Huế giống như người con gái đương độ trăng tròn, e ấp, yêu kiều với chất thơ lắng dịu, hồn hậu tỏa ra từ dòng Hương Giang êm đềm, thơ mộng nhưng vẫn tỏa ra nét đẹp cổ điển của những lâu đài, thành quách u hoài cổ tịch. Không phải tự nhiên mà Huế đã trở thành “nàng thơ” của biết bao trái tim người nghệ sĩ:
“Vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được
Nét dịu dàng pha lẫn trầm tư”.
Cho đến tận bây giờ, Huế vẫn ôm ấp, nâng niu, giữ gìn những bản sắc, giá trị lịch sử, văn hóa đã trở thành niềm tự hào của người dân xứ Huế nói riêng và người Việt nói chung.
Trong suốt gần 400 năm lịch sử, từ năm 1636, Huế đã trở thành thủ phủ - trung tâm kinh tế-chính trị-văn hóa của 9 đời chúa Nguyễn ở Đàng Trong, kinh đô của triều đại Tây Sơn và cũng là kinh đô của nước Việt Nam thống nhất dưới sự trị vì của 13 đời vua nhà Nguyễn.
Ngày nay, Cố đô Huế vẫn khẳng định vị thế cố đô xưa khi mang trong mình những tinh hoa văn hóa, kiến trúc dân tộc với những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của nhân loại. Không phải bỗng nhiên mà khi nhắc tới Huế, người ta thường nghĩ ngay đến những công trình thành quách, cung điện nguy nga, đền đài miếu vũ lộng lẫy, lăng tẩm uy nghiêm bên cạnh nét u tịch trầm mặc nhưng đầy thơ mộng của những thắng cảnh thiên tạo. Nhưng Huế nào chỉ có những công trình kiến trúc khiến người đời sau phải trầm trồ, những thành tựu về văn hóa như Nhã nhạc cung đình hay tinh hoa ẩm thực Huế cũng đang dần khẳng định giá trị của mình trong tinh hoa văn hóa dân tộc.
Tinh hoa kiến trúc Cố đô
Nằm giữa lòng thành phố, một biểu thị cho quyền uy của chế độ trung ương tập quyền nhà Nguyễn vẫn sừng sững, uy nghi giữa biết bao biến cố lịch sử và biến động thời gian. Đó là Đại Nội Huế - biểu tượng cho thành tựu kiến trúc của triều đại nhà Nguyễn. Được xây dựng đầu thế kỉ 19, trên một mặt bằng diện tích hơn 500 ha, Đại Nội được chia thành hai phần chính là Hoàng Thành và Tử Cấm Thành. Hệ thống thành quách ở đây là một mẫu mực cho sự kết hợp hài hòa tinh tế giữa tinh hoa kiến trúc Đông và Tây. Hoàng thành được giới hạn bởi một vòng tường xấp xỉ 600 m với 4 cổng ngự ở 4 hướng: Cổng chính Ngọ Môn (cổng Nam), Hiển Nhơn (cổng Đông), Chương Đức (cổng Tây) và Hòa Bình (cổng Bắc). Tường thành xây bằng gạch to, cao 4 m, dày 1 m, được bao quanh bên ngoài bởi hào nước với 10 chiếc cầu bắc qua. Bên trong Hoàng Thành chính là Tử Cấm Thành, nơi sinh hoạt của vua chúa và con cháu hoàng tộc. Khi mới xây dựng, Đại Nội có hơn 100 công trình kiến trúc lớn nhỏ, nhưng trải qua thời gian cùng sự tàn phá của 2 cuộc chiến tranh, số công trình nguyên vẹn còn lại chưa đầy một nửa nhưng vẫn sừng sững vẻ uy nghi quyền thế của một triều đại phong kiến trong lịch sử dân tộc.
Nằm ở ngoại thành về phía Tây, hệ thống lăng tẩm được coi là trung tâm quyền lực, biểu tượng cho quyền uy vua chúa nhà Nguyễn, cũng là thành tựu của nền kiến trúc bậc nhất thời kì nhà Nguyễn. Bất cứ vị vua nào cũng đều tâm niệm rằng “thứ nhất dương cơ, thứ nhì âm phần” nên khi mới đăng cơ kế vị, việc đầu tiên chính là xây lăng tẩm cho chính mình. Lăng vua không chỉ là nơi yên nghỉ của đế vương, mà còn là nơi cảnh vật non nước hữu tình cho chủ nhân thưởng ngoạn khi còn sống. Huế có tất cả 7 lăng tẩm, mỗi lăng lại thể hiện một tính cách, một đặc điểm riêng biệt của mỗi vị vua thời nhà Nguyễn. Nếu như Lăng vua Minh Mạng uy nghi bình chỉnh, đăng đối giữa rừng núi hồ ao được tôn tạo khéo léo thể hiện hùng tâm đại chí của một chính trị gia kiệt xuất, thì Lăng Gia Long lại là sự kết hợp giữa vẻ đẹp mộc mạc nhưng không kém phần tráng lệ giữa núi rừng trùng điệp, hừng hực khí thế của một chiến tướng trải qua trăm trận sinh tử. Nếu Lăng Tự Đức thơ mộng, trữ tình với khung cảnh tựa bức tranh thủy mặc gợi đến tâm hồn thi vị nhưng có phần yếu ớt của một thi nhân thì Lăng Thiệu Trị lại thâm nghiêm và yên tĩnh đến u tịch.
