Chọi dê không đơn thuần chỉ là một trò chơi mà còn có ý nghĩa tâm linh: đó là sự cầu mong may mắn cho gia chủ, may mắn cho cả vùng, cầu mong cho một năm mùa màng bội thu và hơn thế nữa, hoạt động này còn như một sự chọn lựa, bảo tồn nguồn gen quí của giống gia súc đã gắn bó với đồng bào dân tộc vùng cao.
Chọi dê ở Hà Giang
|
Con dê gắn liền với đời sống
Hà Giang là nơi sinh sống của 16 dân tộc anh em với những nét văn hóa truyền thống vô cùng đa dạng. Cuộc sống mưu sinh phải chống chọi với những khắc nghiệt của tạo hóa, nên đồng bào các dân tộc nơi đây chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi gia súc. Trong suốt cuộc mưu sinh trên núi cao, con dê luôn là con vật giúp đồng bào thoát nghèo, làm giàu. Con dê dễ nuôi, dễ chăn thả và phù hợp với địa bàn sống của cư dân nơi đây.
Trong mỗi đàn dê thường có một con đực là đầu đàn, giữ vai trò như một thủ lĩnh nhưng không phải để bảo vệ bầy đàn mà chủ yếu là giữ vai trò duy trì nòi giống, bởi dê là một trong những loài động vật có khả năng tính dục cao. Cùng với việc nuôi dê, từ xa xưa người dân ở đây vẫn thường cho dê chọi nhau, một mặt để giải trí nhưng ẩn chứa sau đó là quan niệm về sự sinh sôi nảy nở và sự trường tồn giống nòi.
Việc tổ chức lễ hội chọi dê độc đáo này ngoài việc góp phần bảo tồn các vốn văn hóa, thể thao truyền thống, còn thúc đẩy phong trào chăn nuôi trong các hộ gia đình, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế của địa phương.
Lễ hội chọi dê được hình thành với mục đích thông qua những cuộc thi để chọn ra những con dê giống tốt nhất. Đây cũng là nét văn hoá mới, giải trí lành mạnh, là dịp để khẳng định thành quả lao động của đồng bào sau một năm lao động vất vả; cũng là dịp để đồng bào giao lưu học hỏi, chia sẻ với nhau kinh nghiệm chăn nuôi dê và gia súc để phát triển đàn dê trong cộng đồng, để mùa sau có được thành quả lớn hơn. Lễ hội còn là dịp để đồng bào các dân tộc nơi đây thể hiện tinh thần đoàn kết khi họ cùng nhau sinh sống trên một địa bàn, một rẻo đất.
Để chuẩn bị cho giải đấu, chủ dê phải chăm chút cho những con dê của mình suốt một năm, những con dê được chọn phải có tuổi đời 3 năm trở lên, thể lực tốt, thân hình lực lưỡng, có râu dài, sừng cao, giống tốt nhất và phải có nguồn gốc rõ ràng, sống tại địa phương và được các cán bộ thú y thẩm định kĩ lưỡng tuyệt đối không mang dịch bệnh. Từ đó, người dân sẽ chọn ra những con dê to khỏe và đẹp nhất làm con đầu đàn có vai trò bảo vệ đàn dê, duy trì nòi giống.
Đối tượng tham dự lễ hội là các hộ gia đình, cá nhân đang công tác, hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn các xã, bản có dê chọi tốt, thuộc sở hữu của gia đình được đăng ký tham gia; tuy nhiên mỗi xã không quá 2 con. Các cặp dê tham gia giải phải được qua sơ tuyển tại các xã, thị trấn trước khi tham gia lễ hội cấp huyện ít nhất 20 ngày.
Tại vòng chung kết lễ hội chọi dê, sẽ chia ra các hạng cân tranh tài (ví dụ từ 25 đến 30kg, từ 31 đến 35 kg, từ 36 đến 40 kg, từ 41 đến 50 kg, từ 51 kg trở lên). Để có thể góp mặt tại vòng chung kết diễn ra tại sân vận động trung tâm của huyện, các “võ sĩ” dê phải trải qua vòng đấu loại trực tiếp tại các thôn bản để chọn ra những “võ sĩ” anh dũng nhất đại diện cho địa phương tham dự giải.
