Một tờ lịch ngày xưa
|
Việc trông coi Khâm Thiên Giám gồm các vị quan Giám chính, Giám phó, Linh Đài lang… dưới sự quản lý của một đại thần do nhà vua bổ nhiệm, hay kiêm nhiệm. Làm việc cùng với Khâm Thiên Giám là Quan Tượng Đài - nơi quan sát các hiện tượng thiên văn, dự đoán thời tiết.
Những dấu tích xưa
Đầu thế kỷ XX, Quan Tượng Đài (còn gọi là Nam Đài) không cần thiết nữa, vai trò của Khâm Thiên Giám chỉ rút gọn lại trong việc làm lịch và coi ngày tốt xấu, coi đất, chọn huyệt… Vì vậy, đến đời vua Duy Tân (1907 - 1916), Khâm Thiên Giám dời khỏi Nam Đài, về khu Bộ Học trên đường Hàn Thuyên ngày nay và đóng đô ở đó đến tháng 8/1945. Hiện vẫn còn dấu tích của Khâm Thiên Giám là chiếc cổng vòm rêu phong ở đường Hàn Thuyên, trồng đầy cây mù u trong thành nội Huế.
Đài thiên văn thuộc Khâm Thiên Giám tên gọi là Quan Tượng Đài, ra đời vào năm 1836, dưới thời Minh Mạng, Nó nằm ở vị trí góc thành phía Nam kinh thành Huế (nên còn gọi là Nam Đài), Đài có hình tháp cụt, cao hơn mặt thành 5,9m, những chân đài bị chiến tranh phá hủy năm 1968 chính là dấu tích của đình Bát phong. Sử sách nhà Nguyễn không ghi rõ về địa danh này, nhưng Léopold Cadière đã viết về Nam Đài trong tập san “Đô thành hiếu cổ” (Bulletin des Amis du vieux Hue): “Muốn lên Đài, phải leo một cái dốc thoai thoải lát đá. Đài chỉ là một cái nhà nhỏ (tên gọi là đình Bát phong) hình bát giác, chung quanh để trống hoác, đứng chơ vơ trên mặt thành. Từ nơi cao như thế, có thể nhìn thấy làng Vạn Xuân, Kim Long, cầu Dã Viên, cầu Bạch Hổ, Xa Xa là núi Ngự Bình, núi Kim Phụng, con đường dọc bờ sông Hương dẫn đến Thiên Mụ Tự”.
Khâm Thiên Giám làm việc với những khí cụ do vua ban (đều là đồ ngoại nhập mua từ Trung Hoa hay các nước Tây phương), nào chuông định giờ, thước đồng, cây đo bóng mặt trời, đồng hồ cát, phong vũ biểu, chậu hứng nước mưa để đo vũ độ, thiên lý kính, bản đồ thiên văn…Hầu hết sách chuyên môn để các quan nghiên cứu, tham khảo và huấn luyện lại là sách…Tàu, nhưng họ cũng học cách tính toán sự chuyển động của các thiên thể trong Thái Dương hệ, theo cách Tây Phương. Tuy sở học “Tây - Tàu bất nhất” như vậy, nhưng các quan Khâm Thiên vẫn tính toán được ngày giờ, nhật thực, nguyệt thực, sao chổi khá chính xác, để trình lên nhà vua hàng tháng trước. Sau đó, thông báo cho các địa phương sẽ xảy ra các hiện tượng ấy, để họ quan sát, theo dõi và báo cáo về triều.
Những câu chuyện từ lịch xưa
Các quan Khâm Thiên Giám phần nhiều dự báo đúng, nhưng cũng có trường hợp tính sai, sai nhỏ sẽ bị khiển trách, sai lớn sẽ bị phạt nặng. Trong “Đại Nam hội điển sự lệ” chép rằng: Ngày cũng như đêm, Khâm Thiên Giám phải có người trực, được trang bị đồng hồ cát để lo báo giờ. Ban ngày, trực tại nhà Tả Vu điện Cần Chánh, ban đêm thì trực tại Ngọ Môn. Họ xem đồng hồ cát và báo cho Ty Kỳ cổ (đánh trống lệnh) để làm các hiệu lệnh thời khắc nhập canh, giao canh, tan canh. Vua Minh Mạng thức khuya đọc sách, thấy mấy lần đã đánh trống sai, canh dài, canh ngắn. Sau vài lần cảnh cáo, vua lệnh đánh tất cả nhân viên trực đêm mỗi người 80 trượng. Cả hai vị quan Giám chính và Giám phó đều bị khiển trách, trừ lương.