Bên cạnh những công trình kiến trúc là biểu tượng sừng sững cho triều đại nhà Nguyễn, Huế còn gìn giữ những thành tựu kiến trúc thể hiện đời sống văn hóa của nhân dân trong suốt quá trình phát triển. Điện Hòn Chén hay Chùa Thiên Mụ tuy là công trình phục vụ tôn giáo nhưng đã trở thành niềm tự hào về kiến trúc văn hóa của người dân xứ Huế xưa và nay. Điện Hòn Chén được xây dựng từ thế kỉ 16, tọa lạc trên núi Ngọc Trản, là đền thờ Thánh mẫu Thiên Y Ana. Hòa cùng khung cảnh thiên nhiên hữu tình của non nước xứ Huế, điện Hòn Chén đã trở thành một danh lam mà bất cứ du khách nào đến Huế cũng muốn một lần đặt chân đến. Chùa Thiên Mụ được xây dựng bởi chúa Nguyễn Hoàng vào năm 1601 trên đồi Hà Khê, là một trong những ngôi chùa cổ nhất còn tồn tại ở đây. Đến thăm chùa Thiên Mụ, không ai là không khỏi trầm trồ trước vẻ đẹp tráng lệ của tháp Phước Duyên - biểu tượng của chùa, cao 21 m gồm 7 tầng, bên trong có cầu thang hình xoắn ốc dẫn lên tầng trên cùng. Chùa Thiên Mụ không chỉ là ngôi chùa linh thiêng mà còn là một thắng cảnh non nước thơ mộng thu hút du khách thập phương đến vãn cảnh chùa.
Nhã nhạc cung đình Huế
Nhã nhạc là loại hình âm nhạc cung đình, là nhạc chính thống của triều đình được dùng ở các cuộc lễ tế giao, các dịp triều hội, là sự kết hợp giữa Lễ và Nhạc. Không phải đến triều đình nhà Nguyễn Nhã nhạc mới ra đời, mà có thể nói, có triều đình phong kiến là có Nhã nhạc. Nhưng phải đến triều đại Lý Trần, Nhã nhạc mới hình thành và có sự phát triển rõ rệt. Đến thời kì nhà Nguyễn, Nhã nhạc đạt đến đỉnh cao với những thành tựu, nhạc phẩm được cất giữ và lưu truyền cho đến ngày nay. Sử sách nhà Nguyễn ghi lại có đến 12 cuộc lễ, mỗi cuộc lễ đều ghi đầy đủ các bài ca chương và có 126 bài ca chương ghi đầy đủ lời ca nguyên gốc và bản dịch. Phần nhạc khí gồm 6 dàn nhạc: Nhã nhạc, Nhạc huyền (bộ nhạc treo), Đại nhạc (cổ xúy đại nhạc), Tiểu nhạc (Ti trúc tế nhạc), Ty chung và Ty khánh (dàn nhạc chuông và khánh đá), Quân nhạc (đội bả lệnh). Các dàn nhạc trên đều có các nhạc khí cụ thể và không dưới 30 chủng loại với số lượng hàng trăm nhạc khí. Chỉ có những nhạc công, ca công và vũ công tài ba nhất của đất nước được tuyển chọn để diễn Nhã nhạc cung đình. Nhã nhạc ra đời là sự kết hợp kì diệu với đại lễ cung đình, trở thành tiếng nói kì diệu có khả năng giao cảm với thần linh, đất trời, đồng thời cũng mang giá trị chính trị lớn lao.
Ngày nay, dàn nhạc, ca chương, vũ khúc của Nhã nhạc có thể sử dụng ở các hình thức diễn xướng khác nhau trong các dịp như: Festival Huế, lễ hội dân gian, lễ hội Phật giáo, trong các nghi thức ngoại giao và đặc biệt biểu diễn phục vụ khách du lịch. Có lẽ ta vẫn chưa thể nói đã đến Huế khi chưa một lần đắm mình trong những làn điệu trầm bổng thanh thoát, lễ nghi trang trọng, những câu hò Nam ai, Nam bình sâu lắng đất cố đô của một di sản văn hóa âm nhạc “cổ điển bác học Việt Nam” trên dòng Hương giang êm đềm thơ mộng.
