Gắn với ngôi nhà truyền thống
Người Mạ ở Lâm Đồng có tính cộng đồng rất cao thể hiện ở cả hai mặt đời sống là gia đình và xã hội. Đứng đầu buôn làng là chủ làng (quăng bon), bên cạnh đó còn có già làng, tộc trưởng, thầy cúng là người có uy tín trong làng… Các gia đình thường tồn tại ở dạng dòng tộc với nhiều thế hệ, sống tập chung trong một ngôi nhà lớn còn gọi là nhà dài (hìu rọt). Trong một ngôi nhà dài có thể có nhiều hộ gia đình nhỏ cùng dòng tộc sinh sống với nhiều thế hệ khác nhau. Các tiểu gia đình tuy sống chung trong một ngôi nhà nhưng có một sự độc lập tương đối trong tổng hòa các mối quan hệ của đại gia đình.
Đứng đầu mỗi ngôi nhà dài là một chủ nhà (pô hìu). Chủ nhà là người chỉ huy toàn bộ hoạt động của mọi thành viên trong nhà dài, từ việc làm nương rẫy, săn bắt, duy trì các hoạt động trong nhà…cho đến việc cúng tế các thần linh. Người đứng đầu gia đình thường là người đàn ông cao tuổi nhất. Khi người chủ nhà mất, quyền hành được trao cho người con trai lớn. Mọi việc quan trọng trong gia đình sẽ do người con trai lớn quyết định nhưng vẫn phải tham khảo ý kiến của người già dù đó có thể là phụ nữ.
Sinh hoạt thường ngày của một gia đình người Mạ. Ảnh: Xuân Dũng
|
Coi trọng tính cộng đồng
Quan hệ giữa các thành viên trong gia đình khá bình đẳng. Biểu hiện rõ nét nhất là toàn bộ các thành viên trong gia đình đều cùng lao động chung trên những lô rẫy và sự hiện diện của kho thóc chung, bếp ăn chung trong mỗi ngôi nhà dài truyền thống. Điều này làm cho trong tâm thức của người Mạ luôn coi trọng tính cộng đồng và họ luôn đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau để cùng nhau phát triển.
Trong một ngôi nhà truyền thống, thứ tự các chiếu ngủ được bố trí theo nguyên tắc cạnh các bếp lửa và từ phải qua trái. Bố mẹ hoặc chủ nhà ở đầu bên phải của ngôi nhà. Khu vực này cũng là nơi ngủ dành cho khách, tiếp đến là những người có vị trí thấp hơn, đầu cuối cùng được bố trí cho người con gái út hoặc những cặp vợ chồng trẻ mới cưới.
Duy trì hơi lửa ấm
Bếp lửa trong nhà chiếm một vai trò rất quan trọng trong đời sống văn hóa người Mạ. Số lượng bếp lửa cho biết số lượng gia đình sinh sống trong ngôi nhà dài. Bếp lửa vừa là nơi nấu ăn hàng ngày, vừa là nơi sưởi ấm khi trời lạnh.
Các bếp lửa luôn được một người già trong nhà canh giữ để duy trì ngọn lửa. Đây được coi là một công việc quan trọng, việc để tắt ngọn lửa được coi là điều kiêng kỵ, không mang lại may mắn đến với gia đình. Việc duy trì hơi ấm của lửa trong nhà sẽ giúp cho mọi người ấm hơn khi trời lạnh, xua đuổi thú dữ, tránh được ruồi, muỗi, côn trùng… nhờ khói và hơi ấm của ngọn lửa.
Khi trong nhà có người lập gia đình, hoặc sinh thêm thành viên mới, ngôi nhà sẽ được nối dài ra để đủ diện tích sống. Đầu nhà được nối dài ra theo hướng bên trái của ngôi nhà (hướng có cửa đầu hồi). Việc nối dài ngôi nhà phải được sự thống nhất của các thành viên trong gia đình dưới sự quyết định và chủ trì của chủ nhà. Khi diện tích nhà được mở rộng ra cũng là lúc người ta làm thêm các bếp ăn mới. Cứ như vậy ngôi nhà truyền thống của người Mạ trước đây được nối dài ra mãi.
Một dân tộc hiếu khách
Khách đến chơi nhà người Mạ luôn được coi là khách chung của cả đại gia đình và được đón tiếp rất chu đáo. Khi nhà có khách quý đến chơi chủ nhà sẽ là người tiếp khách gần bên bếp lửa tiếp khách chung của cả nhà hoặc bếp lửa của chủ nhà. Nếu khách ở lại qua đêm sẽ được bố trí ngủ gần bếp dành cho khách hoặc bếp dành cho chủ nhà. Chủ nhà thường mời khách uống rượu cần và những gì quý nhất của gia đình.
Đến bữa cơm, các tiểu gia đình sống trong nhà có thể vẫn ăn riêng, nhưng sẽ mang đến một phần thức ăn của mình để đãi khách. Người khách sẽ ăn mỗi phần thức ăn được mang tới một ít để tỏ lòng tôn trọng các gia đình. Khi dùng xong bữa, các tiểu gia đình sẽ mang phần thức ăn còn lại về cất đi, đến bữa sau lại tiếp tục như vậy.
Khi trong nhà tổ chức các nghi lễ cúng thần linh, ông bà tổ tiên hoặc trong làng tổ chức lễ hội, phần đóng góp các sản vật, lễ vật đều được chia đều cho các thành viên trong gia đình và do chủ nhà đứng ra chủ trì.
Các tập tục sinh hoạt gắn với ngôi nhà truyền thống của người Mạ nói nên tính cộng đồng, đoàn kết và thống nhất rất cao trong nếp sống gia đình và xã hội của người Mạ. Ngày nay nếp sống truyền thống trong gia đình người Mạ đang bị thay đổi bởi sự hội nhập văn hóa diễn ra khá sâu sắc trên mọi lĩnh vực. Việc bảo tồn những giá trị văn hóa tốt đẹp qua nếp sống gia đình người Mạ sẽ góp phần làm cho sắc thái văn hóa của các dân tộc ở Lâm Đồng nói riêng và vùng Nam Tây Nguyên nói chung thêm phần đặc sắc.
Người Mạ là một dân tộc bản địa sinh sống từ lâu đời ở vùng đất Nam Tây Nguyên, trong đó tập chung nhiều tại các huyện phía Nam tỉnh Lâm Đồng. Trong văn hóa đời sống vật chất, trang phục và nhà ở truyền thống là hai thành tố văn hóa được xem là tiêu biểu làm nên bản sắc văn hóa đặc sắc của tộc người Mạ.
(Theo Làng Việt)