Nước ta vốn nổi tiếng với sự đa dạng, phong phú của các lễ hội truyền thống được trải dài trong suốt cả năm, nhưng chủ yếu vẫn là các lễ hội vào mùa Xuân. Mùa Xuân là mùa khởi đầu cho một năm, mùa sinh sôi nảy nở của vạn vật, cỏ cây... Và giữa tiết trời của những ngày đầu Xuân ấy, mọi người lại nô nức rủ nhau đi hội, hành hương về cội nguồn để được vui chơi, tận hưởng khí Xuân và cầu mong cho một năm mới bình an, mùa màng tốt tươi, con người hạnh phúc... Nhân dịp Tết Nhâm Thìn, Quê Hương xin trân trọng giới thiệu một số lễ hội đầu Xuân nổi tiếng ở nước ta, để độc giả có thêm lựa chọn cho những địa điểm tham quan, du lịch trong những ngày đầu năm.
Lễ hội Chùa Hương
Du khách chèo thuyền, thắng cảnh Chùa Hương
|
Đã thành thông lệ, cứ vào những ngày đầu năm mới, hàng triệu Phật tử và du khách từ bốn phương lại nô nức kéo về trẩy hội Chùa Hương (Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội), về với miền đất Phật, nơi Quan Thế Âm Bồ Tát tu hành để dâng lên Người nén hương cùng lời nguyện cầu cho một năm mới bình an.
Ngày mồng 6 tháng Giêng được coi là ngày khai hội Chùa Hương, và lễ hội được kéo dài cho đến hạ tuần tháng 3 Âm lịch. Tất cả đền, chùa, đình, miếu thời gian này đều nghi ngút khói hương, cùng với màn sương dày đặc phủ kín núi rừng, càng khiến ta có cảm giác như lạc vào cảnh tiên cõi Phật.
Vào ngày khai hội, người dân thường tổ chức rước thần ra đình. Cờ trống đi trước, dàn nhạc bát âm theo sau, mọi người thành tâm tiễn thần. Không khí đó làm tâm hồn mỗi người được sảng khoái, thanh tịnh. Còn trong suốt những ngày hội, từng đoàn người trẩy hội vào ra, kẻ đi lên, người đi xuống, dù quen hay không quen cũng vui vẻ chào nhau: “Nam mô A di đà Phật”, như gửi gắm lời chúc bình an trong năm mới.
Trên sông nước, hàng trăm con thuyền tấp nập vào ra. Đây là nét độc đáo của lễ hội Chùa Hương khi những du khách được hưởng thú vui ngồi trên thuyền, hòa mình vào sông nước mênh mông, ngắm cảnh núi non tiên bồng.
Đến với lễ hội này, ngoài lênh đênh trên sông nước, du khách còn có một hành trình leo núi thăm các hang, động, vãn cảnh chùa chiền. Bởi vậy, dù một vài năm gần đây, tuy đã có cáp treo giúp đi lại thuận tiện, nhanh chóng nhưng Phật tử bốn phương dù mệt vẫn muốn tự mình leo núi, một là để thể hiện sự thành tâm hướng Phật, hai là được ngắm cảnh núi sông, hòa mình vào không khí ngày hội.
Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn
Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn diễn ra từ 5 - 7 Tết Âm lịch, tại huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, là một lễ hội mang ý nghĩa khuyến nông và là một nét đẹp của văn hóa dân tộc.
Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn
|
Theo sử sách ghi lại thì lễ hội này được bắt đầu vào khoảng thế kỷ thứ X ở Hà Nam. Mùa Xuân năm 987, lần đầu tiên, vua Lê Đại Hành cùng văn võ bá quan cày ruộng ở Đọi Sơn và bắt được chum vàng. Từ đó, hàng năm vào đầu Xuân, nhà vua ra đồng cày ruộng, làm Lễ Tịch điền, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Về sau, các triều đại đều tiếp nối duy trì nghi lễ này với nhiều cách thức khác nhau.
Sau một thời gian dài biến động và bị gián đoạn, từ năm 2009, Lễ hội này đã được phục hồi lại. Hiện nay, Lễ hội Tịch điền bao gồm các nghi lễ và diễn xướng, kết hợp với những hoạt động văn hóa, văn nghệ như rước chân nhang vua Lê Đại Hành, lễ rước nước, lễ sái tịnh... Và quan trọng nhất là Lễ Tịch điền Đọi Sơn, tái hiện huyền tích từ thời Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn nhận thấy núi Đọi có vị trí chiến lược quan trọng với kinh đô Hoa Lư đến khi lên ngôi vua, Lê Đại Hành về chân núi Đọi cày ruộng để khuyến khích mở mang nông nghiệp.
Lễ hội Lim
Liền anh, liền chị hát giao duyên tại Hội Lim
|
Lễ hội Lim được diễn ra tại xã Nội Duệ, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh từ ngày 13-15 tháng Giêng. Không biết bị thu hút bởi những trò chơi dân gian tín ngưỡng đặc sắc hay bởi những làn điệu Quan họ đằm thắm, mà cứ khoảng 12, 13 tháng Giêng hàng năm, không hẹn mà gặp, người người nô nức kéo về vùng Lim trẩy hội.