Vua quan nhà Nguyễn tin những hiện tượng nguyệt thực, nhật thực, sao chổi xuất hiện là điềm không lành. Dưới triều Tự Đức thứ hai (1848), Thượng thư bộ Hình Trương Quốc Dụng - kiêm chức Giám chính, đã dự báo đúng nhật thực sẽ xảy ra vào giờ ngọ ngày mùng một Tết. Tin rằng đó là một dấu hiệu cảnh cáo của Trời, vua Tự Đức chỉ ở trong cung trai giới, ra lệnh cho các hoàng hậu, hoàng thân quốc thích, quan lại khắp nơi không được bày yến tiệc vui chơi.
Sự kiện như thế vẫn chưa đáng sợ bằng sự xuất hiện của sao chổi. Năm Ất Dậu (1825), vua Minh Mạng thấy sao chổi mọc lâu chưa lặn, liền cho cắt giảm các món trong bữa ăn hàng ngày, bỏ các cuộc vui chơi, ca hát… Sai phái Bộ Lễ đi tuần tra các địa phương xem có việc gì oan khuất…
Phân loại lịch
Về làm lịch, thời Nguyễn có Thượng thư Nguyễn Hữu Thận nổi tiếng giỏi chuyên môn. Ông làm “Ngự lịch” là lịch đặc biệt dâng lên cho vua, “Quan lịch” là lịch dành cho các quan, và “Dân lich” là lịch ban phát xuống các làng xã. Ngoài ra còn “Long phụng lịch” là thứ lịch đặc biệt, chỉ để thờ tại các miếu trong đại nội (Thái Miếu, Thế miếu, Hưng miếu, Triệu miếu) và thờ tại các lăng tẩm nhà vua.
Về hình thức, cuốn ngự lịch ruột vẫn đóng theo kiểu sách cổ, nhưng bìa làm bằng một tấm lụa màu vàng, thêu rồng mây liền từ sau ra trước gọi là “Đoạn bát ty”. Ở giữa có một cái nhãn, cũng băng chất liệu đoạn, màu hoa đào, thêu nổi hai chữ “Ngự lịch”. Kỹ thuật in lịch là dùng mộc bản gỗ thị khắc chữ, mỗi bản in một tờ. Mỗi năm Khâm Thiên Giám phải cung cấp lịch cho cả nước, các làng xóm xa xôi đều có phần. Đường sá khó khăn, phương tiện vận chuyển thô sơ, vào năm 1809, vua Gia Long cho các địa phương báo cáo về Bộ Hộ số lịch tiêu chuẩn. Bộ Hộ chuẩn bị từ đầu tháng Tư, Bắc thành (Hà Nội) và Gia Định Thành sẽ cử người đến Khâm Thiên Giám - Huế nhận bản thảo, đem về tự khắc và in.
Đến tháng Mười, lại cử người đến kinh thành nhận bìa lịch có đóng ấn của Khâm Thiên Giám (Ấn Đại Nam Hiệp Kỷ lịch chi bảo). Đóng lịch xong, phải chờ đến ngày Triều đình làm lễ “Ban sóc”, thì các nơi mới làm lễ “Thọ lịch” và ban phát lịch. Các vua thời Nguyễn xem lịch tiết gắn bó mật thiết với đời sống nông dân, nên lễ “Ban sóc” tổ chức rất long trọng. Cuốn lịch cuối cùng của Khâm Thiên Giám triều Nguyễn là “Đại Nam Bảo Đại nhị thập niên tuế thứ - Ất Dậu hiệp kỷ lịch” (1945).
Vũ Hào (Làng Việt)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/tet-xua-lam-lich-20160216090922201.htm