Đã có lúc lễ hội Ná Nhèm của đồng bào dân tộc Tày ở xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn đứng trước nguy cơ thất truyền, nhưng giờ đây lễ hội dân gian độc đáo này đã được phục dựng lại.
Sự tích đánh giặc giữ làng
Những người già ở Trấn Yên không ai còn nhớ rõ lễ hội này có từ bao giờ, chỉ biết rằng cứ đến ngày rằm tháng Giêng hàng năm, dân làng lại nô nức kéo về đình mở hội.
Hóa trang cho mặt nhọ chỉ có ở lễ hội Ná Nhèm. Ảnh: Minh Đức
|
Theo lời kể của các cụ bô lão thì xưa có một toán giặc Tấc Tài Ngàn - hay còn gọi là giặc răng đỏ đến chiếm đóng tại ngôi miếu thờ Thành hoàng Đức Cao Sơn ở sườn đồi Khau Dạ Háy. Chúng bắt con gái của dân làng lên giặt giũ, nấu ăn, ban đêm thắt miệng túi cho bọn chúng ngủ. Lũ giặc làm một cái trống to, đêm xuống, chúng bắt các cô gái dắt dê lên mặt trống để giẫm tạo ra âm thanh dồn dập như xông trận làm dân làng hoang mang lo sợ. Ban ngày, chúng xuống làng giết người, cướp bóc của cải khiến dân làng căm phẫn.
Dân làng đã bày mưu cho các cô gái buộc miệng túi thật chặt khi giặc ngủ rồi làm ám hiệu cho dân làng biết để lên diệt giặc, quăng xuống suối Phai Huấn. Không lâu sau, trong làng xuất hiện dịch bệnh lạ, làm nhiều người và vật nuôi bị chết, hạn hán xảy ra liên miên. Tại gần ngôi miếu xuất hiện một tổ ong rất lớn, hễ người và gia súc đi qua đều bị ong đốt chết. Thầy mo cho rằng giặc chết vào giờ linh không được cúng tế nên chúng quậy phá. Thời gian sau, dân làng đã tổ chức lễ hội Ná Nhèm cúng tế Thành hoàng và tục hèm đánh trận.
Tái hiện lại cảnh đánh giặc xưa. Ảnh: Minh Đức
|
Rộn ràng lễ hội Ná Nhèm
Lễ hội diễn ra từ rạng sáng cho tới lúc trời tối. Lễ hội Ná Nhèm bắt đầu bằng các nghi thức trang trọng gồm: Nghi thức tế lễ Thành hoàng làng và lễ rước quân từ đình Làng Mỏ đến miếu Xa Vùn. Tại đám rước, ngoài ông Mo, ông Hội và 4 người rước ngai không phải bôi mặt nhọ, những người còn lại đều phải lấy nhọ nồi bôi đen mặt lại, riêng 2 ông Chánh tướng phải lấy thuốc nhuộm cho răng đỏ giống với lũ giặc khi xưa.
Lễ hội được tổ chức trên những thửa ruộng với luống cày còn mới trước cửa miếu, người dân đã diễn lại tục hèm đánh trận gắn liền với sự tích đánh giặc giữ làng với các hoạt cảnh như: Dọn đường cho đoàn quân đi; Vị tướng cầm quân đi đánh giặc; Cắm gươm xuống đất sau khi chiến thắng trở về; Sau trận đánh ông tướng trèo lên cây nêu để báo cáo với thần linh và dân làng về chiến thắng…
Bên cạnh đó còn có các hoạt động văn hóa, các trò chơi, trò diễn dân gian như: Đánh đu, chọi gà, ném còn… đặc biệt có trò diễn kén rể, kén dâu (còn gọi là Sỹ - Nông - Công - Thương hay Ngư - Tiều - Canh - Mục). Để các trò diễn thu hút được sự quan tâm và tạo được không khí hào hứng của những người tham gia lễ hội, bên cạnh việc lựa chọn những người khỏe mạnh, có giọng hát và năng khiếu trong việc trình diễn trước đám đông, việc luyện tập, khớp các đoạn thoại, đoạn kịch một cách chi tiết và tỉ mỉ thì trang phục và đạo cụ cũng là những nhân tố quan trọng làm nên thành công của trò diễn. Kết thúc lễ hội, người dân trở về đình và cùng tổ chức một bữa ăn chung.
Năm 2014 là năm thứ ba liên tiếp lễ hội Ná Nhèm của người Tày được tổ chức trở lại đã thu hút được đông đảo nhân dân và du khách gần xa. Việc phục dựng lại và duy trì tổ chức một lễ hội sau 50 năm bị gián đoạn là niềm vui, niềm tự hào, đáp ứng được nhu cầu văn hóa lễ hội của đồng bào dân tộc Tày nói riêng và nhân dân tỉnh Lạng Sơn nói chung, đồng thời nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát huy những nét truyền thống, góp phần làm nên một nền văn hoá Việt Nam phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc.
- Lễ hội Ná Nhèm là nghi thức, nghi lễ thờ cúng Thành hoàng làng gắn liền với sự tích đánh giặc, giữ làng của người Tày, được tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng hàng năm tại thôn làng Mỏ, xã Trấn Yên.
- Ná Nhèm theo tiếng Tày có nghĩa là “mặt nhọ”. Thực chất đây là lễ hội cầu an, cầu mùa đầu năm mới. Điều đặc biệt trong lễ hội là hình ảnh về tục hèm đánh trận và cung tiến lễ vật với sự tham gia của những người nam giới và đều hóa trang mặt nhọ, bởi họ tin rằng: Làm như thế sẽ đánh lạc hướng những hồn ma giặc và không con ma nào biết ai đã diễn lại sự thất bại của chúng trước dân làng mà về bắt, gây tai họa và dịch bệnh.
|
(Theo Làng Việt ) - Nguồn Quehuongonline.vn
|