|
Các cô gái Bana đều được bà và mẹ chỉ cho cách dệt vải, dệt thổ cẩm từ lúc 12-13 tuổi. Để khi đi lấy chồng, các cô phải tự dệt cho mình một bộ y phục thật đẹp ra mắt mọi người. Để dệt bộ y phục này, các cô gái phải tốn rất nhiều công sức và tâm huyết. Thế nên, hầu như mọi phụ nữ Bana đều biết dệt thổ cẩm. Phụ nữ Bana nổi tiếng bởi kỹ thuật dệt tinh tế làm ra những bộ trang phục, những tấm chăn, tấm thảm mang nét đặc trưng riêng. Đầu tiên, họ tạo ra khung dệt thủ công đơn giản bằng cây. Tuy đơn giản là vậy, nhưng các cô gái có thể dệt nên những thảm vải với các hoa văn rõ nét và những sợi dọc sợi ngang đan vào nhau thật sắc sảo. Tại gian trưng bày nghề dệt thổ cẩm của người Bana ở Bảo tàng dân tộc tỉnh Đắc Lắc, chị Đào Thu Nguyệt, hướng dẫn viên Bảo tàng, cho biết: “ Nguyên liệu dệt vải ngày xưa chủ yếu làm từ bông. Để làm được một tấm vải phải trải qua nhiều công đoạn: Lấy bông, cán bông, cào sợi, xe sợi, rồi nhuộm. Còn bây giờ người Bana vẫn dệt theo cách thức truyền thống, nhưng đã dệt từ sợi công nghiệp mua ngoài chợ, thế nhưng trang trí hoa văn, màu sắc vẫn theo lối truyền thống”.
Người Ba Na thường sử dụng các màu: đen, đỏ, vàng, tạo ấn tượng mạnh mẽ. Mỗi màu lại có tiếng nói riêng, màu đen tượng trưng cho đất rừng trù phú, màu đỏ của khát vọng và tình yêu. màu vàng tượng trưng cho ánh sáng. Thổ cẩm của người Bana thường có màu tươi sáng, rực rỡ, bay bổng như thể hiện ước mơ, khát vọng và ẩn chứa trong các sản phẩm là cả tâm hồn nghệ sỹ của người thợ dệt. Hoạ tiết trên các sản phẩm thổ cẩm của người Bana thường trang trí đối xứng, phản ánh quan niệm triết lý về vũ trụ, triết lý âm dương, trời đất, thiên nhiên. Ông Bùi Văn Nam, cán bộ Uỷ ban dân tộc tỉnh Đắc Lắc, cho biết:“Vải truyền thống của đồng bào rất đẹp và bền. Một tấm dệt thổ cẩm có khi phải dệt trong mấy năm, nhưng rất có giá trị vì dùng được rất lâu. Chất liệu lại êm, tiện lợi cho việc sử dụng. Trải qua năm tháng, đổng bào Bana luôn có ý thức duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình. Tuy nhiên, những năm gần đây, nghề thủ công, trong đó có nghề dệt thổ cẩm đứng trước nguy cơ bị mai một. Trong xu thế phát triển kinh tế thị trường, các sản phẩm dệt thủ công nói chung bị cạnh tranh khốc liệt. Số người biết dệt vải, dệt thổ cẩm đã cao tuổi ngày càng hiếm. Ngành văn hoá Việt nam đã đề ra nhiều giải pháp nhằm bảo tồn phát huy nghề dệt của đồng bào. Bà Lương Thanh Sơn, Giám đốc Bảo tàng dân tộc tỉnh Đắc Lắc, cho biết: “ Bảo tồn văn hoá của bà con các dân tộc là chủ trương của Nhà nước Việt Nam. Nhà nước đã triển khai nhiều biện pháp để bảo tồn với nhiều hình thức như: tổ chức các lớp truyền dạy nghề, trong đó có nghề thổ cẩm truyền thống. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền vạn động bà con để người dân cảm thấy yêu văn hoá truyền thống của mình thì họ mới bảo tồn tốt được” .
Cùng với những giải pháp cụ thể, ngành văn hoá còn tổ chức nhiều hoạt động giao lưu, văn hoá nghệ thuật, thi trang phục các dân tộc thiểu số...Qua những hoạt động này, nghệ thuật, vẻ đẹp trang phục thổ cẩm của đồng bào Bana tiếp tục được toả sáng, góp phần tôn vinh vẻ đẹp , bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc Bana./.
(Theo VOV)