Theo thông lệ, đúng ngày 2 tháng 2 Âm lịch hằng năm, bà con khắp nơi lại nô nức kéo nhau về thôn Thụt, xã Phù Lưu (Hàm Yên, Tuyên Quang) để dự “phiên chợ mỗi năm chỉ có một lần”.
Trong dòng người tấp nập ấy, những bộ váy, áo trang phục truyền thống của người Dao, người Tày, người Mông hòa quyện tạo nên một bức tranh quê mộc mạc và sinh động giữa miền sơn cước.
Các sản phẩm thổ cẩm được bày bán tại chợ (Ảnh: Minh Kỳ)
|
Ông Khổng Xuân Lộc (thôn Niểu, xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên), cán bộ lão thành năm nay đã gần 80 tuổi, kể: “Phiên chợ bắt nguồn từ hội ném còn đầu năm (dân tộc Tày gọi là lồng tồng), cầu cho mưa thuận gió hòa, dân cư an lạc. Ông nội tôi bảo khi ông lớn lên đã thấy có chợ Thụt rồi".
Chợ Thụt họp trên con đê kéo dài gần 1km với đủ các mặt hàng bày bán: váy, áo thổ cẩm, đồ trang sức, dao, liềm và đủ các loại bánh… Nét độc đáo của phiên chợ là “người mua không mặc cả, người bán không nói thách”, họ “bán điều rủi, mua điều may” nên bất kể ai đến chợ đều mua một thứ gì đó.
Bà Vi Thị Vàng, 90 tuổi, dân tộc Dao, thôn Khau Lình, xã Phù Lưu, cho biết: “Tôi chưa bỏ phiên chợ Thụt nào. Cũng nhờ phiên chợ này mà tôi gặp ông nhà tôi, rồi nên duyên vợ chồng. Ông ấy đã mất được gần 20 năm nay để lại mình tôi và cả cả đàn cháu chắt. Chân tay giờ đã lóng ngóng lắm rồi nhưng hôm nay tôi vẫn nhờ đứa chắt dẫn cùng đi chơi chợ. Tôi muốn tự tay chọn mua một cái cuốc hay một con dao để mong cho cả gia đình đạt bội thu trong năm”.
Các gian hàng bán hàng nông cụ và vật dụng gia đình (Ảnh: Minh Kỳ)
|
Không chỉ là nơi để bà con mua các vật dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống hằng ngày, đây còn là cơ hội để các chàng trai, cô gái Dao, Tày, Mông đến hò hẹn, ca hát và kết thành đôi lứa.
Chàng trai Mông Thào Seo Xuân, thị trấn Vĩnh Tụy, huyện Bắc Quang (Hà Giang), tâm sự: "Mình cùng các bạn xuống chợ chơi với mong ước tìm được người yêu. Năm nay chưa tìm được người yêu nhưng năm tới mình cũng sẽ tiếp tục xuống chợ. Chợ đông vui lắm! Chẳng ai chen lấn, xô đẩy cả. Đi chợ Thụt cứ vui như đi trẩy hội vậy!".
Minh Kỳ (theo TTO)