(Petrotimes) - Cứ mỗi độ xuân về, người dân thôn Nghĩa Trung (nay là Khu 1), thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc (Quảng Nam) lại tất bật với công việc sản xuất bánh tráng cuốn.
Bánh tráng được người dân dùng bột gạo tráng trên khuôn cho chín và được vớt ra để đem phơi ngoài nắng
Cùng với bánh tráng dừa Bình Định, bánh tráng phơi sương Tây Ninh thì bánh tráng cuốn Đại Lộc từ xưa đến nay được rất nhiều người ưa chuộng. Và cứ mỗi dịp tết đến, người dân nơi đây đều sản xuất bánh tráng để bán và làm quà tết cho bà con ở xa.
Thôn Nghĩa Trung của huyện Đại Lộc là khu vực có số lượng người tráng bánh lớn nhất và bánh tráng ở đây rất nổi tiếng, được bán tại nhiều thành phố lớn, đặc biệt là Đà Nẵng. Có khi, bánh tráng ở đây được bà con Việt kiều mua làm quà tết để đem ra nước ngoài.
Theo ghi nhận, tại thôn Nghĩa Trung có đến gần 25- 30 hộ theo nghề tráng bánh. Vào những thời điểm cận tết hoặc sau Tết Nguyên đán, bánh tráng được phơi dọc đường và được nhiều thương lái dùng xe ô tô để chở các giỏ bánh to tướng để đem đến các thành phố lớn như Đà Nẵng, Tam Kỳ, Hội An bán.
Nghề tráng bánh cuốn ở đây thuộc nhóm nghề cổ truyền và được xem như nghề chính của nhiều người dân tại khu vực này, được truyền từ đời này sang đời khác. Tại lò bánh tráng của anh Phạm Duy (48 tuổi) thôn Nghĩa Trung, cả gia đình anh đang tất bật làm bánh tráng. Anh Duy cho biết: Gia đình anh làm bánh tráng cuốn đã gần 20 năm. Hiện nay, trong cơ sở sản xuất của anh có 2 lò tráng bánh, một lò sấy bánh bằng than.Cứ độ khoảng mùng mười tháng Chạp là vợ chồng anh lao vào làm bánh tráng tết để phục vụ nhu cầu mua bánh của người dân. “Cũng nhờ nghề tráng bánh này mà vợ chồng tui có thu nhập để lo cho con cái ăn học”, anh Duy tâm sự.
Tại cơ sở sản xuất bánh tráng của chị Nguyễn Thị Xuân (44 tuổi) cũng ở thôn Nghĩa Trung, thị trấn Ái Nghĩa, cũng đang bận rộn với công việc sản xuất bánh tráng để bỏ các chợ đầu mối và các thương nhân. Cơ sở của chị Xuân gồm 3 lò tráng bánh, 2 lò sấy bánh tráng bằng than được xây dựng khá khang trang và 3 nhân công. Chị Xuân cho biết, mỗi ngày chị sản xuất khoảng 100kg bánh tráng. Mỗi kg bánh tráng bán ra có giá dao động khoảng 25- 30 nghìn đồng/1 kg. Như vậy, một ngày làm bánh, nếu trừ chi phí sản xuất, than để sấy bánh, trả tiền nhân công, chị kiếm lời khoảng 200- 300 nghìn đồng.
Nghề tráng bánh cuốn ở Đại Lộc rất lam lũ, vất vả và phụ thuộc vào thời tiết. “Nếu trời nắng ấm, có thể phơi bánh ngoài trời, thì bánh sẽ mau khô và rất dẻo. Còn như trời mưa thì phải sấy bằng than hầm, tốn chi phí mua than mà bánh thì không được ngon và dẻo cho lắm”, chị Xuân cho biết thêm.
Bánh tráng cuốn Đại Lộc được làm bằng bột gạo và trải qua nhiều công đoạn như tráng bánh, phơi bánh, đóng bánh vào giỏ mới có được một chiếc bánh tráng trắng trẻo, dẻo ngon. Bánh tráng Đại Lộc thường cuốn với rau sống, thịt heo. Trong những dịp lễ, tết thì bánh tráng cuốn Đại Lộc là món không thể thiếu trên bàn ăn, mâm cỗ của người dân xứ Quảng.
Sau đây là một số hình ảnh chúng tôi ghi lại không khí tất bật về công việc chế biến và mua bán bánh tráng tại thôn Nghĩa Trung, huyện Đại Lộc, Quảng Nam:
Bánh tráng được đem phơi trên các khuôn bằng tre hoặc lưới nhựa
Cơ sở sản xuất bánh tráng cuốn của anh Phạm Duy đến nay đã được gần 20 năm. Nhờ nghề này mà anh có thu nhập để nuôi con ăn học
Bánh sau khi tráng vớt ra được người dân úp lên khuôn bằng tre để đem phơi ngoài nắng
Trẻ em ở đây cũng tham gia công việc gỡ bánh
Bánh tráng sau khi gỡ vào được người dân xếp lại cho ngăn nắp và dùng các vật nặng để đè lên cho bánh xẹp xuống
Bánh tráng Đại Lộc được xếp vào giỏ tre để phân phối tại các khu vực như Đà Nẵng, Tam Kỳ, Hội An…
Bánh tráng cuốn thịt heo là món ăn không thể thiếu của người dân xứ Quảng vào mỗi dịp lễ, tết
Ái Nghĩa
|