Cuộc hành trình giữa bạt ngàn thông xanh, giữa mênh mông các vườn rau và hoa của chuyến tàu cổ từ ga Đà Lạt đến Trại Mát dài 7km sẽ đưa du khách đến với chùa Linh Phước, ngôi chùa độc đáo còn có tên gọi dân dã là chùa Ve Chai với hàng ngàn, hàng vạn mảnh chai, mảnh sành được khảm một cách tinh xảo.
Chùa Linh Phước được xây dựng vào năm 1949 bởi một số tăng ni, phật tử theo hệ phái Bắc Tông quê ở Thừa Thiên - Huế, đến năm 1952 thì hoàn thành. Tuy vậy, mọi người chỉ bắt đầu biết đến ngôi chùa nhiều hơn kể từ năm 1990, khi sư trụ trì Đại đức Thích Tâm Vị cho trùng tu lại toàn bộ kiến trúc và xây dựng thêm nhiều công trình mới.
Chùa Linh Phước được xây dựng nhờ công đức của các tăng ni, Phật tử
theo hệ phái Bắc Tông quê ở Thừa Thiên - Huế
|
Cột khảm sành hình rồng mang đặc trưng kiến trúc
cung đình Huế
|
Chùa nổi bật với nhiều họa tiết trang trí bằng sành độc đáo
|
Gian chánh điện uy nghiêm, rộng lớn với hai hàng cột khảm sảnh hình rồng.
|
Lư hương khổng lồ khảm sành với phù điêu đầu rồng
trước lầu lục giác
|
Nóc chùa nổi bật với hoa sen khảm sành
|
Lâu nay, các ngôi chùa ở Đà Lạt luôn gây ấn tượng bởi phong cách kiến trúc độc đáo. Nếu Thiền viện Trúc Lâm cuốn hút du khách bởi cảnh quan rộng lớn, cỏ cây tươi tốt quanh năm, hay chùa Tàu với ba tượng Phật bằng gỗ trầm gây tò mò thì kiến trúc chùa Linh Phước được tạo nên từ chính tâm huyết của vị sư trụ trì. Đầu tiên phải kể đến là Long Hoa Viên, công trình tạc hình con rồng uốn lượn dài tới 49m quanh tượng đài Phật Di Lạc. Vây rồng được làm bằng mảnh vỡ của 50.000 vỏ chai, bên cạnh thân rồng có hồ nước và hòn giả sơn, có tượng Phật Di Lạc ngự trên đỉnh. Trước khu vực này là tòa Linh tháp - bảo tháp cao nhất Đà Lạt hiện nay với 7 tầng, cao 36m. Đây là nơi thờ Phật, tôn trí xá lợi và cũng là bảo tàng viện.
Bảo đài Quan Thế Âm Bồ Tát ngay trước sân chùa cũng được tạo dáng rất hài hòa, cân đối. Trên hết, hình tượng con rồng gần như bao quát toàn bộ kiến trúc của chùa Linh Phước, được chạm khắc, bài trí rất công phu trên các hàng cột, trên mái chùa cong… Cả tòa Chánh điện và Tiền đàn bảo tháp đều có kiến trúc đồ sộ và chạm trổ hình rồng. Dọc hai bên chánh điện là hai hàng cột rồng khảm mảnh sành tương tự như phong cách khảm tại các lăng mộ vua nhà Nguyễn. Bên trên hai hàng cột ấy là những bức phù điêu khảm sành mô tả lịch sử Đức Phật Thích Ca. Phía sau Tổ đường có bức phù điêu Thập bát La Hán và Thập mục Ngưu đồ, tất cả đều có vẻ đẹp hoành tráng đến kì vĩ. Riêng lầu 1 có gian thờ 108 tượng "Thiên thủ thiên nhãn", trong nội điện là tượng Phật Thích Ca cao 4,9m kể cả tòa sen, phía trước được làm bằng bê-tông cốt thép, bên ngoài thếp vàng, phía trước là bức “Cửu long môn” uốn mình chầu Phật.
Các góc đầu đao khảm sành cong vút lên nền trời xanh
|
Đại hồng chung có đường kính rộng 2,34m,
nặng 8.500kg và cao 4,38m
|
Các bức tượng hộ pháp khảm sành uy nghi và đường bệ
|
Ngoài kiến trúc đặc biệt, nơi đây còn có một đại hồng chung được coi là lớn nhất Việt Nam. Chiếc chuông này có từ năm 1999 được đặt ở vị trí trang trọng với một dàn trụ thép đỡ kiên cố. Chuông nặng 8.500kg, chiều cao 4,38m, đường kính rộng 2,34m. Thân chuông thể hiện sự tinh xảo của nghệ thuật chạm trổ với nhiều chi tiết, gồm bốn chữ Linh Phước Tự Chung, các tượng Phật có 16 vị và đặc biệt là một bài về cách thỉnh chuông cùng các cảnh chùa Một Cột, chùa Thiên Mụ, chùa Linh Phước, tháp Bồ Đề Đạo Tràng (Ấn Độ)… Đại hồng chung xoay vòng được với bốn mặt Xuân, Hạ, Thu, Đông có 8 rồng chầu. Cứ theo mùa mà xoay mặt chuông để đánh. Du khách có thể tự tay đánh ba lần vào chuông để tiếng chuông vang đi rất xa khi thời gian tưởng như ngưng đọng ở ngôi chùa Ve Chai độc đáo./.
(Theo BAVN)