Từ bao đời nay quả bầu khô đã trở thành những vật dụng gắn bó rất gần gũi và không thể thiếu trong đời sống vật chất và tinh thần của người Mạ. Đó cũng là một tập quán văn hóa của các cư dân sinh sống ở vùng cao.
Khác với quả bầu ngọt, vỏ của quả bầu đắng khi già rất dày và cứng, lại có hình dáng đẹp, có quả thắt eo ở đoạn giữa, trên và dưới có hai bầu tròn tự nhiên, cũng có quả thân lại tròn đều và cổ thuôn dài, rất phù hợp cho việc chế ra các đồ gia dụng. Vì vậy, trên các đám rẫy của người Mạ, loại cây bầu này được trồng rất nhiều. Những quả bầu già sẽ được họ hái về và khoét một lỗ phía đầu cuống để lấy hạt giống, rồi ngâm xuống suối khoảng một đến hai tuần cho ruột quả bầu rữa ra. Sau đó, vớt lên moi hết phần ruột và đem treo giàn bếp để tăng độ bền, đồng thời tạo màu vàng nâu cho quả bầu.
Vật dụng đa năng
Với quả bầu, người Mạ đã tạo ra những vật dụng với nhiều chức năng khác nhau nhằm phục vụ trong đời sống vật chất và tinh thần của họ như: Đồ đựng, đồ múc, phễu rót, đồ đo lường, nhạc cụ và lễ vật trong các nghi lễ... Tùy vào mục đích sử dụng mà những vật dụng được chế tác với nhiều hình dáng và tên gọi khác nhau.
Trong các gia đình người Mạ, mọi thành viên đều có bầu đựng nước sinh hoạt của riêng mình. Thường là phụ nữ và các bé gái có trách nhiệm không được để các bầu nước bị khô cạn. Quả bầu khô dùng để đựng nước rất tiện lợi, bởi nó gọn nhẹ, rất dễ dàng cho việc luồn lách qua các sườn dốc để gùi nước về nhà. Để đựng nước, người Mạ thường chọn những quả bầu có bụng phình to, phần dưới hơi bằng để có thể đặt vững trên mặt đất và họ chỉ cần cắt bỏ đầu cuống để tạo miệng cho vật dụng. Còn những quả bầu có dáng vừa phải, thân tròn đều, họ sẽ cắt thành những cái bát dùng đựng cháo, canh, rau… trong các bữa ăn. Ngoài ra, quả bầu khô còn được sử dụng để đựng hạt giống như: Ngô, đậu, bầu, bí…
Đồ đong lường
Ngoài chức năng làm đồ đựng, múc, rót, quả bầu khô còn được dùng để đong lường nhất là khi uống rượu cần. Thông thường họ sẽ chọn những quả bầu dáng nhỏ nhắn có thể chứa khoảng nửa lít nước. Người Mạ trong những khi uống rượu cần chung vui của cả cộng đồng, dù người uống là chủ hay khách, già hay trẻ đều phải tuân theo một số quy định. Họ sẽ dùng một thanh nứa nhỏ đặt ngang lên miệng chóe, làm nấc thang đo tửu lượng của từng người và một quả bầu khô để đong nước đổ vào chóe rượu. Khi rượu uống đến đâu, nước ở miệng chóe sẽ vơi đến đó, đến vạch đã định (tức là uống hết một bầu) nước lại được tiếp thêm vào chóe và khi đó mới được chuyển cần cho người khác lần lượt hút.
Nhạc cụ
Cũng như một số dân tộc khác, quả bầu khô cũng được người Mạ chọn làm hộp cộng âm cho những chiếc khèn bầu của mình. Khèn được kết cấu theo lối khèn bè, gốm 6 ống trúc có kích thước dài ngắn khác nhau được chia thành hai tầng (trên 4 ống, dưới 2 ống) và gắn vào một quả bầu khô làm bộ phận khuếch đại âm thanh.
Để có được một chiếc khèn bầu đẹp, người Mạ thường chọn một quả bầu có thân tròn đều, cổ thuôn dài và phần gần cuống hơi cong. Phần đầu cuống sẽ được cắt bỏ để tạo thành lỗ nhỏ làm nơi thổi, còn phần giữa quả bầu được khoét lỗ và dùng sáp ong gắn kết 6 ống trúc vào để làm ống khèn. Khèn bầu là nhạc cụ có thể dùng để đệm hát, múa, hòa tấu cùng các nhạc cụ khác trong các dịp lễ hội, khèn còn là nhạc cụ rất thông dụng để trai tráng trong buôn làng thổ lộ tình cảm với người bạn tình.
Lễ vật trong các nghi lễ
Đối với người Mạ, trong các nghi lễ cúng, quả bầu khô cũng là một trong những lễ vật không thể thiếu, họ thường dùng quả bầu đựng rượu và tiết các con vật hiến sinh để dâng mời các thần linh. Quả bầu dùng trong nghi lễ thường có dáng nhỏ nhắn và được đánh đen bóng bằng một loại lá rừng.
Ngày nay, việc sử dụng vỏ quả bầu khô làm vật dụng vẫn là một tập quán văn hóa của người Mạ. Và đặc biệt, quả bầu khô hay những chiếc khèn bầu xinh xắn hiện đang là những món quà lưu niệm rất được nhiều du khách ưa chuộng khi đến với vùng đất Cao nguyên này.
(Theo Làng Việt)
Nguồn Quehuongonline.vn:
http://quehuongonline.vn/VietNam/Home/Ban-sac-van-hoa/Gioi-thieu-ban-sac-van-hoa/2015/04/59A5EBB2/
|