Hơi ấm bếp lửa ngày đông
|
Từ ngàn xưa, chái bếp quê luôn là hình ảnh gắn chặt với đời sống nông thôn và người nông dân. Thuở nhỏ còn ở làng, tôi chẳng biết bếp gas, bếp điện là gì, mọi sinh hoạt ăn uống cứ gắn liền với cái bếp củi. Lúc ấy, cứ tới mùa lạnh đi học về là tôi lại tót vào bếp lửa hồng để huơ ấm khắp người bởi áo ấm dày cộm ngày đó là một thứ xa xỉ.
Nhớ mùa này, những chú mèo mướp trốn vùi bên đống tro trong chái bếp quê. Suốt ngày thấy chú mèo lim rim trong đó để trốn cái màn mưa ngoài ngõ và giá rét bủa vây. Mỗi lần mèo đứng vươn mình là mỗi lần tro bụi phất phơ tứ tung khắp gian bếp làm nội ho sặc sụa, càm ràm suốt buổi. Nấu nướng bằng bếp củi không phải là điều đơn giản, nhất là công đoạn nhóm lửa.
Vào mùa mưa người nông dân phải chuẩn bị sẵn lá khô, thường là lá dương liễu hoặc bạc hà để lửa dễ bén. Phải biết kê cây củi to để lửa cháy đượm, đồ ăn không bị hun khói. Nhiều lúc lửa tắt phải cặm cụi dùng một cái ống thổi để thổi liên tục trong màn khói ho sặc sụa.
Bếp lửa thân thương với con người, cùng trải qua cuộc sống khốn khó ở làng quê. Chính từ những yêu thương, xúc cảm đó mà nhà thơ Bằng Việt từng sáng tác bài thơ để đời “Bếp lửa” với những lời thơ chan chứa như: “Một bếp lửa chờn vờn sương sớm/Một bếp lửa ấp iu nồng đượm/Cháu thương bà biết mấy nắng mưa” trường tồn cùng thời gian.
Những ngày trái gió trở trời, những cậu bé mục đồng vẫn hè nhau chụm lại tìm rơm rạ đốt lửa rực một góc ruộng để sưởi ấm những đôi tay đang co ro vì giá rét. Trong dưới đốm lửa đó có thể là củ khoai, trái bắp “bẻ vội” từ cánh đồng bên cạnh, nhưng nướng lên đứa nào cũng ăn ngon thòm thèm.
Bây giờ, làng xóm cũng đổi thay. Người xa quê ít ai còn nhớ cái thời khốn khó... nhưng không thể quên những hình ảnh chái bếp quê. Nhiều lúc họ có thể quên mất cách nhóm lửa, khói hun nhèm cay xè khóe mắt. Nhưng tình quê một thuở vẫn đang dâng trào trong ký ức mỗi người.
(Dân Việt)