Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam có rất nhiều ca dao, tục ngữ, thành ngữ sử dụng hình ảnh các con vật. Bước vào Năm mới- Giáp Ngọ, chúng ta cùng tìm hiểu một số tục ngữ, thành ngữ gắn liền với hình ảnh con ngựa.
|
Thành ngữ Thẳng ruột ngựa
Khi nói về tính cách của mọt con người bộc trực, thẳng thắn, nghĩ sao nói vậy, không lắt léo, không giấu diếm, giữ kín những điều suy nghĩ, những tâm tư riêng của mình, nhân dân ta thường hay dùng thành ngữ “Thẳng ruột ngựa” để ví.
Thành ngữ Thẳng ruột ngựa được hình thành nhờ vào sự quan sát con vật nuôi quen thuộc. Ngựa là con vật ăn cỏ như trâu bò. Ruột ngựa rất dài, đặc biệt đoạn nối ruột non với dạ dày, gọi là manh tràng, cũng rất dài và rất lớn. Đoạn này là một ống dài tới một mét, thẳng và to với đường kính 25-35cm. Quá trình tiêu hóa chủ yếu diễn ra ở đây chứ không phải là ở dạ dày. Có lẽ dựa vào cơ sở giải phẫu nội tạng của ngựa và căn cứ vào những điều thu nhận được bằng quan sát trực quan, mà trong nhận thức của người Việt Nam, ruột ngựa được xem là một đối tượng về tính chất thẳng, trái với cong.
Thoạt đầu, phép so sánh Thẳng ruột ngựa chắc là chỉ miêu tả tính chất hình thể, vật thể mà con người có thể thấy được, quan sát được. Tuy nhiên, trong tiếng Việt, ruột hay bụng, lòng, dạ đều có ý nghĩa biểu trưng cho tình cảm, tâm tư, suy nghĩ, nhận thức của con người, như: ruột đau như cắt, nóng gan nóng ruột, ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều, ruột để ngoài da.v.v...
Chính nhờ biểu trưng này mà thành ngữ Thẳng ruột ngựa được chuyển từ ý nghĩa miêu tả đặc điểm, tính chất cụ thể bề ngoài đến ý nghĩa biểu thị tính tình con người hoặc tính chất trừu tượng thuộc phạm vi tinh thần. Trong sử dụng ngôn ngữ, thành ngữ Thẳng ruột ngựa thường được dùng để chỉ sự bộc trực ngay thẳng, thật thà của tính cách con người. Trong đối xử, người có tính Thẳng ruột ngựa được xem là người hiền lành, không có ác tâm, không lắt léo, không tính toán vòng vo, không cân nhắc hơn thiệt, nhỏ mọn.
Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ
Tục ngữ này còn được nói là “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”. Một trong những truyền thống đạo lý của người Việt xưa và nay là Thương người như thể thương thân. Đặc biệt, trong hoạn nạn, gian khổ thì đạo lý đó được nhân lên gấp bội. Một ai đó trong cộng đồng gặp hoạn nạn thì tất cả tập thể cũng chia sẻ nỗi bất hạnh, thương đau. Tục ngữ “Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ” nói lên điều cốt lõi của tinh thần đạo lý đẹp đẽ đó.
Tục ngữ này chia làm 2 vế. Vế “Một con ngựa đau” hàm chỉ sự hoạn nạn của một cá thể. Còn vế “cả tàu không ăn cỏ” biểu thị sự chia sẻ của đồng loại. “Tàu” ở đây là danh từ chỉ loại chuồng để nuôi voi, ngựa: “tàu voi, tàu ngựa”. Khi kết hợp “cả tàu”, cụm từ này mang nghĩa chỉ tập hợp- tất cả thành viên- tất cả các con ngựa trong chuồng. Sự kết hợp 2 vế với ý nghĩa riêng ấy tạo thành một chỉnh thể nhằm khuyên bảo mọi người “cần chia sẻ nỗi đau của người khác trong hoạn nạn”.
Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã
Người tốt tìm đến người tốt làm bạn tri âm để cùng thực hiện chí hướng của mình. Cũng như vậy, kẻ xấu lại tìm gặp kẻ xấu để cấu kết cùng nhau thực hiện mưu đồ xấu xa của mình. Đó chính là ý nghĩa của câu tục ngữ “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”.
Trong ý thức dân gian, trâu (ngưu) và ngựa (mã) thường được coi là biểu tượng của những thân phận thấp hèn (thân trâu ngựa) với tâm địa độc ác (đầu trâu mặt ngựa). Do vậy, câu tục ngữ “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” đúc kết kinh nghiệm trong cuộc sống về quan hệ giữa người với người: phàm những kẻ cùng có lòng dạ xấu xa thì tìm đến với nhau, kết bè kéo cánh làm bạn với nhau.
Ngựa Tái Ông
Phúc- họa, may- rủi là những điều khó đoán định, khó lường trước được. Cách nói “Ngựa Tái Ông” được xuất phát từ dạng thức Hán Việt “Tái Ông thất mã” (Tái Ông mất ngựa) với một câu chuyện đầy kịch tính.
Có người đàn ông tên là Tái Ông có một con ngựa quý tự nhiên biến mất. Những người quen biết đến nhà hỏi thăm, ông nói với họ: “Biết đâu lại là phúc đó”. Quả nhiên, ít hôm sau ngựa quý quay về, lại còn đem theo mấy con ngựa khác về cùng. Người quen đến chúc mừng, ông lại nói: “Biết đâu lại là họa đó”. Con trai ông thấy có nhiều ngựa, suốt ngày mải mê chơi bời đua ngựa, chẳng may ngã ngựa gãy cả chân. Người quen đến chia buồn, ông vẫn ung dung nói: “Biết đâu lại là phúc đó”. Sau đó ít lâu, đất nước có giặc, trai trẻ phải ra trận, nhiều người chẳng bao giờ quay về nữa, riêng con trai ông vì tàn tật mà được ở lại và sống sót. Quả là phúc- họa đó, chẳng đoán định được.
Thành ngữ Ngựa Tái Ông được dùng nói tới cả phúc lẫn họa. Nhưng dần dần trên thực tế, khi ai đó gặp tai họa, người ta hay dùng thành ngữ “Ngựa Tái Ông” với ý nghĩa an ủi, động viên người gặp nạn.
Trước vành móng ngựa
“Vành móng ngựa” là biểu tượng của tòa án nói riêng và của pháp luật nói chung. Trong các phiên tòa, các bị cáo đều phải đứng vào vành dành riêng cho họ. Vành này được tạo dáng theo khuôn mẫu của móng ngựa, do đó mới thành tên gọi “vành móng ngựa”.
Vì thế, khi nói “trước vành móng ngựa” thì được hiểu là “trước tòa án”, “trước pháp luật” và chịu sự phán xử và trừng phạt của pháp luật.
Ngoài ra, còn nhiều câu thành ngữ khác có sử dụng hình ảnh con ngựa như: “Ngựa bất kham” để chỉ những người có tính khí hung hãn, bất trị; “Mã đáo thành công” với ý nghĩa rằng cứ bắt tay vào việc rồi sẽ thành công. Hay cũng có câu ca dao: “Ngựa hay chẳng quản đường dài, nước kiệu mới biết tài trai anh hùng”, để nói rằng qua thử thách thì mới biết tài năng của con người.
Trong dịp đầu xuân năm mới chúng ta cùng tìm hiểu vốn quý trong văn hóa dân gian, và chúc nhau một năm mới “Mã đáo thành công”!/.
*Bài viết có sử dụng tài liệu của sách “Kể chuyện thành ngữ, tục ngữ” (Viện Ngôn ngữ học), Từ điển Thành ngữ và tục ngữ Việt Nam (GS Nguyễn Lân), Từ điển Thành ngữ Việt Nam (Nguyễn Như Ý, Nguyễn Văn Khang, Phan Xuân Thành).
Bích Đào/VOV online