Phiên chợ đồ cũ Hà Nội với tên gọi "Chợ phiên dấu xưa" đã mở cửa phiên đầu tiên ngày 3/11 tại Bảo tàng Hà Nội. Phiên chợ độc đáo này được tổ chức theo một phong cách đặc biệt nhằm tạo nên một điểm hẹn văn hoá mới của những người yêu cổ vật.
Ngay từ đầu giờ sáng, trước khi chính thức khai mạc, chợ đã có rất đông khách tới xem và mua các hiện vật. Lần đầu tiên, giới yêu cổ vật có một phiên chợ riêng của mình nên cả người bán và người mua đều háo hức. Không chỉ có các gian hàng của các chủ đồ cổ ở Hà Nội, mà có cả các gian hàng ở Ninh Bình, Nam Định, Bắc Ninh... và người mua cũng đến từ nhiều tỉnh, thành lân cận.
Đây là lần đầu tiên, giới yêu cổ vật có một phiên chợ riêng của mình |
Đem những món đồ cổ của đất Ninh Bình bán tại phiên chợ này, ông Phạm Hữu Hội - Chủ nhiệm Câu lạc bộ cổ vật huyện Kim Sơn - Ninh Bình cho biết: "Hội cổ vật Thăng Long tổ chức phiên chợ này là dịp rất tốt để những người sưu tầm cổ vật mọi miền đất nước giao lưu. Đi chợ ai cũng mong kiếm được món đồ ưng ý. Sưu tầm cổ vật phải có thời gian nhất định. Ở đây là thời gian, trí tuệ, người tâm huyết. Nói chung đã là cổ vật thì đều là quí. Có điều giá trị kinh tế, lịch sử, thẩm mỹ thì mỗi món đồ có giá trị khác nhau...".
Bà Đào Thị Thuý ở gian hàng số 13 của chợ kể, gia đình bà có cửa hàng ở 132 Nghi Tàm, nhưng khi nghe tin có phiên chợ này, gia đình đã đăng ký tham gia một gian hàng vì "nó rất thuận tiện cho những người sưu tầm và chơi đồ cổ. Chủ nhật hàng tuần mọi người đến đây đều có thể mua được những món đồ rất tốt. Muốn có giàn cổ đẹp thì phải tích luỹ lâu năm, những cái gì đẹp thì mình để mình chơi, giao lưu...".
Cùng với nhiều người ở Hội cổ vật Hải Phòng đến chợ đồ cũ Hà Nội lần này, ông Bùi Xuân Vinh thấy có rất nhiều món đồ mà ông tìm mua nhiều năm nay. Ông Vinh cho rằng, việc mở ra phiên chợ đồ cũ này rất thuận tiện cho những người yêu thích cổ vật, bởi các món đồ ở đây rất phong phú và tốt. Đặc biệt nếu tổ chức được đều đặn thì đây là một cơ hội rất tốt để mọi người giao lưu.
Sau khi đi một vòng các gian hàng, ông Bùi Quang Đức - thành viên Hội cổ vật Thiên Trường - Nam Định đã mua được một đôi lọ nhỏ thời Nguyễn. Ông cảm thấy vui lắm vì đây là văn hoá của người Việt, đại diện cho văn hoá thời Nguyễn. Ônng Đức đã có khoảng 3 chục năm sưu tầm cổ vật. Với ông, đó là niềm đam mê.
Ông Bùi Quang Đức - thành viên Hội cổ vật Thiên Trường - Nam Định và đôi lọ nhỏ mua được tại phiên chợ |
"Sưu tập là thú chơi, mà nó không phải ngày một ngày hai. Người sưu tầm phải đam mê nhất định..." - Ông Đức nói thêm.
Không chỉ mua các đồ sành sứ, đồ giả cổ, người đến với phiên chợ này còn có thể mua các loại đồ trang sức, tiền cổ, đồng hồ, những bức ảnh cổ, quần áo... Càng gần trưa, phiên chợ càng đông người. Ai cũng vui vẻ, phấn chấn, bởi dù không mua được món đồ nào thì cũng một lần được tận mắt thấy nhiều món đồ lạ mắt...
Ông Đào Phan Long - Chủ tịch Hội Cổ vật Thăng Long, đại diện Ban Tổ chức, cho biết: "Chợ phiên dấu xưa" hiện có 39 gian hàng, được thiết kế theo mô hình chợ quê cổ truyền với những hình ảnh gợi lại không gian văn hóa truyền thống như: Cầu đá, cây đa, đình làng…
Những mặt hàng được trao đổi, mua bán ở đây bao gồm: Các đồ vật đã qua sử dụng thuộc các thời kỳ lịch sử khác nhau, đồ giả cổ, đồ thủ công mỹ nghệ với nhiều chủng loại (lụa, sơn mài, đồ vật được chế tác từ sừng…) được tuyển chọn từ các làng nghề.
"Chợ phiên dấu xưa" thu hút nhiều người đến trao đổi và mua bán đồ cũ |
Trong số nhiều món đồ cũ trưng bày ở chợ, có cả những món đồ cổ có giá trị. Ban tổ chức chợ dự định vào Chủ nhật cuối của tháng có thể chọn ra một số đồ cổ có giá trị để bán đấu giá.
Bên cạnh đó, Ban quản lý “Chợ phiên dấu xưa” sẽ thường xuyên tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật, giúp du khách tìm hiểu về các loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
Đến với phiên chợ này, công chúng còn có cơ hội tìm hiểu về khoảng 15.000 cây cảnh các loại được trưng bày trong khuôn viên sân Bảo tàng Hà Nội.
“Chợ phiên dấu xưa” do Hội Cổ vật Thăng Long phối hợp với Bảo tàng Hà Nội tổ chức và mở cửa đều đặn vào các ngày Chủ nhật hàng tuần (từ 9h -16h30’).
Theo Ban tổ chức, nếu sau này duy trì tốt thì có thể họp cả vào hai ngày thứ bẩy và Chủ nhật, trở thành một địa chỉ văn hoá dành cho công chúng trong nước và du khách nước ngoài./.
Mai Hồng/VOV1