Các điệu múa Lân - Sư - Rồng tạo nên nét đẹp văn hóa Thăng Long - Hà Nội lâu nay đang dần bị mai một bởi những người am hiểu các điệu múa này ngày càng ít, còn lớp trẻ thì không mấy hứng thú, mặn mà. “Câu lạc bộ Lân - Sư - Rồng” do anh Nguyễn Tạ Tấn làm Chủ nhiệm, được thành lập từ năm 2004 đã góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy các điệu múa này trên đất Thăng Long - Hà Nội…
Không mất nhiều thời gian để có thể tìm thấy nhà anh Nguyễn Tạ Tấn, Chủ nhiệm “Câu lạc bộ Lân - Sư - Rồng". Trong ngôi nhà cấp 4 ở tổ 31, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội, anh tâm sự rằng: Mặc dù Hà Nội không phải là cái nôi của các điệu múa Lân – Sư - Rồng nhưng việc Câu lạc bộ Lân - Sư - Rồng (CLB) hoạt động liên tục hơn 5 năm qua là phần thưởng lớn cho những nỗ lực của tôi đối với việc góp phần bảo tồn, gìn giữ các điệu múa Lân - Sư - Rồng, các điệu múa cổ trên đất Thăng Long – Hà Nội.
Anh sinh ra và lớn lên tại Hoàng Mai, một làng cổ nằm ở phía nam kinh thành Thăng Long xưa, nơi có truyền thống văn hóa lâu đời với nhiều di tích, lễ hội đặc sắc. Hội làng Hoàng Mai tưởng niệm Thượng tướng Trần Khát Chân và em trai là Trần Hãng, hàng năm được tổ chức tưng bừng vào ngày 24/4 (âm lịch). Gắn liền với phần hội là các màn múa Lân - Sư - Rồng thu hút đông đảo dân làng và du khách muôn phương tới xem và chiêm ngưỡng.
Chẳng biết từ bao giờ, các điệu múa Lân - Sư - Rồng trong những ngày hội làng Hoàng Mai ấy đã thấm vào máu anh. Anh dành không ít thời gian để nghiên cứu, sưu tầm các điệu múa, khơi gợi từng đoạn múa từ những cụ già trong làng, những người thường xuyên góp mặt nơi cửa đình trong ngày hội làng, rồi hì hục ghi chép lại, tổ chức cho cả CLB tập. Công việc nghiên cứu, sưu tầm các điệu múa Lân - Sư - Rồng diễn ra thường xuyên trong nhiều năm qua, đến nay môn nghệ thuật múa dân gian đường phố này đã được anh phổ biến tới các thành viên trong CLB.
CLB hiện có 30 thành viên tham gia, gồm đủ mọi lứa tuổi, từ các em nhỏ 12 - 15 tuổi đến các cụ già 70 - 80 tuổi. Anh Tấn cho biết: “Sau khi tham gia vào Liên hoan múa rồng do Hà Nội tổ chức vào các năm 2004, 2005, lúc đó anh là huấn luyện viên trưởng Đội múa rồng quận Hai Bà Trưng, giành hai giải Nhì, anh đã quyết định thành lập CLB với mục đích đây là nơi đào tạo, hướng dẫn cũng như là sân chơi bổ ích cho những người cùng sở thích. Các thành viên nhỏ tuổi của CLB sẽ được truyền dạy các điệu múa, cách đánh trống hội... Hàng tuần, các thành viên sẽ họp mặt, cùng tập luyện, trao đổi kinh nghiệm sau mỗi đợt biểu diễn”. Địa điểm tập luyện khá đẹp, ngay trước cửa đình làng Hoàng Mai. Đôi Lân vàng đỏ tập các động tác vờn trăng. Mỗi khi nghe thấy tiếng tùng dinh gõ nhịp là dân làng biết ngay đó là lúc CLB đang luyện tập.
Những con rồng, con lân đủ màu sắc cùng giàn trống đánh tưng bừng như bữa đại tiệc giữa sân đình. Hoạt động mạnh như vậy nhưng kinh phí lại do chính các thành viên trong CLB tự đóng góp hoặc nhờ việc CLB tham gia vào các chương trình múa rồng của thành phố, quận, huyện; nhận dạy, dàn dựng, phục vụ các chương trình ca nhạc, hội nghị của các cơ quan, đoàn thể.
Tùy vào nội dung chương trình mà các điệu múa và cách đánh trống có khác nhau. Với các thành viên CLB, khi phục vụ hội nghị, khai trương Nhà hàng, Công ty… thì cách múa và đánh trống phải thể hiện một không khí tưng bừng, vui vẻ, còn khi biểu diễn trong lễ hội lại phải trang nghiêm. Dự kiến, CLB sẽ đóng góp một vài tiết mục chào đón Đại lễ ngàn năm Thăng Long - Hà Nội.
Không chỉ dành thời gian nghiên cứu các điệu múa Lân - Sư - Rồng, anh Tấn còn rất quan tâm tới các điệu múa cổ trên Thăng Long - Hà Nội. Anh Tấn cho biết thêm, vào mỗi dịp vui, ngày lễ tết, nhiều làng xã trên đất Thăng Long - Hà Nội đã tổ chức biểu diễn các điệu múa cổ bởi đây là vùng đất tụ hội bốn phương, người dân các vùng mang theo tập tục, văn hóa địa phương kết hợp với văn hóa bản địa đã làm dày thêm cho văn hóa Thăng Long - Kẻ Chợ. Ước tính Hà Nội giờ có khoảng vài chục điệu múa cổ, được chia thành nhiều thể loại như: múa dân gian, múa cung đình, múa tín ngưỡng và tôn giáo…
Song, do nhiều nguyên nhân khác nhau như: các biến cố lịch sử, chiến tranh, xu thế thời đại mà các điệu múa này đang dần bị mai một, thất truyền, nhất là các điệu múa cung đình. Hiện còn lại chủ yếu là các điệu múa dân gian, tồn tại trong các lễ hội truyền thống tại một số làng cổ Hà Nội. Anh Tấn hy vọng rằng, những nỗ lực của anh trong việc duy trì hoạt động của CLB sẽ góp phần bảo tồn, gìn giữ các điệu múa Lân - Sư - Rồng, các điệu múa cổ trên đất Thăng Long - Hà Nội.
(Theo Nghìn năm Thăng Long)
|