Đó là thứ rau quen thuộc của người dân quê anh. Món ăn của những ngày đói, những ngày mưa, những ngày bão giá và cả những ngày đầu tắt mặt tối. Có nơi gọi là rau vặt, có nơi gọi rau lộn xộn, rau thập cẩm, rau dại.
ảnh minh họa
Xa quê lâu năm không được ăn canh rau tập tàng mẹ nấu lại thấy nhớ vô cùng.
Rau tập tàng không bán bằng bó, bằng nắm, cũng chẳng cần cân, đong, mà bán bằng mớ vậy đó! Ngày tết nhiều cá thịt hay ngày hè oi ả, nóng nực; lúc say bia, rượu miệng đắng chát, anh lại thèm ăn món canh rau tập tàng.
Anh nhớ ngày còn nhỏ có lần hỏi mẹ: “Rau tập tàng là rau gì? Nhà mình đâu có trồng rau tập tàng bao giờ?”.
Mẹ anh cười hiền: “ Các loài rau trộn lẫn với nhau dùng để nấu canh gọi là rau tập tàng”.
Rau tập tàng phần nhiều tự nhiên mà mọc, chẳng cần ai trồng và chăm bón gì cả. Loài rau lành ấy dễ kiếm lắm!
Mẹ anh cắp cái nón bên hông ra vườn, chẳng mấy chốc trong nón mẹ chẳng thiếu một thứ rau gì. Những rau muối, rau sam, rau dền, rau khoai. Những rau ngót, mồng tơi, mã đề, rau má, rau cải, rau cúc... mỗi thứ một ít. Mẹ anh dùng tay trộn đều mớ rau, rửa sạch rồi đem nấu.
Rau tập tàng rất dễ tính. Rau nấu tép rất ngon. Có điều kiện hơn, thì nấu với tôm, ngao, hến, hàu, cua đồng hay thịt băm...Không có những món ấy thì nấu canh với mắm, với ruốc hay nước kho cá thịt... cũng ngon. Mà không nữa thì nấu suông. Mẹ anh vẫn thường nấu kiểu này. Đun nước cho sôi già, bỏ một chút muối, thêm vài ba giọt dầu hoặc mỡ rồi cho rau tập tàng vào, nêm bột ngọt thế là nhắc xuống ăn.
Bát rau xanh ngon, khói nhả mùi hương đồng gió nội. Có những ngày cả nhà anh chỉ ăn mỗi món ấy. Chén cơm trắng và canh rau tập tàng theo anh từng ngày lớn lên.
Ấy là món canh của những người nghèo, của người đi xa lâu ngày, của người phố thị sực nhớ quê. Món ăn dân giã và thân thuộc quá. Mẹ anh bảo đó là thứ quà của quê hương!