Một lần, được theo chân các nhà khảo cổ vào Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, tôi lặng ngắm nhìn các trống đồng (phiên bản chính) trong các tủ trưng bày và thầm tự hào khi được quan sát bảo vật của đất nước. “Hồn cốt của dân tộc Việt” mà một số nhà văn, nhà báo gọi là đây ư? Xin tỏ lòng kính trọng và tự hào tổ tiên dân tộc Việt đã tạo ra một bảo vật như vậy từ buổi dựng nước- nhà nước Văn Lang và nền “Văn minh sông Hồng”.
Trong suốt 4.000 năm lịch sử và văn hiến, đã bao lần trống đồng ngân vang, khẳng định giá trị của mình. Đây, 3 vòng Loa thành cổ với trống đồng vang khúc ca hành quân rộn rã và những mũi tên đồng bắn ra hàng loạt từ nỏ liên châu (nguyên mẫu của nỏ thần làm từ vuốt thần Kim Quy trong dã sử), khiến giặc xâm lăng khiếp sợ, cắm đầu bỏ chạy. Người Âu Lạc ta chiến thắng.
Trống đồng Đông Sơn trưng bày tại Bảo tàng Guimet, Paris, Pháp
|
Cách đây gần 2.000 năm, tiếng trống đồng lại “xé mây, xé gió”, vút qua đại ngàn thúc giục chí khí chiến đấu của nghĩa quân Hai Bà Trưng, đánh vỡ thành Luy Lâu khiến tên Thái thú gian ác Tô Định phải cắt râu, cải trang quắp đít chạy trốn về nước. Rồi, trống đồng lại trầm lắng xuống tiễn đưa Thi Sách, chủ tướng của cánh nghĩa quân Chu Diên và là chồng yêu dấu của Vua bà Trưng Trắc về nơi an nghỉ cuối cùng.
Rồi còn đây, lớp lớp sông Bạch Đằng oai hùng một thuở, mãi mãi chôn vùi giấc mộng bá quyền của giặc phương Bắc. Chẳng phải trống đồng “oai linh hiển hiện” hồn sông núi, cộng hưởng sĩ khí oai hùng của đoàn quân Đại Việt và hào khí Đông A, Diên Hồng đó chăng?
Chẳng phải các cụ Tổ tiên Lạc Hồng để lại công huân rực rỡ khiến Tết Kỷ Dậu (1789), đoàn quân của người “anh hùng áo vải” Quang Trung tiến vào Thăng Long, đẩy lùi 29 vạn quân xâm lược về nước khiến chúng phải chặt đứt cầu phao, xô nhau xuống sông và Tôn Sĩ Nghị, tổng chỉ huy 29 vạn quân xâm lược chạy trối chết 7 ngày 7 đêm về nước đó sao? Các “cụ” trống trong thời bình, giữa kinh thành Thăng Long, đào hoa nở rộ, ngân vang giữa kinh thành mà khiến Trần Phu, sứ giả của đế quốc Nguyên – Mông hùng mạnh nhất thời bấy giờ phải toát mồ hôi lạnh mà than: “Năm canh nghe tiếng trống/ Một đêm hóa bạc đầu!”.
Trống đồng Hoàng Hạ, loại Heger I, trưng bày tại
Bảo tàng lịch sử Việt Nam, Hà Nội, Việt Nam
|
Trống đồng Đồng Cổ, đền Đồng Cổ, lễ hội Đồng Cổ linh thiêng tồn tại mãi dưới đất trời Thăng Long, cho lớp lớp con cháu đời sau thấy tự hào về thời kỳ độc lập tự chủ, xây dựng vương triều vững mạnh. Ngôi đền thiêng ở phía hữu thành Thăng Long đến nay còn văng vẳng lời minh thệ “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, xin thần linh giết chết”.
Thế rồi, thế rồi,… còn nhiều những sự tích kể mãi cũng không hết!
Ở một khía cạnh nào đó, Trống đồng tượng trưng cho bản sắc của dân tộc Việt, tượng trưng cho tính cách Việt, tâm hồn Việt. Trống còn biểu hiện cho nhận thức của người Việt về thế giới quan và nhân sinh quan (Mặt Trời, Âm Dương, tư tưởng sinh hoạt dân chủ thời cổ đại, tư tưởng phồn thực…). Người Việt ta tự hào với quà quý- vật phẩm đầy ý nghĩa về nền văn hiến lâu đời của dân tộc đã gửi tặng cho Liên hợp quốc. Đó là Trống đồng Ngọc Lũ I (phiên bản), nay đang được trưng bày tại tổ chức lớn nhất thế giới này. Vậy là “bảo vật Việt” đã được gần 200 quốc gia toàn cầu công nhận xứng đáng.
Với đà phát triển kinh tế - xã hội - an ninh - quốc phòng bền vững không ngừng trong những năm qua, các “cụ” trống đồng lại tiếp tục “đồng hành” cùng con cháu trong công cuộc xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
Hồng Quang