Hơn 200 năm về trước, trên quê hương “Miền Đất Võ” Bình Định đã từng hình thành, tồn tại và phát triển một hoạt động võ thuật mang đậm nét văn hoá truyền thống, đó là Lễ hội Đổ giàn hay còn gọi là Lễ hội tranh heo, Lễ hội xô cỗ...
Là người dân đất Việt, có lẽ ai cũng biết đến câu ca dao: Ai về Bình Định mà coi/ Con gái Bình Định cầm roi đi quyền… Câu ca trên đã từng lưu truyền tại “miền Đất Võ” hàng trăm năm nay, phần nào khắc họa không khí của Lễ hội đổ giàn xưa kia.
Quang cảnh Lễ hội đổ giàn Bình Định.
|
Cách thị trấn Bình Định (huyện An Nhơn) khoảng hơn 10km về phía Tây Bắc, có 2 làng võ nổi tiếng là An Thái và An Vinh. Tại đây, bên cạnh cộng đồng người Việt, còn có cộng đồng người Hoa di cư sang làm ăn, sinh sống. Người dân bản địa gọi họ là dân Ngũ Bang (gồm Triều Châu, Quảng Đông, Phúc Kiến, Phúc Châu, Hải Nam). Diện mạo của khu phố chợ An Thái có những nét phảng phất gần giống với kiến trúc của những khu phố cổ Hội An (Quảng Nam). Xưa kia, nơi đây từng là một trong những trung tâm giao thương, mua bán sầm uất. Chính điều kiện kinh tế - xã hội của vùng đất trù phú này đã “khai sinh” ra Lễ hội làm chay - đổ giàn - tranh heo.
Theo các cụ cao niên ở An Thái, An Vinh, cứ 4 năm một lần, vào dịp lễ Vu Lan (rằm tháng 7), tại vùng đất này lại diễn ra lễ hội làm chay - đổ giàn - tranh heo. Địa điểm dựng giàn là khu vực gò Am Hồn, chùa Bà Hỏa, chùa Hội Quán (thờ bà Thiên Hậu Thánh mẫu). Về hình thức, giàn gần giống với sàn đấu võ đài ngày nay, nhưng cao ráo, chắc chắn. Để lễ hội diễn ra sôi nổi, thu hút đông đảo khách thập phương, những người có trách nhiệm và người dân địa phương đã “chung vai gánh vác”, chuẩn bị rất chu đáo. Trước ngày diễn ra lễ hội, hầu hết các gia đình trong vùng, không phân biệt sang - hèn, giàu - nghèo, đều tự giác đem vật phẩm (heo, bò, gà…) đến đóng góp. Tên của chủ nhân được ghi vào một tấm thẻ và gắn vào lễ vật.
Trước khi Lễ hội đổ giàn diễn ra, các chùa trong vùng đều tiến hành làm chay cầu nguyện cho bá tánh được an cư, lạc nghiệp. Đầu tiên là lễ rước bài vị từ hai chùa Quan Thánh Đế Quân, Xuân Quang Trang và lễ rước nước thánh từ sông Kôn đưa về. Đoàn đi rước bài vị và rước nước thánh khoảng 30 người, đi đầu có 4 người khiêng kiệu, mặc trang phục “học trò gia lễ”, cùng Ban trị sự và ban nhạc, chiêng, trống… Sau khi rước bài vị và lư nhang về chùa Hội Quán thì tiến hành lễ khai kinh, làm chay, tụng kinh suốt 3 ngày, 3 đêm. Ban đêm còn có múa lục cúng, múa bông… Hết ngày thứ 3 thì chuyển sang lễ chẩn bần (phát chẩn cho người nghèo). Tiếp đó, một lá phướn màu ngũ sắc đề 4 chữ Phúc - Đức - Thần - Tài từ trong chùa được mang ra, treo lên trên giàn để mỗi người lấy một miếng làm phước. Trước khi diễn ra lễ đổ giàn, trong chùa tiến hành nghi thức cúng vãn (cúng lần cuối), sau đó gióng trống, chiêng, báo hiệu cho Ban trị sự bên ngoài biết để mở đầu Lễ hội đổ giàn.
