|
Điệu múa “Chim gâu” mô phỏng quá trình lao động, sản xuất trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của người Sán Chay. Ảnh: Minh Đức.
|
Người Sán Chay không chỉ đơn thuần múa trong sinh hoạt, vui chơi, mà chủ yếu là trong các nghi lễ tín ngưỡng. Một trong những hình thức sinh hoạt văn hoá hấp dẫn là các điệu múa “Tắc xình” độc đáo trong lễ hội cầu mùa.
Điệu múa Tắc Xình là một hình thức biểu diễn đã được bảo tồn và truyền từ người Sán Chay cho các thế hệ. Bên cạnh việc thể hiện ước nguyện của con người, cầu thời tiết thuận lợi, muôn loài sinh sôi, lúa ngô được mùa, cầu cho bản làng bình yên, hạnh phúc, vũ điệu cũng thể hiện đạo lý nhớ ơn tổ tiên, mối quan hệ thế hệ trước và thế hệ sau, thắp lên niềm tin, khát vọng chinh phục thiên nhiên của người dân lao động.
Là một điệu múa tập thể, nhưng “Tắc xình“ có nét độc đáo riêng. Từ những động tác trong lao động sản xuất và sinh hoạt hàng ngày như xúc tép, bắt cá, tra hạt, đuổi thú, phát nương... và những công cụ lao động sản xuất mà người Sán Chay đã sáng tạo, cách điệu thành vũ điệu để phục vụ sinh hoạt văn hoá cộng đồng.
Nhạc cụ phục vụ múa Tắc Xình chủ yếu là bộ gõ bằng tre, nứa và một số nhạc cụ khác bổ trợ. Tất cả các nhạc cụ phục vụ âm nhạc cho điệu múa đều phù hợp trong không gian văn hóa của đồng bào dân tộc Sán Chay. Cả người diễn, người xem và nhạc công đều cùng tham gia trong vòng tròn nhảy múa, không hạn chế số lượng. Người múa, đồng thời cũng có thể là một nhạc công. Điệu nhảy đơn giản, âm thanh vui nhộn, là không gian để cho mọi người vui vẻ sau những ngày lao động mệt nhọc.
Tắc xình có 8 âm liên tiếp nhưng chỉ có hai âm tắc và âm xình hợp lại. Tắc là âm phát ra bởi tiếng gõ của thanh tre trên thân ống tre, xình là âm phát ra do động tác nện ống tre xuống đất. Các âm tắc và xình phát ra liên tiếp 8 lần theo một trật tự nhất định để kết thành một khúc có giai điệu rất riêng không thể lẫn vào đâu được: Tắc tắc xình; tắc tắc xình; tắc tắc xình - tắc xình - tắc xình…
Điệu múa Tắc xình có tiết tấu riêng. Tắc thì đưa chân lên, xình thì đặt chân xuống. Hình tượng múa ở đây thể hiện rất rõ tín ngưỡng phồn thực, đó là ngọn tre và dụng cụ gõ được biểu trưng như cầu nối truyền khí dương từ 4 tầng mây (trời), hoà quyện với khí âm (đất), và âm dương sẽ hài hoà tạo ra sự sinh sôi nảy nở, tác động vào cuộc sống lao động sản xuất, tạo ra tâm lý phù hộ để mưa thuận gió hoà, làm ăn thuận lợi.
Trải qua thăng trầm của thời gian, múa Tắc xình vẫn giữ nguyên được nét độc đáo và đậm bản sắc dân tộc. Chính vì vậy, ngày 25/8/2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra Quyết định số 2684/QĐ-BVHTTDL công nhận múa Tắc Xình là di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia và là điệu dân vũ đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia./.
(Theo LangViet)