Ảnh minh họa
|
Ẩm thực độc đáo của đồng bào Tây Nguyên
Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk, Đăk Nông và Lâm Đồng, là địa bàn sinh sống của nhiều dân tộc: Kinh, Êđê, Giarai, Mạ, Xơđăng, Bana, K’ho… Họ đều là những dân tộc cư trú lâu đời ở vùng đất này. Không biết từ bao giờ, rượu cần đã hiện diện trong đời sống của người dân nơi đây. Rượu cần được quý bởi nhiều lẽ. Người Tây Nguyên cho rằng, rượu của họ là do Giàng (Trời) bày cho cách làm, vậy nên khi muốn cầu thần linh chứng giám một việc gì đó, bắt buộc phải có rượu cần, phải như thế thì lời cầu nguyện của họ mới linh nghiệm.
Chính vì sự thiêng liêng đó, nên rượu cần được làm khá công phu. Nguyên liệu, cách làm rượu cần vốn là công thức bí truyền của người dân Tây Nguyên. Là một loại thức uống, nhưng mỗi dân tộc có một công thức khác nhau làm nên hương vị riêng biệt cho rượu, tùy thuộc vào loại thảo mộc tạo men rượu và những nguyên liệu: gạo nương, có thể thêm khoai mì, bắp, hạt cào – một loại cỏ ở Tây Nguyên, bo bo, kê… nhưng chủ yếu vẫn là gạo tẻ, vì rượu làm bằng ngô hoặc sắn thì có vị đắng khó uống, gây đau đầu ảnh hưởng tới sức khỏe.
Phương pháp làm rượu cũng khá đơn giản. Gạo nấu thành cơm rồi trộn với trấu, dàn mỏng đem phơi. Men rượu được người dân tộc chế từ vỏ cây lấy trong rừng, trộn với bột ớt, bột gừng, giềng, bột gạo, một số thứ lá và rễ cây khác, trộn với nước và cắt thành từng bánh nhỏ phơi khô, để 10 đến 15 ngày giã nhỏ rắc lên nia cơm, trộn thêm 1 lần trấu đổ vào ché rồi ủ từ 1 đến 2 ngày, lấy lá chuối khô ủ kín. Sau 1 tháng đem dùng, khi uống lót lá chuối tươi ở trên, đổ nước đầy ché, dùng cần cắm xuyên qua các tầng lá xuống đáy ché, uống cạn tới đâu chế thêm nước tới đó. Cái độc đáo của rượu cần là càng để lâu rượu cần càng ngọt nồng nàn chứ không bị đắng.
Làm đậm đà hương vị ngày Tết
Ở Tây Nguyên, gia đình nào cũng biết làm rượu cần, những bí quyết riêng chỉ khác nhau theo sở thích của từng người. Rượu cần được làm thường xuyên, nhưng chủ yếu dùng vào những ngày có việc của buôn làng hay gia đình như: cúng Giàng, mừng thọ, lễ cưới, ma chay… Đặc biệt trong những nghi lễ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Gia đình hay buôn làng nào có việc thì mọi gia đình khác đều chuẩn bị ché rượu to nhất, ngon nhất của mình để đem tới góp chung, tạo nên tình cảm gắn bó thân tình trong cộng đồng.
Rượu cần là thứ không thể thiếu trong hầu hết các hình thức sinh hoạt văn hóa của người Tây Nguyên. Lễ hội càng lớn, rượu cần càng nhiều (trên cơ sở đóng góp của các thành viên trong làng). Rượu cần càng nhiều thì lễ càng trang trọng và hội càng vui.
Ảnh minh họa
|
Uống rượu cần là một nét văn hóa đặc sắc lại có cái hay đặc trưng của nó. Uống rượu, không phải uống sao cũng được, đây là cả một nghi thức linh thiêng. Vào dịp năm mới, chủ nhà thay mặt cả gia đình chúc khách sức khỏe, sống lâu và gặp nhiều may mắn. Trước khi vào cuộc, chủ nhà hay chủ lễ đọc lời khấn xin phép Giàng để mọi người được uống rượu. Già làng hoặc chủ lễ uống đầu tiên, sau đó đến những người tham dự theo thứ tự từ lớn đến nhỏ, nam nữ. Chủ nhà là người uống trước để chứng tỏ thiện ý ché rượu là tốt, không có độc. Sau khi uống ngụm đầu tiên, chủ nhà sẽ đưa cần mời khách, thể hiện lòng mến khách của gia chủ. Khách đỡ lấy cần bằng hai tay, tay trái đặt lên đầu cần, tay phải cầm ở thân cần, sát miệng ché, nhẹ nhàng vuốt dọc lên rồi uống. Trong thời gian uống, người uống có thể hút từng ngụm nhỏ, môi rời khỏi đầu ống để trò chuyện hoặc hát (bao lâu cũng được) nhưng không được rời tay khỏi cần rượu cho đến khi nào uống xong phần rượu của mình. Cứ như thế trong suốt cuộc rượu, chiếc cần chỉ được phép chuyển từ tay người này sang tay người khác mà không được để rời ra. Nếu ai đó buông cần (dù là vô tình) thì đuợc coi là thất lễ với chủ nhà.
Quanh ché rượu cần ngày Xuân, người ta bàn chuyện làm ăn với nhau; trai gái thổ lộ tâm tình yêu thương thầm kín. Trong ngày Tết, bên ché rượu cần, còn có những cây thịt rừng nướng, cá sông nướng thơm phức. Vừa uống rượu, vừa nhâm nhi miếng mồi, vừa trò chuyện, thú vị biết bao!
Trong cuộc uống rượu đãi khách ngày Xuân, cả chủ lẫn khách đều mang cảm giác lâng lâng vì hơi men, vì hương sắc mùa Xuân, tiếng ca cất lên hòa trong tiếng nhạc. Đến đỉnh điểm cuộc vui, mọi người vừa hát vừa gõ cồng chiêng vang vọng trầm hùng vang xa khắp một vùng rừng núi Tây Nguyên.
Hiện nay, rượu cần không chỉ là thức uống dành riêng cho đồng bào mà đã được thương mại hóa đem xuống miền xuôi bán cho du khách gần xa. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch Tây Nguyên đã đưa rượu cần vào kinh doanh, bày bán ở các khu du lịch, điểm tham quan, nhà hàng… như một cách giới thiệu sản phẩm du lịch văn hóa ẩm thực đặc sắc của người dân bản địa.
Minh Sơn (tổng hợp)