Theo lệnh của người “chủ xướng”, các võ sư cao niên từ 4 hướng Đông - Tây - Nam - Bắc lần lượt quăng heo xuống… Võ sĩ thuộc các võ đường, làng võ nổi tiếng như: An Thái, An Vinh, Thuận Truyền, Trường Định… bắt đầu “tham chiến” theo cách “bài binh, bố trận” của võ phái mình. Tuy có nhiều “chiêu thức” khác nhau, song thuờng thì võ phái nào cũng chia làm 3 nhóm chính, gồm: tiên phong, tiếp ứng, cản hậu. Võ đường nào đột phá vòng vây, vác được heo về vị trí quy định thì phần thắng thuộc về bên đó.
Cuộc thi tài tranh heo diễn ra cực kỳ sôi nổi, hấp dẫn, kịch tính… Một bên thì cố tìm cách để mang, vác con heo thoát khỏi vòng vây để đem về bên mình, một bên thì bằng mọi cách để ngăn cản không để đối phương mang heo thoát ra. Những đường quyền, cước, thế, miếng gia truyền độc đáo, “thoắt ẩn, thoắt hiện” của các lò võ, làng võ có dịp được thể hiện, phô diễn. Mặc dù, cuộc tranh heo diễn ra gay cấn, quyết liệt, song không hề có chuyện “cay cú ăn thua”, ra đòn ác ý; tất cả đều vì mục đích đề cao nét đẹp truyền thống của võ thuật.
Cùng với các võ sư, võ sĩ, hàng ngàn người tham dự lễ hội cũng nhiệt tình hò reo, cổ vũ cuồng nhiệt, làm cho không khí của lễ tranh heo thực sự là một “đại hội võ lâm”. Kết thúc cuộc thi tài, toàn bộ số heo được tập trung lại để “Ban giám khảo” xem xét và công bố kết quả. Bên nào thua thì về lo “rút kinh nghiệm”, luyện tập để… 4 năm sau thi tài trở lại.
Đặc biệt, ngay sau khi Lễ đổ giàn - tranh heo kết thúc, lễ hội còn diễn ra nhiều tiết mục như chưng cộ, múa lân. Chưng cộ là một hình thức biểu diễn nghệ thuật hát bội đặc sắc. Theo đó, cộ được “thiết kế” từ 2 chiếc xe cộ, thành một chiếc kiệu. Xung quanh cộ có vẽ, trang trí những hình ảnh về các tích tuồng. Ngoài ra, lễ hội còn diễn ra các trò chơi dân gian như đá gà (chọi gà), đánh cờ người, đốt pháo bông…
Trong những ngày diễn ra Lễ hội, hàng ngàn người từ khắp nơi trong tỉnh Bình Định và cả những tỉnh lân cận cũng đổ về vùng đất An Thái, An Vinh dự hội.
Hơn 2 thế kỷ đã trôi qua, song dư âm của những ngày lễ hội xưa như vẫn còn nồng ấm đến hôm nay. Tên tuổi của các võ sư, võ sĩ như Diệp Trường Phát (còn gọi là Tàu Sáu), Hồ Ngạnh, Ba Phùng, Hồ Chi (còn gọi là Năm Trừu), Hương mục Ngạc, Hương mục Đài, Chín Giác, Hương kiểm Mỹ… vẫn còn in đậm trong tâm trí của người dân nơi đây. Chính vùng đất này cũng đã từng đóng cho đội quân Tây Sơn những võ tướng, văn thần, cùng hàng ngàn nghĩa binh, góp phần lập nên những chiến công hiển hách của dân tộc.
Trải qua hơn 2 thế kỷ, Lễ hội đổ giàn phần nào bị mai một. Điều đáng mừng là từ năm 2005, ngành VHTTDL Bình Định đã đầu tư, hỗ trợ cho công tác sưu tầm, phục dựng lại Lễ hội đổ giàn xưa. Hy vọng rằng, trong thời gian tới, Lễ hội đổ giàn sẽ tiếp tục được quan tâm phục hồi, dàn dựng thật hiệu quả và đưa vào Chương trình Liên hoan Võ cổ truyền quốc tế…/.
(Theo langvietonline.vn)
|