Tháng 12/2003, Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận Nhã nhạc cung đình Huế là di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Với sự công nhận này, Nhã nhạc đã trở thành niềm tự hào của dân tộc Việt Nam trước bạn bè thế giới khi sở hữu một di sản nghệ thuật mà ít quốc gia có được và lưu truyền đến ngày nay. Giá trị lớn lao ấy đã trường tồn cùng dân tộc trong mấy trăm năm lịch sử và giờ đây, giá trị ngày càng được khẳng định khi nó được cả nhân loại tôn vinh.
Tinh tế ẩm thực xứ Huế
Không đa dạng như lối ẩm thực miền Bắc, không phồn thực như ẩm thực phía Nam, ẩm thực Huế mang một chiều sâu riêng giản dị, mộc mạc mà cũng rất tinh tế, xa hoa. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, ẩm thực Huế được tạo nên từ ba loại chính: các món chay, ngự viện và dân dã.
Trong cung đình, người ta tổ chức mỗi bữa ăn thành một “phương thang” để vừa bổ dưỡng, vừa chữa bệnh. Sử sách chép lại rằng, việc tổ chức món ăn được quy định rõ ràng cho từng loại tiệc như tiệc tiếp sứ bộ có ba loại: loại một mâm gồm 50 món, loại 7 mâm gồm 40 món, loại 25 mâm gồm 30 món… Những món ấy được trình bày tỉ mỉ, khéo léo trong 1080 bát, đĩa chỉ dùng trong vương phủ. Các món ngự viện đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo, đạt độ cân bằng về dinh dưỡng, độ tinh tế, thanh nhã nhưng không kém phần đậm đà của mùi vị.
Bên cạnh ngự viện, các món chay cũng trở thành đỉnh cao của nền ẩm thực Huế. Từ những nguyên liệu thực vật đơn giản, kiêng kị động vật, qua bàn tay tài hoa của đầu bếp, những món chay trở thành chả quế, nem cuốn, thịt heo quay… mà nếu không phải dân sành ăn chưa chắc đã nhận ra sự khác biệt. Huế từng là trung tâm của Phật giáo dưới triều Nguyễn. Các chúa Nguyễn lấy Phật giáo làm Quốc giáo và cả hoàng tộc đều theo đạo Phật. Không chỉ có nhà chùa ăn chay mà ngay cả tầng lớp quý tộc và các gia đình Phật tử cũng ăn chay ít nhất 2 lần mỗi tháng. Bởi thế mà thực đơn món chay ở Huế vô cùng phong phú và đạt đến độ tinh tế, tài hoa.
Nhưng có lẽ, ẩm thực Huế thu hút nhất lại là ở sự mộc mạc, giản dị nhưng đầy tinh tế của những món ăn dân gian. Món ăn Huế tuy bình dị nhưng lại mang hương vị thơm ngon đằm thắm của sản phẩm nơi đồng ruộng, núi sông. Bất cứ ai đến với Huế đều khó có thể chối từ những chiếc bánh bèo nhỏ xíu như chực tan nơi đầu lưỡi, những lá bánh nậm mỏng tang hay tô bánh canh Nam Phổ được bày biện như một bức tranh nghệ thuật, để rồi hương vị Huế cứ ngấm dần, lan tỏa dần và cuối cùng đọng lại trong tâm trí không thể quên.
Ngày nay, phong cách nấu ăn Huế đã trở thành một trong những giá trị của ẩm thực Việt khi cả nước có trên 3 000 món ăn thì đến 1700 món nấu theo kiểu Huế. Giờ đây, người ta không cần đến Huế mới thưởng thức được món Huế và hương vị Huế đã có mặt ở hầu khắp 3 miền: Bắc, Trung, Nam. Điều này chính là minh chứng rõ ràng nhất cho giá trị và sức hút của ẩm thực cố đô. Nhưng dù thế nào, được ăn món Huế do chính tay người Huế chế biến, được thưởng thức món Huế trong khung cảnh hữu tình của Huế, ta mới có thể “thấm” cái hương, cái vị tinh tế của món ăn nơi đây – một trải nghiệm khó lòng tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác.
Có thể nói, hiếm có nơi đâu mọi yếu tố để phát triển du lịch lại hội tụ đầy đủ như ở mảnh đất Cố đô. Khung cảnh thiên tạo đẹp đến mê lòng, công trình nhân tạo nguy nga, tráng lệ, là đỉnh cao của nền kiến trúc Việt thời phong kiến làm du khách từ phương xa tới nơi đây không khỏi xao động. Cùng với quần thể di tích Cố đô, Huế cũng là nơi duy nhất ở nước ta còn lưu giữ được loại hình âm nhạc truyền thống Nhã nhạc cung đình Huế, một kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Phát huy lợi thế ấy, thành phố của những di sản và lễ hội đã có những bước quy hoạch và phát triển du lịch toàn diện, bền vững, trở thành trung tâm văn hóa, du lịch lớn của cả nước, đưa Huế trở thành tâm điểm thu hút số lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước.
Thanh Trúc
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/dat-nuoc-con-nguoi/net-tinh-te-diu-dang-mang-ten-hue-20160122162341406.htm