Lễ hội Păng Katê (Tết Cha) của người Chăm được tổ chức vào đầu tháng 7 Chăm lịch hàng năm, để tỏ lòng tôn kính các vị Nam thần đã sinh ra con người, vạn vật và tưởng niệm các vị anh hùng dân tộc đã có công với nước, tạ ơn thần linh, tổ tiên đã cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Đồng bào Chăm ăn Tết Păng Katê vào tháng 7 Chăm lịch, tức là khoảng tháng 10 dương lịch, đó là lúc giống lúa mùa dài ngày chưa được thu hoạch. Chọn thời điểm cúng cha vào lúc điều kiện kinh tế khó khăn nhất cũng chính là cách để thử thách lòng trung hiếu của con cái đối với cha.
|
Tết Cha theo tín ngưỡng của người Chăm
Katê là một loại hình tín ngưỡng được hình thành khá lâu đời trong cộng đồng người Chăm theo đạo Bà La Môn. Trước đây, Katê chỉ tổ chức trong vòng 1 tuần đầu còn gọi là thượng tuần trăng và hiện nay thì tại một số làng Chăm ở Bình Thuận tổ chức lễ hội Păng Katê đến 2 tuần (biểu hiện cho dương tính), trước ngày trăng rằm.
Theo chế độ mẫu hệ, người con trai Chăm khi đến tuổi lập gia đình thì được họ hàng nhà gái cưới về ở rể suốt đời cho đến chết mới trả xương cốt về cho nghĩa trang tộc họ mẹ sau khi làm lễ hỏa táng (gọi là Kut). Do vậy công Cha rất lớn trong việc sinh thành, dưỡng dục con cái, mà Katê là lễ cúng để tưởng nhớ tới Nam Thần, cho nên mới gọi là Tết Cha. Đồng bào Chăm chọn thời điểm ăn tết vào tháng 7 Chăm lịch (khoảng tháng 9 dương lịch) là lúc giống “lúa mùa” dài ngày lúc bấy giờ chưa được thu hoạch, chỉ mới cắt được một ít lúa nếp để gói bánh tét cúng Cha.
Chuẩn bị trang phục trước khi làm lễ.
|
Chọn thời điểm cúng Cha vào lúc điều kiện kinh tế khó khăn cũng chính là cách để thử thách lòng trung hiếu của con cái đối với công lao của người Cha. Còn ăn vào thượng tuần trăng tiêu biểu cho tính dương, vì sau khi cúng Cha, người Chăm còn ăn Tết Mẹ vào hạ tuần trăng tháng 9 Chăm lịch gọi là Cabuen.
Lưu giữ những giá trị văn hóa dân tộc
Theo Sư cả Bà La Môn Bích Văn Nhuận ở thôn Lạc Trị, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận thì vật Katê gồm bánh trái như bánh Tét, chuối, bánh gân trâu, Nongya (bánh gừng), chè, xôi, cơm, thịt, dê, gà, trầu cau, rượu trứng, nến trầm, hoa quả… Khi chuẩn bị lễ vật xong sẽ thỉnh mời vua chúa trước, rồi mời người đã khuất như ông bà tổ tiên…
Hình thức bài trí lễ vật của người Chăm cũng mang biểu tượng của thuyết âm và phục vụ cho con người theo quy luật sinh tồn của vạn vật. Người Chăm có câu ca dao liên quan đến việc bài trí lễ vật rằng: “Peinung Ala, Sakaya ngaok” có nghĩa là “Bánh Tét đặt ở dưới, bánh Hồng để trên”. Về mặt hình thức, bánh Tét là biểu tượng của dương tính và bánh Sakaya là biểu tượng của âm tính nhưng lại được đặt ở trên, cho nên quan niệm của người Chăm vai trò phụ nữ rất được tôn vinh theo chế độ mẫu hệ. Còn bánh Gừng người Chăm gọi là Ginjraong riya là thể hiện vẻ đẹp và sự chung thủy của phụ nữ Chăm. Riêng cách bài trí cơm canh là biểu hiện cho hình thể con người đầu mình và tứ chi. Nhìn cách bài trí lễ vật để dâng cúng cho thần linh còn mang tính nghệ thuật thẩm mỹ cao.
Păng Katê là lễ hội dân gian đặc sắc được đồng bào Chăm Bà la môn dày công vun đắp. Hiện nay, ở một số làng Chăm của tỉnh Bình Thuận, Păng Katê được tổ chức kéo dài đến 2 tuần trước ngày trăng rằm.
|
Lễ vật được bài trí xong, vị sư cả chủ lễ sẽ lần lượt khấn nguyện thỉnh mời 16 vị thần về hưởng mâm cỗ để phù hộ độ trì cho dân làng, gia đình được bình yên, sức khỏe, vạn sự tốt lành, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Sau phần lễ, dân làng Chăm thưởng thức các tiết mục biểu diễn nghệ thuật ca, múa, nhạc dân gian Chăm với phong cách hết sức đặc trưng và độc đáo của phần hội. Những điệu múa quạt truyền thống nhịp nhàng, uyển chuyển của các cô gái Chăm được hòa cùng động tác quay trống lực lưỡng, hùng hồn, khoe tài của các chàng trai Chăm là lời trao duyên ước hẹn bền lâu rồi đến những màn trình diễn múa có động tác hàm chứa tính phồn thực trong quy luật sinh tồn… Những âm thanh rộn ràng của tiếng trống Ghi năng thôi thúc, tiếng kèn Saranai da diết đã tạo nên không khí tưng bừng của ngày hội Katê.
Ông Chế Quốc Minh người dân tộc Chăm ở thôn Lạc Trị, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận cho biết: Lễ hội của người Chăm chứa đựng nhiều giá trị văn hóa phi vật thể, có múa, trò chơi đội nước, cũng nhiều trò chơi dân gian, thi tấu Ghi năng, đọc thơ ariya hoặc những truyện cổ dân gian giáo dục cho thế hệ trẻ về văn hóa, lịch sử, truyền thống của dân tộc.
Lễ hội Katê là nơi lưu giữ những giá trị thẩm mỹ cao nhất của nền văn hóa Chăm được biểu hiện qua các lễ nghi, lễ vật, y phục, nhạc cụ và những bài thánh ca, ca gợi các vị anh hùng có công với dân, với nước. Có thể nói, lễ hội Păng Katê là một minh chứng về sự phong phú, đa dạng trong kho tàng văn hóa của đại gia đình các dân tộc Việt Nam./.
(Theo langvietonline.vn)
|