Gỏi mít
|
Món ăn của thời khó khăn
Ngày ấy, cuộc sống còn nhiều khó khăn, trái mít là nguồn thực phẩm thông dụng của nhiều người ở nhà vườn, làm ruộng, đặc biệt là những người dân ở miền núi A Lưới, Nam Đông hay vùng gò đồi Thủy Xuân, Thủy Bằng, Thủy Phương (phía Tây của Huế). Người ta có thể chế biến mít nhiều cách để làm thức ăn với cơm, ăn no như độn khoai sắn vậy. Ngoài việc thưởng thức những trái mít chín vừa ngọt, vừa thơm ngon thì mít còn dùng để kho cá, nấu canh lá lốt, luộc chấm với mắm... trong những bữa ăn ngày mưa tháng gió.
Trong những món được chế biến từ mít, tôi thích nhất là món gỏi mít mẹ làm (hay còn gọi là mít trộn). Tôi vẫn nhớ hồi còn bé, mỗi lần vào vụ mùa, những người thợ gặt làm công cho gia đình tôi thường hay bảo mẹ tôi làm món này để ăn nửa buổi, hoặc ăn xế chiều. Lần nào cũng vậy, món gỏi mít do mẹ tôi chế biến đều được mọi người ăn đến no bụng mà vẫn cứ thèm và không ngớt lời khen ngợi. Chị em tôi bắt chước làm theo, món này dễ làm, nên đến giờ, tôi vẫn còn nhớ. Đôi khi rảnh rỗi, tôi thường tự mình đi chợ về làm món này, để mời bạn bè đến nhậu, thưởng thức hương vị thơm ngon của nó.
Vị riêng gỏi mít
Là một trong những món ăn đồng quê của người dân nông thôn, nên cách chế biến món gỏi mít cũng không cầu kỳ. Trước hết chọn một trái mít non (không được non quá, cũng không được già), đem gọt vỏ, cắt ra thành nhiều miếng, bỏ phần lõi bên trong, rửa sạch, ngâm nước muối rồi luộc cho đến khi mít chín mềm. Sau khi mít chín, để nguội, ráo nước và thái thành sợi nhỏ. Lấy mỡ (hoặc dầu ăn) phi hành cho thật thơm, vàng, giòn, rưới lên mít và trộn đều với vài thìa bột ngọt, tiêu, một ít muối hầm và đậu lạc rang giã dập. Để cho món ăn thơm ngon, không thể thiếu các loại rau mùi như: quế, húng, ngò tàu, lá ớt non, lá đinh lăng, lá mơ... xắt nhỏ rải đều trên mặt. Thế là bạn đã có một đĩa mít trộn rất hấp dẫn. Nếu có điều kiện, thì tô điểm thêm bằng một dúm tôm khô rang vàng hay mực khô thái sợi trộn vào. Trên thực tế, thiếu hai loại phụ gia này cũng chẳng làm giảm độ thơm ngon của món gỏi mít.
Cách ăn gỏi mít phổ biến nhất là dùng tay bẻ bánh tráng nướng để xúc, nếu nhạt thì chấm với nước mắm (đã pha chế với ớt, tỏi, chanh, đường...). Miếng bánh tráng mè đen giòn sần sật hòa quyện với vị lạc rang bùi, thịt tôm he béo ngậy, mít non thơm nồng... tạo thành một nét đặc trưng riêng, đầy đủ các vị chát, cay, mặn, ngọt ăn mãi không thấy ngán.
Vũ Hào (Làng Việt)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/mot-thoi-goi-mit-20160404155034238.htm