Hội làng ở Hải Phòng đến nay vẫn còn giữ được nhiều trò chơi dân gian độc đáo, nhưng làm thế nào để phát huy, biến nó thành thế mạnh để thu hút du khách vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp sát thực.
Độc đáo và cuốn hút
Là vùng đất cổ thuộc nền văn minh lúa nước sông Hồng, Hải Phòng được ví như là cái nôi của hội làng với hàng chục hội làng được tổ chức dịp đầu xuân ở mỗi huyện, thị.
Thông thường ở các hội làng, ngoài phần lễ được cử hành trọng thể tại các đền, chùa, đình, miếu nhằm cáo yết thành tích với các vị thần do dân làng thờ cúng ra, thì phần hội với các trò chơi dân gian độc đáo, sôi nổi nhất và thu hút số đông người tham gia, cổ vũ nhất.
Hội Hát đúm ở huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng)
|
Có thể kể ra đây rất nhiều trò chơi dân gian được các địa phương ở Hải Phòng duy trì trong các hội làng như trò chơi pháo đất, vật, kéo co, cờ tướng, chơi nhảy lò cò, múa rối nước, đi cầu thùm, hát đúm, bơi chải…
Trò chơi pháo đất và múa rối nước ở hai xã Tân Liên và Nhân Hòa (huyện Vĩnh Bảo) đến giờ vẫn còn nguyên sự độc đáo. Ông Bùi Văn Bễ- Chủ tịch UBND xã Tân Liên cho biết: “Chơi pháo đất là “nghề” của người dân Tân Liên, tương truyền có từ thời Hai Bà Trưng.
Nghe truyền tụng, khi voi của Hai Bà đi đánh giặc ngang qua, bị sa lầy, dân làng ở đây đã ra tung đất lấp đầy hố sâu để cứu voi lên… Lâu dần, việc tung đất ấy hình thành trò chơi pháo đất. Với trò chơi này, Hội làng Kim Lâu của xã hàng năm đã thu hút hàng vạn lượt du khách tới chung vui”.
Còn các tích trò rối nước ở hội làng Nhân Mục, xã Nhân Hòa lại được ví như là đặc sản tinh thần, xuất hiện từ khá lâu. Độc đáo của rối nước làng Nhân Mục là tính chất cây nhà lá vườn. Từ việc làm con rối, viết kịch bản, biểu diễn, đến làm nhạc phụ họa, ánh sáng, phông màn… tất tật đều do các “nghệ sĩ” nông dân đảm nhận. Họ bước từ dưới ruộng lên là biểu diễn được ngay, mà lại diễn hay, tới mức làm người xem… ngây ngất.
Đặc biệt, Hải Phòng có một hội làng được coi “độc nhất vô nhị” cả nước, đó là Hội Minh thề ở làng Hòa Liễu, xã Thuận Thiên (Kiến Thụy). Hình thành từ cách đây hơn 500 năm, qua nhiều thăng trầm, đến nay mỗi lần hội làng mở, dân tứ xứ lại đổ về chật cứng cả sân đền.
Ngoài việc xem tái dựng lại nghi lễ các “vị quan” xưa (do người làng đóng), đứng trước Đài thiêng, trước dân làng, thề “không vụ lợi, không tham ô, tham nhũng…” ra sao, thì người đến Hội Minh thề đông còn bởi ý nghĩa giáo dục đạo đức sâu xa của những lời thề đó. Thật không gì bằng được chứng kiến tận mắt hội thề độc đáo này, để rồi về chiêm nghiệm, răn mình, giáo dục đạo đức, lối sống cho con cháu mình.
Nguy cơ nhạt nhòa, mai một
Trò chơi dân gian thì nhiều, nhưng không phải hội làng nào cũng có những trò độc đáo. Thậm chí, nhiều làng có nhưng lại để mai một hoặc cắt xén trong quá trình tổ chức, thiếu đầu tư chiều sâu để đạt hiệu quả như mong đợi.
Đơn cử như trò diễn xướng chầu văn hay hát ca trù chẳng hạn. Đây là nét sinh hoạt văn hóa đẹp, từng hút du khách khắp các vùng miền đến với hội làng ở Hải Phòng.
Nhưng vài chục năm trở lại đây, các lễ hội hầu như không còn các nội dung này. Theo nhà nghiên cứu sử học Ngô Đăng Lợi: “Việc đánh mất những “chiếu chèo”, hay diễn xướng chầu văn, hát ca trù tại các hội làng, đã khiến nhiều hội làng ở Hải Phòng trở nên tẻ nhạt”.
Thậm chí, những trò chơi dân gian mang đậm nét văn hóa truyền thống, như đi cà kheo, đu tiên, đập niêu, nhảy bao bố… không khó để có thể duy trì, bởi nó đã hằn sâu vào trí tưởng mỗi người, nhưng cũng đã bị các trò vui chơi giải trí có thưởng khác lấn át.
Bên cạnh bị mai một, thì việc thiếu đầu tư công sức, thiếu tìm tòi, sáng tạo nhằm nâng cấp các trò chơi dân gian độc đáo, để nó vượt ra khỏi lũy tre của mỗi làng, cũng đã khiến tầm ảnh hưởng cũng như sự lan tỏa của hội làng chưa rộng.
Ví như trò chơi pháo đất ở hội làng xã Tân Liên, huyện Vĩnh Bảo những năm gần đây. Đành rằng, hội làng thì pháo đất nổ ở làng nhưng nếu được nâng cấp thành lễ hội cấp vùng thì chắc chắn, lượng khách trong và ngoài nước đổ về xem hội pháo đất ở đây sẽ còn đông hơn nhiều.
(Theo Dân Việt)
|