Đã thành thông lệ, cứ đến 3/3 âm lịch hằng năm, thấy bà, thấy mẹ và chị xúm lại bên mâm bột trắng và những viên đường đỏ, rồi nhân đậu xanh giã nhuyễn dẻo thơm… Mới hay, mùa xuân vẫn ở đấy, trong cái rét tháng 3 còn sót lại và trong những cánh hoa sưa rụng đầy một góc phố quen thuộc…
Cứ 3/3 âm lịch, người Bắc Việt từ miền núi đến miền xuôi, từ nông thôn đến phố thị, đâu đâu cũng có bánh trôi bánh chay. Sáng sớm, dọc các phố phường Hà thành đã “í ới” tiếng chào mời mua bánh. Trên gánh hàng rong của các cô, các chị là những đĩa bánh trôi – viên nào viên nấy tròn đều tăm tắp, những bát bánh chay màu trắng ngà ẩn hiện dưới lớp hạt đậu xanh bóc vỏ, ngạt ngào mùi hương hoa bưởi. Đến nay, cũng không ai rõ Tết bánh trôi bánh chay ở ta có tự bao giờ.
Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương từng có bài vịnh “Bánh trôi nước” truyền đời:
“Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son”
Trong “Thương nhớ mười hai”, Vũ Bằng cũng gọi dậy một tình yêu tha thiết với miền quê Bắc Việt khi đưa vào những áng văn của mình cái thú “nhẩn nha một vài viên bánh trôi, bánh chay” trong tiết trời se lạnh…
Gọi cho dân dã là Tết bánh trôi, bánh chay, chứ kỳ thực, tên gốc của ngày lễ này là “Tết Hàn thực”. Trong tiếng Hán – Việt, “hàn thực” nghĩa là đồ ăn nguội, lạnh. Tết Hàn thực có xuất xứ từ một câu chuyện xúc động về tình nghĩa vua – tôi đời Xuân Thu trong lịch sử Trung Quốc. Sách “Đông Chu liệt quốc” chép: Đời Xuân Thu, vua Tấn Văn Công nước Tấn, lúc đó là công tử Trùng Nhĩ, vì gặp loạn nên phải bỏ nước lưu vong, nay nước Tề, mai nước Sở. Bấy giờ, có một hiền sĩ tên Giới Tử Thôi nguyện một lòng một dạ phò công tử Trùng Nhĩ.
Một hôm, trên đường lánh nạn, lương thực đã cạn sạch, kẻ hiền sĩ Giới Tử Thôi lén cắt một miếng thịt từ đùi mình, nấu lên dâng Trùng Nhĩ. Công tử ăn xong, hỏi ra mới biết tấm lòng của Tử Thôi, cảm kích vô cùng. Thấm thoắt 19 năm trời, Giới Tử Thôi theo phò Tấn Văn Công, cùng nếm mật nằm gai, trải bao gian khổ hiểm nguy. Sau này, Trùng Nhĩ giành lại được ngôi báu, ban thưởng rất hậu cho những người có công, nhưng lại quên mất công lao của Giới Tử Thôi. Tử Thôi không hề oán giận, nghĩ mình phận kẻ bề tôi, có nghĩa vụ phải phò tá vua, nên đưa mẹ già vào núi Điền Sơn ở ẩn.
Một ngày tháng Ba, Tấn Văn Công nhớ ra người đồng cam cộng khổ với mình những tháng năm lưu lạc, bèn cho người đi vời Giới Tử Thôi về đền đáp nghĩa xưa. Tử Thôi lẩn trốn trong rừng, không chịu ra lĩnh thưởng. Vua bèn hạ lệnh đốt rừng, ý thúc Tử Thôi phải ra, song ông không chịu, cuối cùng 2 mẹ con chết cháy. Tấn Văn Công thương xót kẻ trung thần, từ đó ban lệnh nội trong 3 ngày, dân không được đốt lửa, chỉ ăn đồ nguội và lập miếu thờ để tưởng nhớ mẹ con Giới Tử Thôi. Tết Hàn thực có nguồn gốc từ đấy…
Hà Nội bây giờ, hối hả trong nhịp sống hiện đại, dường như ít người ngồi nặn bánh trôi, bánh chay hơn. Quán bánh trôi Tàu của nghệ sĩ hài Phạm Bằng tọa lạc ở số 30 Hàng Giầy – một “biến thể” của bánh trôi nước, có thêm vừng đen, gừng, đôi khi kèm cả những miếng củ mã thầy giòn giòn ngọt mát… hấp dẫn nhiều người cũng bởi cái sự lạ, sự hay! Hàng bánh bán sẵn cũng vì tiện, vì nhanh mà đắt khách mua, nhưng có lẽ chẳng gì thú bằng cả nhà cùng xúm lại nặn bánh, vớt bánh, những câu chuyện xoay tròn bên chén trà và viên bánh trắng muốt một ngày tháng Ba trở gió…
Hương Mai - Petro Times
|