy chú lợn con mũm mĩm được buộc dây chạy rối rít trông vừa ngộ vừa vui, mấy chú dê thì nằm ngoan ngoãn dưới chân chủ, còn mấy chú chó con thì ngoe nguẩy đuôi chào khách hàng.
5 giờ sáng, chợ đã bắt đầu có tiếng người, lẫn trong âm thanh của núi rừng là tiếng chân bò dồn dập đổ về chợ. Từ xa người đi chợ đã nghe thấy những âm thanh vui tai của lục lặc đeo ở cổ những con bò.
Điều ấn tượng nhất tại chợ bò Mèo Vạc, chính là sự hội tụ gần như đầy đủ những nét sinh hoạt đặc trưng của cuộc sống vùng cao này. Đàn ông và phụ nữ đều mặc trang phục truyền thống. “Bắt mắt” nhất là những bộ quần áo rực rỡ sắc màu của chị em, với những nụ cười e ấp... Trẻ em thì lẽo đẽo theo sau bố mẹ. Có em còn rất nhỏ nhưng đã biết dắt bò, trông bò giúp người lớn.
Đến chợ, du khách sẽ bị “choáng ngợp” bởi cả ngàn con bò xếp hàng ngang đều tăm tắp. Nơi vùng cao giá lạnh là thế, nhưng bà con vẫn nuôi được những con bò khoẻ mạnh, béo tốt, lông vàng óng, trông thật thích mắt. Và có một điều khiến chúng tôi rất trân trọng là phiên chợ đông đúc nhưng không hề thấy sự bon chen, xô đẩy. Không ồn ã chào mời mua, các chủ bò kiên nhẫn cầm chạc chờ khách mua trả giá, nếu thấy vừa ý thì bán không thì dắt bò về để đến phiên chợ sau.
Với đồng bào vùng cao, phiên chợ bò không chỉ là nơi mua bán bò, để khoe nhau cái tài chăm sóc những loại vật nuôi của gia chủ, mà còn là nơi để bạn bè gặp gỡ, trò chuyện, uống với nhau chén rượu sau những ngày lao động cần mẫn.
“Chợ bò” cải thiện đời sống đồng bào
Trong những ngày phiên chợ họp, thương lái các tỉnh dưới xuôi (Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Phú Thọ, Thái Nguyên...) cũng đánh những chiếc xe có tải trọng lớn lên thu mua bò.
Mỗi phiên chợ có cả ngàn con bò được mang tới, rất phong phú, từ con béo mập đến con gầy nhom, từ những con bò đực lực lưỡng đến những chú bê con vừa rời vú mẹ. Người mua cũng đủ mục đích, có người mua làm sức kéo, có người mua về kinh doanh thực phẩm, lại có người mua về vỗ béo và tháng sau lại dắt xuống chợ bán.
Mưu sinh trên cao nguyên đá rất khó nếu chỉ trông vào lúa, ngô. Trồng cỏ hẳn dễ hơn bất cứ loại cây lương thực nào, trong khi đó đầu ra tiêu thụ gia súc đã có nên dân Mèo Vạc đổ xô nuôi bò. Từ khi có chợ bò, đời sống của người dân Mèo Vạc được cải thiện rất nhiều, chăn nuôi được coi là ngành sản xuất chính. Vì đã có đầu ra nên việc chăn nuôi đàn gia súc rất phát triển, hầu như nhà ai cũng nuôi bò, dê, ngựa, đặc biệt là bò thịt.
Bình quân mỗi phiên chợ ở Mèo Vạc tiêu thụ gần 400 con bò. Bò đã dắt xuống chợ bao nhiêu cũng có xe mua đem về xuôi, vì thế những năm gần đây, người dân Mèo Vạc đã hình thành một nghề mới - nghề “vỗ bò”.
Thông thường, một con bò trưởng thành tại chợ bò Mèo Vạc có giá chừng 10 - 14 triệu đồng, đặc biệt có con to và đẹp được bán tới giá gần 20 triệu đồng. Với đồng bào dân tộc, con bò là cả một gia sản, vì thế khi bán xong họ soi tiền, đếm tiền rất tự hào.
Bò được bán rồi, ai nấy đều sảng khoái sà ngay vào hàng thắng cố làm một bát thật to nhắm với thứ rượu ngô đặc sản vùng cao thơm nồng như để tự thưởng cho công sức của mình đã vất vả chăm bẵm con bò trong suốt cả năm qua.
Kim Ngân (tổng hợp)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/toi-ha-giang-ghe-tham-cho-bo-meo-vac-20160706111355562.htm
|