Ngót 1.000 tuổi đời, người dân làng Đa Sỹ (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội) vẫn tự hào khi sản phẩm dao, kéo của làng không chỉ sử dụng trong nước mà còn xuất khẩu ra cả nước ngoài.
Đa Sỹ giờ đã khác xưa nhiều, tiếng búa, tiếng rèn đã vơi bớt thay vào đó là tiếng máy móc. Nhưng thương hiệu ngàn đời mà Đa Sỹ gây dựng vẫn còn đó từ những đôi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân làng…
Cả làng giữ nghề
Làng Đa Sỹ có gần 1.000 hộ thì có tới 90% vẫn giữ nghề rèn truyền thống, trong đó 10 hộ vẫn sử dụng cách chế tác truyền thống. Dù biết là vất vả nhọc nhằn nhưng chẳng ai dám bỏ nghề. Họ gìn giữ và phát huy nó như giữ lấy hồn cốt quê hương mà tổ tiên ngàn đời gây dựng.
Thợ làng Đa Sỹ đánh bóng sản phẩm sau khi làm nguội
|
Thường lệ đúng 6 giờ sáng tiếng búa, tiếng đe rộn rã khắp các ngõ lối. Anh Hoàng Văn Cường-chủ một xưởng rèn ở đội 4, thôn Đa Sỹ cười giòn: "Năm nay dao kéo tiêu thụ tốt, nhiều mẫu mã mới, giá nguyên liệu ổn định nên công nhân chúng tôi cũng thu nhập ổn định hơn".
Anh Hoàng Văn Kiên - chủ cơ sở rèn Kiên-Trang, đội 4, thôn Đa Sỹ, tâm sự: “Để làm một con dao tốt, mỗi gia đình giữ một bí quyết riêng. Thép phải tôi đến độ vừa đủ, nếu tôi nhiều, thép sẽ không cứng, rất khó rèn, nung già, dao sẽ chóng cùn, không giữ được độ sáng và sắc".
Nhiều năm gần đây, nhờ đưa máy móc vào sản xuất nên số lượng sản phẩm tăng lên rõ rệt. Ông Đinh Công Đoán - phụ trách Hiệp hội Làng nghề tâm sự: "Chúng tôi đang phát triển làng nghề rèn Đa Sỹ theo hướng mới: Kết hợp sản xuất với kinh doanh dịch vụ. Chúng tôi quảng bá hình ảnh làng nghề bằng nhiều hình thức nhưng một điều quan trọng nhất là phải giữ được thương hiệu dao, kéo Đa Sỹ".
Giữ thương hiệu
Làng rèn Đa Sỹ có vị trí đắc địa- là cửa ngõ giao thương phía Tây Nam của thủ đô nên việc vận chuyển hàng hóa đi các tỉnh lân cận rất thuận lợi. Hàng năm, Đa Sỹ cung ứng cho thị trường Hà Thành số lượng dao, kéo đáng kể. Ngoài các sản phẩm chính là dao, kéo, làng nghề còn sản xuất các sản phẩm nạo, vỉ nướng, đục, chạm…với nhiều mẫu mã và chủng loại đa dạng góp phần làm phong phú các mặt hàng sản xuất. Mỗi nghệ nhân, mỗi người thợ luôn tâm niệm phải làm tốt sản phẩm là một cách giữ nghề và truyền nghề mà bao đời nay cha ông họ vẫn làm. Cũng chính điều này đã làm sáng hơn thương hiệu dao, kéo Đa Sỹ.
Ông Đoán trăn trở: "Trên thị trường xuất hiện rất nhiều sản phẩm dao, kéo nhái thương hiệu Đa Sỹ, bán rất rẻ. Hiệp hội Làng nghề chúng tôi luôn coi trọng chất lượng sản phẩm. Chất lượng tốt sẽ được người tiêu dùng tin tưởng. Việc giữ nghề đã khó, để giữ thương hiệu sản phẩm của mình còn khó hơn. Chúng tôi mong các cơ quan chức năng vào cuộc giúp chúng tôi giữ gìn thương hiệu của làng nghề".
Chia tay làng rèn Đa Sỹ, hình ảnh những chiếc xe chở hàng từ đây tỏa đi khắp nẻo đường như chở khát khao đầy vơi thắm thiết với nghề của mỗi người dân Đa Sỹ. Thương hiệu có từ ngàn đời mà họ gửi gắm niềm tin vào mỗi sản phẩm sẽ mãi còn như một phần của thương hiệu Việt.
Tất Đạt (Theo Dân Việt)