Mùa Xuân đi xem chọi dê
Lễ hội chọi dê thường được tổ chức vào mùa Xuân, gắn liền với những lễ hội truyền thống như lễ Gầu Tào, lễ Lồng Tồng… và thường được tổ chức ở các xã có truyền thống nuôi dê như xã Lũng Cú, Lũng Táo, Sính Lủng… Cuộc thi chào đón sự hiện diện của mùa Xuân ấm áp, mừng một năm no ấm về với từng bản làng, cầu cho năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhà nhà khỏe mạnh.
Một màn đối đầu dũng mãnh giữa hai “cụ” dê
|
Sới chọi dê được tổ chức đơn giản trên một khu đất bằng phẳng trên sườn núi được giới hạn bởi hàng cọc tre, chăng dây thừng bao quanh khu vực thi đấu. Những chú dê được đánh số và sẵn sàng cho những trận chiến khốc liệt.
Trong lễ hội này, những con dê hàng ngày được đồng bào dân tộc chăn thả sẽ trở thành những đấu sĩ dũng mãnh với những pha chiến đấu nảy lửa chẳng kém những chú trâu chọi. Ai cũng mong muốn chú dê của mình giảnh giải để may mắn cho một năm chăn nuôi.
Những chú dê núi thường ngày thơ thẩn kiếm ăn trên các sườn núi, nay được chủ nuôi dưỡng, chăm sóc chu đáo và dạy cho những miếng đòn để đem đi tranh giải trông thật dũng mãnh. Thường ngày hiền lành là thế nhưng khi đã “xung trận”, các “võ sĩ” đã hoàn toàn “lột xác” với những ánh mắt sắc lẹm, những miếng võ điêu luyện hay đòn đánh hiểm hóc, những cú bổ lao dũng mãnh hay màn khóa sừng, lừa miếng rồi bật cao dồn sức tấn công nhằm áp đảo đối phương để giành điểm chiến thắng. Dưới sự hò reo, cổ vũ nhiệt tình của khán giả đã làm cho sới chọi càng trở nên nóng bỏng, các chú dê hăng máu tung ra những miếng đòn hiểm ác nhằm hạ gục đối phương.
Không những thế, bằng những câu khẩu lệnh của chủ dê như: lùi lại, nhẩy lên, lao vào, đánh… liên tục hô lên trong suốt trận đấu càng làm cho không khí của các trận đấu thêm căng thẳng và náo nhiệt. Thời gian quy định cho mỗi trận đấu là 15 phút nhưng có những cặp đấu dai sức và lỳ đòn thì có trận kéo dài đến 30 – 40 phút. Với bản năng mãnh liệt của loài dê trong việc chọn lọc và duy trì nòi giống nên các trận đấu không chỉ có sức mạnh về thể lực mà còn thể hiện cả bản lĩnh của những chú dê đầu đàn.
Cuộc thi nào cũng có kẻ thắng, kẻ thua, nhưng khác với hội thi chọi trâu, kết thúc hội chọi dê, những chú dê dù thắng hay thua, vẫn lẽo đẽo theo chân chủ vượt núi về nhà mà không bị xẻ thịt… Còn những chú dê đoạt giải cao sẽ được lựa chọn phối giống để giữ nguồn gen quý.
Hội chọi dê của đồng bào trên cao nguyên đá Đồng Văn mỗi dịp Xuân về thể hiện sức sống đang trào dâng nơi địa đầu của Tổ quốc. Xuân này về vùng cao Hà Giang xem chọi dê chắc chắn sẽ là một khám phá thú vị cho du khách và bạn bè quốc tế thêm hiểu, thêm yêu đất nước giàu về bản sắc, hữu tình về cảnh quan và thân thiện từ những trò chơi, lễ hội trong ngày Tết đến Xuân về.
Phương Thảo (tổng hợp)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/dau-xuan-xem-choi-de-o-ha-giang-20160314090146234.htm