Tuy ngày 13 mới là chính hội nhưng năm nào cũng vậy từ ngày 12, tại đồi Lim - nơi diễn ra lễ hội - đã tưng bừng các trò chơi dân gian và những làn điệu Quan họ quen thuộc. Những người lần đầu đến Hội Lim hẳn sẽ ngạc nhiên trước một lễ hội được diễn ra trên khoảng không gian rất rộng lớn như vậy, bao gồm hai xã Nội Duệ, Liên Bão và thị trấn Lim.
Những trò chơi dân gian truyền thống tại Hội gồm có đu tiên, vật, đập niêu, thi cờ người, dệt cửi, kéo co... Dòng người tấp nập cả già, trẻ, gái, trai đều cố gắng xem cho được những trò chơi dân gian mà mình yêu thích.
Tuy vậy, điều khiến cho những du khách thập phương say mê, náo nức hơn cả khi đến với Hội Lim vẫn là những làn điệu Quan họ. Vào ngày hội, phía bên Đình Lim, các liền anh, liền chị rong thuyền rồng hát để phục vụ du khách. Có cảm giác, người ta có thể nghe Quan họ cả ngày mà không chán. Quả thật, bằng sự tiếp đón lịch lãm, tinh tế đối với bạn thân tình, cộng với lề lối đối đáp uyển chuyển trong từng làn điệu đã tạo nên sức hấp dẫn kì lạ của Quan họ đối với cả người chơi và người thưởng thức, tạo nên một nét văn hóa riêng có của vùng Bắc Ninh - Kinh Bắc.
Hội vật làng Sình
Hội vật làng Sình tại xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế được tổ chức vào ngày mồng 10 tháng Giêng hàng năm. Với truyền thống hơn 200 năm, Hội vật làng Sình đã trở thành một lễ hội văn hóa - thể thao đậm nét miền đất cố đô và vẫn được duy trì cho tới ngày nay.
Hội vật làng Sình - sân chơi thú vị vào đầu Xuân
|
Ngay từ khi bắt đầu, Hội vật làng Sình đã khác với những hội vật ở làng quê khác, bởi việc tổ chức hội chỉ nhằm mục đích giải trí đơn thuần mà không vì mục đích tuyển chọn võ sĩ cho triều đình phong kiến xưa. Ngoài ra, các đấu sĩ cũng không nhất thiết phải là người địa phương mà bất kỳ khán giả nào cũng có thể tham gia. Cũng bởi đặc điểm riêng có này mà dù đã trải qua một thời kỳ dài với bao thăng trầm, Hội vật làng Sình vẫn được duy trì đều đặn. Và cứ vào ngày mồng 10 Tết, cả làng lại trống giong cờ mở, chào đón các đô vật về tranh sức tranh tài.
Không giống như các hội võ cổ truyền của Bắc Bộ, sới của hội vật không trải thảm mà vẫn dùng bằng đất cát, trên nền sới vuông, cao 1,5m, mỗi cạnh rộng 8m. Tại sới vật, vị Chấp lệnh đánh trống khai hội, các đô vật đến đăng ký và lần lượt thi đấu từng đôi một. Các đô vật phải nhất nhất tuân thủ nghiêm lệnh trọng tài thông qua tiếng trống của vị Chấp lệnh.
Mục tiêu của Hội vật làng Sình là luôn chú trọng đến việc rèn luyện sức khỏe, không quá đặt nặng tư tưởng thắng, thua. Bởi vậy, hội vật này xứng đáng là một sân chơi đầu Xuân đầy ý nghĩa, đề cao tinh thần thượng võ, là điểm du lịch lý thú để du khách có thể xem và trực tiếp tham dự đấu vật nhằm rèn luyện thể lực, nhân cách sống đẹp, sống khỏe.
Lễ hội núi Bà Đen
Lễ hội núi Bà Đen (còn được gọi là Lễ hội Linh Sơn Thánh Mẫu) tại Tây Ninh được diễn ra vào hai dịp trong năm. Một là từ ngày 10-15 tháng Giêng Âm lịch. Hai là vào ngày 5-6 tháng Năm Âm lịch.
Di tích Núi Điện Bà
|
Theo truyền thuyết, có một người con gái tên là Ðênh (sau gọi chệch sang là Ðen) vốn sùng Phật, là con một viên quan trấn thủ người Miên. Do từ chối ép duyên với con quan trấn vùng Trảng Bàng, nàng Ðênh bỏ nhà trốn lên núi xuất gia và chết ở đó. Sau này, triều đình nhà Nguyễn đã cho đúc tượng đồng đen và sắc phong cho bà là “Linh Sơn Thánh Mẫu”.
Quần thể di tích Núi Bà trải rộng 24km², gồm 3 ngọn núi tạo thành Núi Heo - Núi Phụng - Núi Bà Đen. Đứng từ xa nhìn lại, khu vực núi Bà Đen có hình thù độc đáo, trông như một chiếc nón khổng lồ nằm úp giữa vùng đồng bằng phì nhiêu. Khu di tích lịch sử núi Bà Đen bao gồm hệ thống các điện, chùa và hang động như Điện Bà, Chùa Trung, Chùa Hang, Động Thiên Thai, Động Ông Tà... tọa lạc trên cảnh núi non hùng vĩ với hệ sinh thái rất phong phú.
Bởi vậy, hàng năm, vào dịp Xuân về, rất nhiều du khách đã đổ về đây hành hương, lễ bái để cầu được phù hộ, vừa là đáp ứng nhu cầu tâm linh, và cũng là để ngắm phong cảnh hùng vĩ của núi Bà.
Kim Ngân (tổng hợp)
Theo Quehuongonline