Tại Hội thảo “Giải pháp để bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các DTTS trong giai đoạn hiện nay” do Bộ VHTTDL tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội, rất nhiều đại biểu đã lo ngại khi thấy trang phục các DTTS hiện nay còn rất ít người mặc.
Không thể phủ nhận đó chính là một nguyên nhân khiến cho biệc bảo tồn trang phục dân tộc càng trở nên khó hơn bao giờ hết. TS Trần Thị Tuyết Mai (Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VHTTDL) cho biết: “Trong các lễ hội ngày nay, trang phục của người tham dự hội có vẻ rất tùy tiện, mặc dù là lễ hội truyền thống của các DTTS, gắn với tín ngưỡng, tâm linh nhưng vẫn có người mặc áo phông, quần âu, áo hở cổ, rất ít người mặc các trang phục truyền thống. Nguyên nhân là do kinh tế thị trường tác động nhiều chiều làm cho các giá trị văn hóa truyền thống bị tổn thương; đời sống đồng bào khó khăn, ít có cơ hội để giao lưu tại các lễ hội và quy định về trang phục người dự hội lâu nay bị xem nhẹ”.
Ở góc độ người nghiên cứu chuyên sâu, PGS - TS Đoàn Thị Tình nhận xét: “Chúng tôi thấy các bộ trang phục truyền thống DTTS càng ở vùng cao, vùng sâu, nhất là ở lớp người lớn tuổi thì còn giữ được nét cổ truyền. Trong khi đó, những người tham gia hoạt động xã hội trong các cơ quan nhà nước, đoàn thể thì trang phục có sự đan xen cả ở nam và nữ, hoặc là áo truyền thống kết hợp với quần âu hoặc là váy của tộc người mình nhưng trên lại mặc áo sơ mi, áo phông, kết hợp với giày da, giày thể thao. Nhìn những người trong trang phục như vậy, thật khó để xác định họ thuộc tộc người nào”.
TS Nguyễn Thị Ngân- Giám đốc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc VN còn đưa ra một con số rất đáng lưu tâm: “Các cuộc nghiên cứu, sưu tầm của bảo tàng 2 năm gần đây cho thấy có tới 40/54 dân tộc không mặc trang phục truyền thống như những gì chúng tôi đang lưu giữ trong bảo tàng mà thay vào đó là trang phục công nghiệp bằng sợi tổng hợp, sợi nylon với nhiều chủng loại hoa văn giống nhau tràn ngập trên thị trường”.
Lòng tự hào đang bị quên lãng
Là một nhà nghiên cứu văn hóa DTTS, ông Vi Hồng Nhân bày tỏ sự xót xa khi thấy trang phục của các dân tộc bị thất truyền trong đời sống hiện đại, khi mà cái ăn, cái mặc tưởng như dễ dàng hơn thời đói khổ ngày xưa. Theo ông Nhân, một nguyên nhân chính là do nhiều đồng bào DTTS đã quên mất lòng tự hào về bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình, ít có cơ hội được “khoe” bộ trang phục với thiên hạ. Giới trẻ thì bị ảnh hưởng quá sâu bởi văn hóa của các dân tộc đa số nên không còn thấy vui thích, mặn mà với bộ trang phục của cha ông để lại.
Theo TS Nguyễn Thị Ngân, những dân tộc có dân số dưới 1.000 người như Rơ Măm, Ơ Đu, Thổ, Chứt… thì hoàn toàn không còn trang phục truyền thống |
Ông Ngô Quang Hưng- nguyên Vụ phó Vụ Văn hóa dân tộc đề xuất: “Nếu muốn giải quyết được những vấn đề trên, cần phải có những giải pháp rất cụ thể với bàn tay của các cơ quan nhà nước. Chúng ta phải quy hoạch và tổ chức sản xuất cùng nguyên liệu cho các làng nghề truyền thống dệt, nhuộm, thêu thủ công ở cùng dân tộc, có các doanh nghiệp cung cấp vải sợi, thuốc nhuộm, chỉ thêu và công cụ hỗ trợ cho làng nghề. Cần có sự tôn vinh thỏa đáng những nghệ nhân, thợ giỏi, có như vậy việc bảo tồn văn hóa trong trang phục truyền thống mới có cơ sở vững chắc để thực hiện”.
Hơn 20 tham luận đã được trình bày tại cuộc hội thảo đều thống nhất quan điểm, muốn bảo tồn được bộ trang phục của các DTTS thì yếu tố quan trọng nhất là chính bản thân người mặc phải có sự hiểu biết, tự hào và lòng yêu mến vốn quý cha ông đã trao truyền.
Lê Tâm - Dân Việt